Trước đó, Đoàn đã giám sát hoạt động tín dụng chính sách tại phường Thủy Lương và Ban đại diện HĐQT NHCSXH thị xã Hương Thủy vào ngày 24/10/2024.
|
Đoàn kiểm tra, giám sát làm việc với Ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh. Ảnh: Văn Bốn |
Nguồn vốn tín dụng chính sách được tăng cường
NHCSXH chi nhánh tỉnh hiện có 8 phòng giao dịch cấp huyện và Hội sở tỉnh, với 141 điểm giao dịch/141 xã, phường, thị trấn. Hiện, chi nhánh đang quản lý 22 chương trình tín dụng, trong đó có 9 chương trình đã dừng cho vay đang thực hiện thu hồi nợ.
Đến ngày 30/9/2024, tổng dư nợ trên địa bàn đạt 4.740,8 tỷ đồng, với 96.782 khách hàng còn dư nợ. Dư nợ tập trung chủ yếu vào một số chương trình tín dụng như: Hộ cận nghèo chiếm 17,79%, hộ mới thoát nghèo chiếm 24,34%, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn chiếm 13,75%, cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm chiếm 20,09% so với tổng dư nợ.
Cùng với nguồn vốn ngân sách Trung ương, nguồn vốn từ ủy thác từ địa phương chuyển sang NHCSXH cũng đã tăng thêm nguồn lực triển khai các chương trình tín dụng. Trong 9 tháng đầu năm 2024, nguồn vốn từ tỉnh, huyện đã ủy thác 62,77 tỷ đồng sang NHCSXH, đạt 179,34% kế hoạch được giao năm 2024. Trong đó, nguồn vốn ủy thác cấp tỉnh là 43,51 tỷ đồng; cấp huyện là 19,26 tỷ đồng. Tính đến 30/9/2024, tổng nguồn vốn ủy thác địa phương chuyển sang chi nhánh NHCSXH tỉnh đạt 272,4 tỷ đồng (cấp tỉnh 181 tỷ đồng, cấp huyện 91,4 tỷ đồng).
|
Các tổ tiết kiệm và vay vốn là cầu nối đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến gần với người dân |
Công tác kiểm tra, giám sát của Ban đại diện các cấp được tăng cường. Trong năm 2024, Ban đại diện HĐQT các cấp đã phân công 233/246 thành viên kiểm tra giám sát tại 9 huyện, thị xã và TP. Huế và 141 xã. Kết thúc các đợt kiểm tra, giám sát đều thông báo kết luận để khắc phục kịp thời các vấn đề tồn tại. Vì vậy, hiệu quả và chất lượng của công tác kiểm tra, giám sát ngày một nâng cao.
Cần ưu tiên bổ sung vốn cho một số chương trình tín dụng chính sách
Ngoài những kết quả đạt được, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, tổng nguồn vốn ủy thác địa phương chuyển sang NHCSXH tỉnh là 272,4 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 5,73% trong tổng nguồn vốn, còn rất thấp so với toàn hệ thống NHCSXH (mức bình quân chung toàn quốc là 12,9%) cơ bản chưa đáp ứng được nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách. Một số chương trình gặp khó khăn trong phân bổ vốn nên rất khó triển khai thực hiện.
Bà Phạm Hương Giang, Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh đề xuất, Chính phủ tiếp tục quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn vốn tín dụng chính sách để tỉnh cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, cho vay hỗ trợ nhà ở, chuyển đổi nghề theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP. Đối với các xã đã ra khỏi danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn, đề nghị Chính phủ cần tiếp tục có cơ chế tín dụng mang tính chuyển tiếp theo hướng tiếp cận cơ chế lãi suất thị trường tạo điều kiện cho người dân có vốn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế. Mở rộng đối tượng vay vốn đối với hộ có mức sống trung bình, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách để phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Đồng thời, đề nghị NHCSXH Việt Nam quan tâm, bố trí đủ nguồn vốn các chương trình theo kế hoạch của tỉnh xây dựng hàng năm và từng giai đoạn. Trong đó, ưu tiên bố trí nguồn vốn chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh vay vốn.
Tại phiên làm việc, Đoàn công tác đã làm rõ một số vấn đề có liên quan và giải đáp, hướng dẫn khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn. Đồng thời ghi nhận các ý kiến đề xuất trong công tác kiểm tra, giám sát lần này.
|
Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp nhiều người dân A Lưới thoát nghèo |
Phát biểu tại buổi kiểm tra, ông Ngô Văn Cương, Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ghi nhận và đánh giá cao việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội tại Thừa Thiên Huế. Đồng thời, yêu cầu Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; tích cực tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng, Chính phủ về tín dụng chính sách đến người dân, gắn hoạt động tín dụng chính sách với các chương trình xây dựng nông thôn mới, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Ban đại diện HĐQT NHCSXH cần tham mưu với HĐND, UBND các cấp đưa nội dung nguồn vốn uỷ thác địa phương vào kế hoạch chi ngân sách địa phương hàng năm. Cân đối, ưu tiên bố trí vốn ngân sách của địa phương bao gồm: Vốn đầu tư công, vốn đầu tư phát triển khác, kinh phí thường xuyên ủy thác sang NHCSXH nhằm bổ sung nguồn vốn cho người nghèo và các đối tương chính sách khác.
Để thực hiện mục tiêu đến năm 2030, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chiếm 15%/tổng nguồn vốn, chi nhánh NHCSXH Thừa Thiên Huế cần phối hợp với các sở ban nghành có liên quan tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh, BĐD HĐQT khẩn trương triển khai kịp thời có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách; bám sát nghị quyết của HĐQT, Ban đại diện HĐQT, các văn bản chỉ đạo của Tổng Giám đốc NHCSXH để chủ động tham mưu cho Ban đại diện HĐQT các cấp những giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng, ông Ngô Văn Cương nhấn mạnh.