|
Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi lan rộng trong nhiều lĩnh vực |
Thiết thực cho hội viên
Nhiều năm qua, phong trào “Nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được Hội Nông dân tỉnh chú trọng triển khai sâu rộng đến cơ sở bằng nhiều hình thức linh hoạt. Các giải pháp được các cấp hội triển khai như: hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, hỗ trợ vốn vay qua các ngân hàng, Quỹ Hỗ trợ nông dân, cung ứng vật tư nông nghiệp, xây dựng các mô hình trình diễn, mô hình sản xuất hữu cơ, liên kết, xây dựng thương hiệu sản phẩm…
Các cấp hội cũng tích cực vận động nông dân thực hiện việc dồn điền đổi thửa, cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, giúp nhau cây, con giống, nguồn vốn, ngày công, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cùng xóa đói giảm nghèo, vươn lên khá giả. Từ phong trào, nhiều nông dân đã phát huy tinh thần đoàn kết, liên minh sản xuất, xuất hiện ngày càng nhiều gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, nông dân vượt khó thoát nghèo, có nhiều hộ nông dân thu nhập từ 1-2 tỷ đồng.
Ông Hồ Đa Thê, hội viên nông dân ở xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc là điển hình như thế. Trước thực trạng trồng rừng truyền thống theo thói quen của bà con, chưa nắm bắt về kỹ thuật lâm sinh trồng và chăm sóc, chu kỳ kinh doanh 4-5 năm khai thác, sản phẩm gỗ chỉ bán nguyên liệu giấy với giá rẻ, không ổn định dẫn đến hiệu quả kinh tế từ rừng trồng thấp. Qua đó, ông đã tiên phong đứng ra vận động các lâm hộ ở địa phương thành lập Chi hội chứng chỉ FSC rừng Hòa Lộc, ban đầu gồm 25 thành viên, với tổng diện tích hơn 189ha.
Sau hơn 7 năm trồng và chăm sóc, tất cả rừng trồng FSC của các thành viên thuộc chi hội cho khai thác đã đạt sản lượng gỗ bình quân từ 200-220m3/ha, tỷ lệ gỗ vanh tăng từ 60-70%, đưa giá trị rừng trồng gỗ lớn có chứng chỉ FSC lên đến 250-300 triệu đồng/ha, trong khi rừng trồng gỗ nhỏ 5 năm khai thác thì lợi nhuận chỉ khoảng 80-90 triệu đồng/ha. Từ hiệu quả đó, chỉ sau vài năm, chi hội đã mở rộng lên 55 thành viên, với tổng diện tích gần 550ha rừng trồng được cấp chứng chỉ rừng FSC.
Hướng đến mô hình sản xuất mới
Phong trào nông dân thi đua SXKDG đã nhanh chóng phát triển sâu rộng, tăng nhanh về quy mô, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội các địa phương trên khắp địa bàn tỉnh. Trong đó, chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chuyển đổi cây trồng trên vùng gò đồi theo chủ trương của tỉnh và thị xã Hương Thủy đã được nông dân xã Thủy Phù chú trọng phát triển với diện tích khá lớn. Phần lớn cây keo được trồng trên toàn bộ diện tích rừng hiện có của xã với hơn 1.200ha, đây là tiềm năng mà địa phương đang phát huy.
Nhiều giống cây trồng mới có hiệu quả cao được nông dân trên địa bàn đưa vào trồng như mô hình cây hồ tiêu, bưởi da xanh, ổi không hạt, vú sữa, mãng cầu dai... Trong chăn nuôi, mô hình trang trại, gia trại phát triển dần thay thế mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ ở gia đình, nhiều vật nuôi có giá trị kinh tế cao đang được phát triển như bò, dê sinh sản...
Có thể thấy, phong trào đã thu hút đông đảo nông dân trong tỉnh hưởng ứng tham gia, xuất hiện trên nhiều lĩnh vực trong phát triển nông - lâm - ngư nghiệp, hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ và phát triển ngành nghề nông thôn. Đã có 297.677 lượt hộ đăng ký thi đua SXKDG, chiếm 60,44% tổng số hộ nông dân trong tỉnh. Trong đó, có 140.715 lượt hộ đạt tiêu chí cấp cơ sở chiếm 78,2%; có 35.336 lượt hộ đạt tiêu chí cấp huyện chiếm 19,6%; có 3.509 lượt hộ đạt tiêu chí cấp tỉnh chiếm 2% và có 364 lượt hộ đạt tiêu chí cấp Trung ương, chiếm 0,2%. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều gương “Nông dân Việt Nam xuất sắc”, “Nông dân điển hình tiên tiến”, “Nhà nông sáng tạo”...
Chủ tịch HND tỉnh, ông Nguyễn Chí Quang cho rằng, trên địa bàn tỉnh hội đủ các điều kiện tự nhiên, ngoài những cánh đồng sản xuất, kinh doanh nông sản, còn có rừng và biển, các sản phẩm nông - lâm - thủy sản được sản xuất ở địa phương cũng rất phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, nhìn về quy mô vẫn còn nhỏ lẻ. Vì vậy, các cấp hội sẽ tập trung công tác tuyên truyền, làm chuyển biến nhận thức cho hội viên nông dân để chuyển từ sản xuất truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao; từ năng suất, sản lượng chuyển sang chất lượng, giá trị tăng cao và an toàn thực phẩm.
Hội Nông dân tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp hội nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, hướng đến mục tiêu liên kết, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh có quy mô; hàng năm tăng số lượng nông dân đạt danh hiệu SXKDG, “nông dân sáng kiến”, “nông dân khởi nghiệp”, “nông dân ứng dụng 4.0”... phù hợp với tình hình thực tế địa phương và hoạt động hội trong thời gian tới.