Khai thác nguồn nước ngầm thiếu bền vững sẽ làm khô cạn sông hồ, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp
Chủ đề Ngày Nước Thế giới năm nay, nhằm khám phá, bảo vệ, sử dụng bền vững nguồn nước ngầm sẽ là việc làm trọng tâm để tồn tại và thích ứng với BĐKH và đáp ứng nhu cầu của dân số ngày càng tăng. Chủ đề này được Tổ chức Liên Hiệp quốc lựa chọn ngoài nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa của nước đối với cuộc sống, sức khỏe và môi trường, còn kêu gọi ý thức cộng đồng về bảo vệ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế trước những thách thức nguồn tài nguyên nước đang đối mặt, do tác động của con người, BĐKH.
Nhiều khẩu hiệu được đưa ra để kêu gọi hưởng ứng sự kiện này. Ngoài tầm mắt, dưới chân chúng ta, mạch nước ngầm là một kho báu làm phong phú thêm cuộc sống của chúng ta. Ở những nơi khô hạn nhất trên thế giới, nước ngầm có thể là nguồn nước duy nhất mà con người có.
Mỗi ngày, mỗi người cần 250 lít nước cho sinh hoạt và hàng nghìn lít nước vào nhu cầu gián tiếp như công nghiệp, nông nghiệp. Cụ thể, lượng nước mỗi người sử dụng phục vụ cho sinh hoạt khoảng 8%, 23% cho công nghiệp và 63% cho hoạt động nông nghiệp.
Nước đóng vai trò rất to lớn, song vấn đề quản lý, sử dụng từ nước mặt, nước ngầm cho đến nước mưa vẫn thiếu bền vững, chưa đem lại hiệu quả kinh tế, môi trường.
Gần đây, cùng với vấn đề khan hiếm, cạn kiệt nguồn nước vì các ảnh hưởng nhân sinh cũng như tác động của BĐKH, vấn đề suy thoái, ô nhiễm nguồn nước do hoạt động xả nước thải gây ra cũng ngày càng rõ rệt và nghiêm trọng.
Ngoài tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức, hành động của toàn xã hội trong bảo vệ, sử dụng nguồn nước hợp lý, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tăng cường quản lý các hoạt động khai thác cũng như xả nước thải vào nguồn nước. Hiện, Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Báo cáo kết quả Dự án "Điều tra, khảo sát tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2"; tổ chức rà soát, nghiệm thu Dự án "Điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt tỉnh Thừa Thiên Huế". Ngoài ra, trong năm 2022, ngành tiếp tục triển khai thực hiện Đề án "Lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước ở tỉnh Thừa Thiên Huế"; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, hậu kiểm hoạt động thăm dò, khai thác sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước.
Cùng với việc tăng cường sử dụng nguồn nước hợp lý, tiết kiệm, việc tái sử dụng nước thải đã qua xử lý đang được khuyến khích, ưu tiên để biến nguồn nước này trở thành một nguồn cấp nước thay thế các nguồn nước tự nhiên. Trong đó, tùy thuộc vào mục đích sử dụng, như: chăm sóc cảnh quan, tẩy rửa vệ sinh, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, tái sử dụng nước thải trong công nghiệp, duy trì dòng chảy, phát triển cảnh quan… để xử lý nguồn nước tái sử dụng đạt tiêu chuẩn quy định về môi trường.
Hoạt động tái sử dụng nước thải hay thu gom nước mưa với dung tích bể chứa từ 500m3 để sử dụng cho sinh hoạt, khử muối từ nước lợ, mặn thành nước ngọt, sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước cho sản xuất nông nghiệp… được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định tại Luật Tài nguyên nước năm 2012, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Luật Chăn nuôi năm 2018, như về vay vốn, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu.
Bài, ảnh: Song Minh