ClockThứ Ba, 13/04/2021 06:30

Kéo dài thời gian cơ cấu, miễn, giảm lãi vay cho khách hàng

TTH - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành thông tư mới sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các TCTD, giúp khách hàng vượt khó.

Giảm lãi suất: Đón dòng vốn mùa cao điểmCác ngân hàng giảm mạnh lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Thông tư 03/2021/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 17/5/2021

Kịp thời

Dưới tác động của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp (DN) giải thể, tạm đóng cửa. Năm 2020, toàn tỉnh có 418 DN tạm ngừng hoạt động, tăng 30% và 98 DN giải thể; doanh thu của các DN thiệt hại khoảng 11.000 tỷ đồng. Trước khó khăn này, nhiều chính sách hỗ trợ DN vượt khó như giảm thuế, giảm lãi suất vay vốn… đã được triển khai. Và Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu lại nợ được đánh giá rất cao vì tính kịp thời đối với cả TCTD và DN.

Số liệu từ NHNN chi nhánh tỉnh, từ khi triển khai hỗ trợ DN và người dân khắc phục thiệt hại do dịch COVID-19 theo Thông tư 01, các TCTD trên địa bàn đã hỗ trợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ với dư nợ được cơ cấu 1.135 tỷ đồng cho 790 khách hàng (trong đó có 115 DN); 2.360 khách hàng (trong đó có 233 DN) được miễn, giảm lãi, hạ lãi suất với dư nợ 2.715 tỷ đồng, số tiền lãi đã được miễn, giảm là 6,1 tỷ đồng.

Các TCTD đã cho 2.060 khách hàng (trong đó có 443 DN) vay mới để khôi phục sản xuất với doanh số cho vay từ khi công bố dịch đến cuối tháng 3/2021 là 12.806 tỷ đồng với lãi suất cho vay thấp hơn phổ biến từ 0,5%-2,5%/năm so với trước dịch, dư nợ hiện tại là 6.914 tỷ đồng.

Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh thực hiện chương trình cho vay đối với người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc đối với người lao động.

Tính đến cuối tháng 3/2021, NHCSXH tỉnh đã giải ngân cho vay đối với 02 DN với dư nợ 444 triệu đồng và số người lao động bị ngừng việc được chi trả là 219 người. Các hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được NHCSXH tỉnh giãn nợ với dư nợ 2,73 tỷ đồng.

Nhiều ngân hàng chủ động tiết giảm chi phí, triển khai các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi để thực hiện hỗ trợ khách hàng vay gặp khó khăn do dịch bệnh, phục hồi sản xuất kinh doanh (SXKD).

Theo Phó Giám đốc Vietcombank chi nhánh Huế-Nguyễn Thị Thanh Hiền, cùng với các đợt miễn, giảm lãi suất thời điểm năm 2020, năm 2021, Vietcombank tiếp tục hỗ trợ khách hàng là DN và cá nhân giảm bớt khó khăn vượt qua đại dịch thông qua việc giảm đồng loạt lãi suất tiền vay cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của khách hàng thời gian 3 tháng, từ 22/02/2021 đến 22/05/2021.

Theo đó, khách hàng DN bị ảnh hưởng mức độ mạnh bởi dịch COVID-19 sẽ được giảm 10% số tiền lãi phải trả ngân hàng và các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID còn lại sẽ được giảm 5% số tiền lãi phải trả ngân hàng. Khách hàng cá nhân cũng được giảm lãi suất 0,2%/năm khi vay vốn SXKD. Vietcombank Huế đã rà soát cắt giảm lãi suất cho 196 khách hàng với tổng số tiền lãi được giảm trên 180 triệu đồng.

Bàn đạp

Các TCTD đều triển khai các chương trình hỗ trợ khách hàng, song theo nhận định của đại diện một số ngân hàng, DN phải có thời gian nhất định mới có thể phục hồi SXKD nhưng Thông tư 01 đã quá thời hạn. Các ngân hàng không thể xem xét hỗ trợ cho khách hàng mà phải đợi quy định mới ban hành mới triển khai tránh rủi ro cơ chế. Vì chưa có thông báo chính thức nên các ngân hàng này vẫn tranh thủ tận dụng cơ chế Thông tư 01 để hỗ trợ cho khách hàng sau khi có quy định chính thức ngân hàng sẽ điều chỉnh sau. Điều này cũng làm hạn chế số lượng khách hàng, DN tiếp cận với các chính sách hỗ trợ khách hàng của các TCTD.

Hiện nay, những vấn đề trên đã cơ bản được giải quyết khi NHNN vừa ban hành Thông tư 03 sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư 01. Đây được xem là bàn đạp cho các TCTD mở rộng triển khai các gói hỗ trợ khách hàng và giúp DN tìm kiếm theo các nguồn hỗ trợ từ phía ngân hàng.

Đại diện NHNN chi nhánh tỉnh thông tin, theo quy định mới tại Thông tư 03/2021/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 17/5/2021, thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) phù hợp với mức độ ảnh hưởng dịch COVID-19 đối với khách hàng và không vượt quá 12 tháng kể từ ngày ngân hàng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng thực hiện đến ngày 31/12/2021.

Các điều kiện về miễn, giảm lãi, phí đối với các khoản nợ tại thông tư này cũng được sửa đổi theo hướng mở rộng thời hạn áp dụng cho các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 phát sinh trước ngày 10/6/2020 và có thời gian trả nợ từ 23/1/2020 đến 31/12/2021. Việc thực hiện miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng theo quy định tại thông tư này thực hiện đến ngày 31/12/2021.

Trước đó, tại Thông tư 01, NHNN quy định thời hạn áp dụng là khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ từ ngày 23/1/2020 đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch.

Thông tư này cũng quy định các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro đối với toàn bộ số dư nợ của khách hàng theo kết quả phân loại nợ. Và kể từ ngày 1/1/2024, TCTD căn cứ quy định của NHNN về trích lập dự phòng rủi ro trong hoạt động của TCTD để trích lập dự phòng rủi ro đối với toàn bộ dư nợ, cam kết ngoại bảng của khách hàng, bao gồm cả số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại thông tư này.

Các TCTD kỳ vọng, việc kéo dài thời gian gia hạn, miễn giảm lãi vay sẽ giúp ngân hàng hỗ trợ tốt hơn cho DN. Cùng với đó, các TCTD sẽ có ba năm trong lộ trình để trích lập dự phòng rủi ro xử lý nợ. Đây là khoảng thời gian vừa đủ để nợ được xử lý dần theo phân loại và trích lập dự phòng lũy tiến sẽ không khiến nợ xấu tăng lên đột ngột, gây áp lực lên các ngân hàng.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngành điện có nhiều hoạt động ý nghĩa trong tháng “Tri ân khách hàng”

Ngày 12/12, Lãnh đạo Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (PC Thừa Thiên Huế) thông tin: Từ tháng 11/2024, đơn vị đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa trong tháng “Tri ân khách hàng” năm 2024, hướng đến chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024).

Ngành điện có nhiều hoạt động ý nghĩa trong tháng “Tri ân khách hàng”
Ngân hàng và doanh nghiệp cần có tiếng nói chung

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã triển khai nhiều chương trình tín dụng hướng vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng và các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh. Đó là khẳng định của ông Phạm Bá Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh tại hội nghị đối thoại, kết nối ngân hàng, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn chiều 14/11.

Ngân hàng và doanh nghiệp cần có tiếng nói chung
Cần tháo gỡ các nút thắt về vốn cho hoạt động tín dụng chính sách

Ngày 25/10, Đoàn công tác của Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam do ông Ngô Văn Cương, thành viên HĐQT NHCSXH Việt Nam làm Trưởng đoàn đã có buổi kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.

Cần tháo gỡ các nút thắt về vốn cho hoạt động tín dụng chính sách

TIN MỚI

Return to top