ClockChủ Nhật, 16/09/2018 15:13
SÀN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ:

Kết nối “đầu ra” trên môi trường online

TTH - Nhằm thúc đẩy hoạt động xúc tiến mua bán (bán buôn, bán lẻ) trên mạng, Sở Công thương đã xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử, kết nối giữa người mua và người bán mọi nơi, mọi lúc.

Ra mắt sàn giao dịch thương mại điện tử Thừa Thiên Huế

Tham gia sàn TMĐT, những sản phẩm địa phương có nhiều cơ hội để quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ

Bắt nhịp xu hướng phát triển

Dù mới ra mắt, nhưng Sàn thương mại điện tử Thừa Thiên Huế (gọi tắt là sàn TMĐT) có địa chỉ website: santmdthue.vn đã thu hút được nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh (SXKD) của địa phương đăng ký tham gia. Truy cập vào trang web này, khách hàng dễ dàng nhận thấy danh mục những sản phẩm: thủ công mỹ nghệ - quà tặng, nông - lâm - thủy sản, dệt may - thời trang & phụ kiện, dịch vụ, nội ngoại thất... kèm theo tên đơn vị, DN SXKD của từng ngành hàng cụ thể.

Website santmdthue.vn ra đời sẽ làm cầu nối xúc tiến thương mại trên môi trường online

Bà Võ Thị Thu Thủy, Giám đốc Siêu thị Big C Huế cho rằng, không lý do gì mà đơn vị không đăng ký tham gia sàn vì đối tượng thụ hưởng lớn nhất của sàn là DN. Lên sàn, những khách hàng lạ, khách du lịch sẽ biết đến Big C nhiều hơn và chắc chắn sẽ tăng lượng khách đặt hàng qua online.

Đại diện một số DN khác trên địa bàn cũng đồng tình ủng hộ sự ra đời của sàn TMĐT trước xu thế thương mại hội nhập và phát triển. Có thể hoạt động mua bán sẽ không diễn ra sôi động trên sàn, nhưng qua đây, DN đăng ký tham gia có cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm, được mở rộng thêm nhiều kênh bán hàng, xây dựng thêm nhiều đại lý phân phối.

Sàn TMĐT được xây dựng theo mô hình B2B2C (business-to-business-to-consumer, nghĩa là DN đến DN đến người tiêu dùng). Nhiệm vụ của santmdthue.vn là kết nối mua bán sản phẩm hàng hóa với 35 triệu người dùng internet Việt Nam, hơn 8.000 DN địa phương, các DN trong và ngoài nước và trên 100.000 hộ sản xuất kinh doanh, bán lẻ địa phương.

Ngoài mục đích chính là quảng bá, giao dịch thương mại, trên trang này còn đăng tải những tin tức, văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động thương mại địa phương, trong nước và quốc tế. Đây còn là kênh để cơ quan quản lý thuận tiện trong việc tuyên truyền chính sách pháp luật, định hướng, khuyến khích các DN tích cực tham gia vào các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm quảng bá, giới thiệu tên tuổi đơn vị cũng như đưa sản phẩm đến với thị trường trong nước và quốc tế.

Rộng đường quảng bá, giao thương

Tham gia vào sàn TMĐT, DN, cơ sở SXKD được cung cấp giải pháp TMĐT toàn diện gồm: công cụ đưa sản phẩm lên môi trường trực tuyến, công cụ khuyến mại trực tuyến, tiếp thị trực tuyến; tư vấn từ chuyên gia TMĐT. DN được tiếp cận số lượng người tiêu dùng đông đảo trên sàn TMĐT.

Đối với người tiêu dùng, sàn TMĐT giúp việc mua sắm thuận lợi, tiện ích nhờ hàng hóa đa dạng; cập nhật chương trình khuyến mại từ các nhà bán lẻ. Người tiêu dùng không lo mua bán theo hình thức “trôi nổi”, dễ bị đánh lừa như nhiều trường hợp mua hàng qua mạng từng gặp. Vì tham gia giao dịch trên sàn này, người tiêu dùng có thể phản ánh ý kiến của mình liên quan đến sản phẩm tại phần “Đánh giá sản phẩm” bên dưới mỗi sản phẩm do thành viên đăng bán. Chủ gian hàng và Ban quản trị (Sở Công thương) có trách nhiệm ghi nhận và phản hồi những ý kiến phản ánh của người tiêu dùng. Trường hợp có khiếu nại, khách hàng có thể trực tiếp thông tin đến DN theo địa chỉ DN đã đăng ký trên sàn hoặc liên hệ đến Ban quản trị theo địa chỉ, số điện thoại hoặc email đã có trên trang chủ của sàn giao dịch. Ban quản trị và DN bán hàng sẽ có trách nhiệm giải quyết khiếu nại của khách hàng theo quy định pháp luật hiện hành.

Ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Sở Công thương cho rằng, sàn TMĐT tương tự như chợ truyền thống. Nhưng trên cơ sở áp dụng một số công cụ quản lý qua mạng theo hình thức kinh doanh online. Từ việc giao dịch thương mại qua sàn sẽ khắc phục được tình trạng trốn thuế, gian lận TMĐT, tức là mua bán mờ ảo. Thời gian đầu, Sở Công thương chú trọng vào những DN sản xuất nông sản, đặc sản, mỹ nghệ, sản phẩm truyền thống của Huế; đồng thời ưu tiên DN đã có thương hiệu, có nền móng về ứng dụng công nghệ thông tin.

Mong muốn của đơn vị quản lý là từ sàn này, đối tượng thụ hưởng chính là DN được mở rộng thị trường, có cơ hội đem lại doanh thu lớn.

Với mục tiêu trở thành nơi hỗ trợ các DN bán lẻ đồng thời cung cấp nơi mua sắm lý tưởng cho người tiêu dùng, sàn TMĐT sẽ là điểm mua bán lý tưởng cho các doanh nghiệp, cơ sở SXKD và người tiêu dùng nhanh gọn, an toàn, tiết kiệm thời gian và hiệu quả. Thời gian đầu, sàn do cơ quan nhà nước (Sở Công thương) quản lý và DN đăng ký tham gia hoàn toàn “miễn phí”. Nhưng khoảng 1 đến 2 năm sau, khi sàn hoạt động ổn định sẽ bàn giao cho DN quản lý.

Bài, ảnh: Hoài Thương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng tầm sản phẩm địa phương, tăng cơ hội xúc tiến thương mại

Cùng với hoạt động xúc tiến thương mại với các doanh nghiệp (DN) Thái Lan ở quy mô lớn, những hoạt động xúc tiến xúc thương mại quy mô nhỏ với một vài đối tác cũng góp phần quan trọng trong việc đặt nền móng cho những hợp đồng thương mại lâu dài.

Nâng tầm sản phẩm địa phương, tăng cơ hội xúc tiến thương mại
Triển khai chương trình tài trợ thương mại mới cho các thị trường mới nổi

Tập đoàn tài chính đa quốc gia HSBC và Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) của Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ cùng nhau cung cấp vốn cho các giao dịch thương mại, với giá trị lên tới 1 tỷ USD. Động thái này nhằm giúp lấp đầy khoảng trống về tài trợ cho thương mại tại các thị trường mới nổi.

Triển khai chương trình tài trợ thương mại mới cho các thị trường mới nổi
Thúc đẩy liên kết phát triển dược liệu bền vững

Đó là chủ đề tại hội thảo khoa học do Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức vào ngày 22/11, với sự tham gia của các sở, ban, ngành liên quan, nhà khoa học, doanh nghiệp, chính quyền địa phương để cùng nhau bàn luận các giải pháp, tháo gỡ vướng mắc trong phát triển dược liệu, nhất là vấn đề liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ dược liệu.

Thúc đẩy liên kết phát triển dược liệu bền vững
Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024

Ghi nhận trong 10 tháng đầu năm 2024, thương mại của Trung Quốc đạt được với các nền kinh tế thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) chạm mốc cao kỷ lục, vượt 21 nghìn tỷ NDT (2,91 nghìn tỷ USD). Kết quả này đã nhấn mạnh sự hội nhập kinh tế sâu rộng và kết nối thương mại mạnh mẽ giữa các bên.

Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024

TIN MỚI

Return to top