Giao thông ở A Lưới ngày một khang trang
1. Phải 10 năm sau chiến tranh, tôi mới có dịp đặt chân lên A Lưới. Từ Huế vào sáng sớm, tôi đáp chuyến xe đò ngược ra Quảng Trị, rồi theo đường 9 vòng trở lại, gần tới chiều tối mới tới Bốt Đỏ. Hành trình là cung đường hình vòng cung khiến tôi mấy ngày sau đó không xác định được hướng mặt trời mọc. Ám ảnh mãi trong tôi là chiếc xe car tội nghiệp, chật chội với bao thứ hàng hóa chất chồng và chạy cà dựt, cứ như… rùa bò.
Từ trung tâm thị trấn, chúng tôi băng đèo lội suối cả buổi sáng mới đến được Hồng Tiến (nay là Bình Tiến). Đi về các xã khác trong huyện cũng thế, đều phải cuốc bộ. Có nơi như ở Hương Nguyên (trước khi di dời) phải mất ngày trời mới tới nơi. A Lưới do thế trong tâm trí tôi bấy giờ là một vùng đất xa lạ và đầy hiểm nguy.
Tôi đã nhớ lại chuyến xe hơn 40 năm về trước khi có dịp lên A Lưới vào buổi sáng đầu năm mới 2021. Vốn là con đường 12 cũ, nối liền Huế với A Lưới, Quốc lộ 49 vẫn còn những khúc quanh co nhưng không còn nữa những gập ghềnh và trắc trở năm nào. Ngay cả con đèo A Co dài đến 16 km, năm nào là ác mộng giờ ngồi ô tô đời mới, cảm giác vượt đèo không còn nữa. Quốc lộ 49 được đầu tư và nâng cấp không chỉ rút ngắn khoảng cách từ Huế bằng đồng bằng lên mà còn là chìa khóa khai mở vùng đất núi rừng hoang vu A Lưới sau chiến tranh.
2. Bản đồ giao thông cho thấy, A Lưới không còn khép kín và cô lập. Bên cạnh Quốc lộ 49, trục giao thông Đông - Tây kết nối A Lưới với Quốc lộ 1A, trục đường Hồ Chí Minh chạy qua địa bàn huyện đã phá thế ngõ cụt, nối liền A Lưới thông suốt với hai miền Bắc - Nam đất nước. A Lưới còn có 85 km đường biên giới giáp với Lào và là huyện duy nhất trong tỉnh có 2 cửa khẩu quốc tế A Đớt - Tà Vàng (tỉnh Sê Kông) và cửa khẩu Hồng Vân-Kutai (tỉnh SaLavan) liên thông với CHDCND Lào. Đây là các cửa ngõ phía Tây quan trọng, là lợi thế để huyện mở rộng hợp tác kinh tế, văn hóa với nước bạn Lào và các nước trong khu vực.
Ở một khía cạnh khác, con số 100% thôn, bản có đường giao thông cho thấy A Lưới đã và đang có sự đổi thay mang tính toàn diện và rộng khắp.
Thật ấn tượng khi 5 năm qua, tại huyện A Lưới đã “cứng hoá” 305,7 km đường gồm các tuyến đường huyện, đường xã, đường liên xã, liên thôn, đường nội đồng, đường vào các khu sản xuất. Đồng thời, kêu gọi hỗ trợ xi măng để các xã bê tông hóa đường liên thôn, ngõ xóm. Tỷ lệ đường giao thông nông thôn được cứng hóa đạt 94,2%... Đặc biệt, trong năm 2020, có 28 tuyến đường giao thông nội thị thuộc khu vực đô thị A Lưới được mở rộng, nâng cấp; một số tuyến đường như: Trường Sơn, Kim Đồng, Konh Khoai... được thảm bê tông, nhựa và lát gạch vỉa hè.
3. Từ nhiều năm qua, xã Hồng Bắc (A Lưới) đã phát triển phong trào trồng cây hồng. Là cây trồng có thương hiệu, nhưng trước đó do đường sá chưa thuận lợi nên không có nhiều thương lái tới mua. Xa chợ lớn, đường lại không “đẹp” nên có mùa, dân làng chấp nhận để hồng rụng đầy vườn. Chuyện về cây hồng gợi nhớ hàng chục năm trước khi dân trí chưa phát triển, giao thông chưa mở mang người dân A Lưới trồng chuối và các loại hoa màu phải gùi đi hằng chục cây số để bán với giá rẻ mạt hay bị tư thương mua ép giá tại nương vườn. Tình trạng đó đã được khắc phục gần đây khi giao thông trên địa bàn được đầu tư mở mang.
Vai trò của trục giao thông Đông - Tây (Quốc lộ 49), trục đường Hồ Chí Minh đi qua hay đường biên giới giáp với nước CHDCND Lào là điều đã khẳng định. Cùng với hệ thống giao thông mang tính huyết mạch kia, mạng lưới giao thông nội thị thuộc khu vực đô thị A Lưới và giao thông nông thôn liên xã, liên thôn trong huyện ngày càng hoàn thiện không chỉ thay đổi diện mạo mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương. Từ chỗ làm nương rẫy là chủ yếu, các địa phương ở A Lưới chuyển đổi cơ cấu kinh tế, trồng rừng, phát triển trang trại, nghề truyền thống, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt mở rộng các loại hình du lịch dịch vụ, thu hút du khách thập phương.
45 năm sau ngày thành lập, A Lưới hôm nay đã thay da đổi thịt và dễ dàng nhìn thấy những con đường ngang dọc được mở ra, hiện đại và thông thoáng, đã là một trong những sự khởi đầu và là nhân tố của sự kết nối phát triển đó.
Bài, ảnh: Đan Duy