ClockThứ Năm, 02/06/2016 14:12

Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp: Không thể nói suông

TTH - Buổi gặp gỡ trao đổi nhằm kết nối ngân hàng - doanh nghiệp do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh phối hợp cùng Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tổ chức sáng qua (1/6), đã ghi nhận nhiều ý kiến của doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng; trong đó, cần cụ thể hóa các giải pháp bằng hành động, mới mong thúc đẩy sự phát triển ổn định của doanh nghiệp.

Tiền nhiều nhưng chưa chắc dễ vay

Dù đã gửi câu hỏi trước cho ban tổ chức và đã được Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Lê Việt Sỹ trả lời trước hội nghị, song ông Lê Tân, Giám đốc Công ty TNHH Phú Đạt Gia, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tổ chức sự kiện, du lịch dịch vụ trên địa bàn thẳng thắn: “Chúng tôi nghe khá nhiều về những chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, tiếp cận vốn vay ngân hàng… Tuy nhiên, thực tế không dễ. Chúng tôi mong Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh cung cấp đường dây nóng, khi cần liên hệ với ai, gặp ai để giải quyết các vấn đề phát sinh, tránh trường hợp lúc cần không biết gặp ai, giải quyết như thế nào”.

Lãnh đạo Công ty CP Xây dựng giao thông tỉnh kiến nghị cần có chính sách điều chỉnh lãi suất cho vay đối với các khoản vay trung, dài hạn có lãi suất trên 8% năm để doanh nghiệp bớt gánh nặng, khi tình hình sản xuất kinh doanh đang gặp khó. Nhiều dự án đã hoàn tất nhưng Nhà nước chậm thanh toán, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống CB-CNV, hoạt động của công ty. Trong lúc đó, các loại thuế, bảo hiểm nếu quá hạn đều phải nộp phạt.

Ông Trương Công Nam, Giám đốc Công ty TNHH NNMTV Xây dựng và Cấp nước Thừa Thiên Huế (HueWACO) cũng nêu những vấn đề tương tự trong việc khó tiếp cận nguồn vốn vay. Theo như lời ông Nam, từ trước đến nay, doanh nghiệp chưa có tên trong danh sách “đen” nợ xấu, nhưng khi tiếp cận Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam để vay vốn thực hiện dự án đấu nối đường ống cấp nước cho khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Laguna, ông phải ra Hà Nội gặp lãnh đạo của ngân hàng “mẹ” để xin vay vốn, song vẫn không được chấp thuận, cho dù đó là dự án mang tính chất an sinh xã hội và thúc đẩy ngành du lịch tỉnh phát triển.

Cụ thể bằng hành động

“Trong cái khó, ló cái khôn”, ông Trương Công Nam tiếp. Sau khi thực hiện thành công dự án cấp nước cho Laguna và cư dân vùng Cù Dù, xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc), trả nợ xong các khoản vay, HueWACO tiếp tục đầu tư hai dự án cấp nước là tuyến ống D.1000 đường Điện Biên Phủ và D800 đường Đống Đa. Dù cả hai tuyến đều được phê duyệt vay vốn Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), song đợi giải ngân còn lâu, khi tiến độ công trình luôn bị thúc giục. Sáng kiến chào thầu lãi suất đã được áp dụng và HueWACO vay được gói lãi suất chỉ 9,5%/năm của Agribank, trong khi lãi suất thị trường lúc đó là 13,5%/năm. Sau thành công này, HueWACO còn tổ chức nhiều lần chào thầu lãi suất khác và lần nào doanh nghiệp cũng được hưởng lợi vài phần trăm lãi suất so với thị trường.

Trở lại với việc một số doanh nghiệp cho rằng, nhiều ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp dù qua diễn đàn hay bằng văn bản đã được gửi đi, song việc trả lời cụ thể và giải quyết dứt điểm chưa được quan tâm. Ông Nguyễn Tạ Hiền, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh tại buổi gặp gỡ, đối thoại đã công khai, cung cấp số điện thoại của giám đốc và phó giám đốc cho các doanh nghiệp, để khi cần có thể liên hệ để được giải đáp, hỗ trợ.

Ông Nguyễn Tạ Hiền cũng giải đáp một số thắc mắc của doanh nghiệp và hướng dẫn, ngoài 24 ngân hàng thương mại trên địa bàn, còn nhiều tổ chức tín dụng khác như Quỹ Đầu tư phát triển và bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa,… có thể cho vay và bảo lãnh tín dụng giúp doanh nghiệp phát triển, nếu doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo quy định.

Ông Hiền cũng thừa nhận, một trong những điều làm lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh trăn trở là ở hầu hết các diễn đàn, văn bản liên quan đều có phản ánh của doanh nghiệp về việc khó tiếp cận vốn vay ngân hàng. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước luôn tìm cách để tháo gỡ vấn đề này, song, cũng như doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại đều hoạt động dựa trên nguyên tắc phải đảm bảo hiệu quả để duy trì bộ máy. Nói dễ hiểu là ngân hàng cũng là doanh nghiệp, là người đi vay và cho vay lại, vì thế các khoản vay ngoài đảm bảo có lãi, phải ít rủi ro, khả năng thu hồi vốn gần như tuyệt đối. Do đó, nếu dự án khó khả thi, tiềm lực tài chính hạn chế, khả năng trả nợ thấp hoặc thiếu tài sản thế chấp, doanh nghiệp sẽ khó tiếp cận vốn vay ngân hàng…

Tâm Huệ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kết nối các tuyến, điểm phát triển du lịch

Huế có tiềm năng phát triển du lịch, nhưng vẫn còn hạn chế trong việc liên kết phát triển du lịch, nhất là kết nối giữa các điểm đến, kết nối điểm đến với doanh nghiệp lữ hành. Đây là điểm cần khắc phục để tăng sức hấp dẫn và tạo ra nhiều trải nghiệm thu hút khách.

Kết nối các tuyến, điểm phát triển du lịch
Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI là chia sẻ của ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại chương trình gặp gỡ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 do Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Câu lạc bộ FDI tổ chức tối 12/12.

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI

TIN MỚI

Return to top