Các thành viên xây dựng bản đồ khởi nghiệp làm việc với đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư
Từ hành trình kết nối
Trên thế giới, trong vòng 15 năm trở lại đây, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hay sự ra đời của những nền tảng công nghệ mới đã tạo ra một cuộc chuyển đổi kinh tế toàn cầu chưa từng có. Tại Việt Nam, quốc gia khởi nghiệp được xem là một trong những định hướng phát triển kinh tế chiến lược. Riêng Thừa Thiên Huế, từ các phong trào khởi nghiệp giai đoạn 2016-2020, rất nhiều ý tưởng, sản phẩm, dự án khởi nghiệp đã ra đời.
Những ý tưởng sáng tạo, ứng dụng công nghệ đã tạo nên một làn sóng kinh doanh, khởi nghiệp mới với hàng chục doanh nghiệp khởi nghiệp được thành lập đã dần tạo ra hiệu ứng chuyển đổi môi trường kinh doanh tích cực cho tỉnh nhà.
Chia sẻ về câu chuyện xây dựng BĐKN Huế, 9X Võ Hà Nhi - Manager and Co-Founder (quản lý và đồng sáng lập) Ata Global, chủ nhiệm đề tài BĐKN Huế cho hay, từng là Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Khởi nghiệp Huế, Nhi đề xuất ý tưởng và bắt tay xây dựng BĐKN cùng các thành viên Ban chủ nhiệm CLB để quảng bá, giới thiệu, kết nối các startup Huế với nhà đầu tư tại Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia - Techfest (11/2018).
“Quy tụ” 50 thương hiệu, doanh nghiệp, BĐKN Huế được in thành tập gấp với kỳ vọng có thể marketing, quảng bá cho cộng đồng khởi nghiệp Huế một cách nhanh nhất - điều mà các startup khó thực hiện được do thiếu nguồn lực. “Sau Techfest, rất nhiều thành viên của CLB Khởi nghiệp Việt Nam, Quỹ Khởi nghiệp công nghệ Việt Nam- SVF… biết, hợp tác với cộng đồng Khởi nghiệp Huế và rất nhiều buổi kết nối, hội thảo cộng đồng được tổ chức”, Chủ nhiệm CLB Khởi nghiệp Huế Nguyễn Văn Thanh Bình chia sẻ.
Cũng từ những thông tin này, nhóm hoàn thiện hơn BĐKN bằng việc xây dựng website: Bandokhoinghiep.vn. Năm 2019, dự án BĐKN được Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đồng ý hỗ trợ 100 triệu đồng từ Quỹ Khoa học công nghệ tỉnh (hiện đã giải ngân 50 triệu đồng). Võ Hà Nhi cho rằng, tuy làn sóng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mạnh mẽ như vậy nhưng chúng ta đang thiếu “bức tranh” rõ nét cung cấp thông tin về doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp của Việt Nam nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng. Do vậy, “sợi dây” kết nối của hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia lẫn hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương chưa vững chắc, dẫn đến việc thúc đẩy hỗ trợ khởi nghiệp còn hạn chế. Đồng thời, các doanh nghiệp, dự án, cá nhân khởi nghiệp chưa có công cụ hiệu quả để tìm kiếm cơ hội hợp tác, kết nối kinh doanh, chia sẻ nguồn lực với nhau.
“Mục tiêu bản đồ hướng tới là góp phần kiến tạo hệ sinh thái khởi nghiệp thông minh, giúp nhà quản lý quan sát được tổng thể hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh và hỗ trợ các startup giới thiệu thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ của mình, tăng cơ hội tìm kiếm đối tác, đầu tư”, Hà Nhi nói.
Theo đó, từ việc thu thập dữ liệu của các startup, doanh nghiệp Thừa Thiên Huế, BĐKN sẽ cho phép người dùng thuận lợi hơn trong việc tìm hiểu, tiếp cận với các doanh nghiệp địa phương ở các lĩnh vực như du lịch, công nghệ, nông sản - đặc sản. Đơn cử, từ vị trí đang đứng, bạn muốn tìm kiếm các điểm di tích, chỉ cần gõ nội dung cần tìm bản đồ sẽ hiển thị các điểm xung quanh đó. Hay có một đơn vị muốn tìm mua dầu tràm Huế nhưng không rõ sản phẩm nào uy tín, vậy thì website sẽ cung cấp đầy đủ thông tin về doanh nghiệp, sản phẩm, đánh giá… nhà đầu tư có thể thông qua bản đồ này để kết nối.
Đến không gian chung cho startup
Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Dương Tuấn Anh, thời gian qua, khi mà phong trào quốc gia khởi nghiệp được lan tỏa, tại Thừa Thiên Huế, lãnh đạo tỉnh đã tạo sự kết nối mật thiết giữa các startup với các doanh nghiệp lớn, với hiệp hội, hội doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh còn tạo điều kiện, cơ hội giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại cho các startup; hỗ trợ các startup từ ý tưởng, phát triển sản phẩm, thành lập doanh nghiệp, đăng ký nhãn hiệu, nâng chất lượng, cải tiến bao bì…
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh TS. Hồ Thắng cho rằng, BĐKN Huế ứng dụng công nghệ số tạo không gian chung cho các startup và cũng là một giải pháp giúp doanh nghiệp quảng bá đơn vị mình. Ở đó người dùng có thể tìm kiếm, tra cứu thông tin, dữ liệu về startup, doanh nghiệp Huế và thông qua bản đồ có thể tương tác với doanh nghiệp, sản phẩm mình quan tâm. Tuy vậy, để BĐKN đi vào thực chất, hiệu quả hơn, cần đi theo hướng thương mại điện tử, số hoá tất cả sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp trên toàn tỉnh, định vị theo từng địa chỉ của doanh nghiệp. Nghĩa là khách hàng click vào BĐKN không chỉ biết doanh nghiệp mình quan tâm cung cấp sản phẩm gì và còn có thể tương tác đến những sản phẩm khởi nghiệp khác. “BĐKN phải mang lại những tiện ích nhất định để các doanh nghiệp khởi nghiệp thấy cần thiết, hiệu quả khi tham gia vào đây, đồng thời xác định được vị trí startup Thừa Thiên Huế trên BĐKN”, ông Thắng nói.
Về lâu dài, BĐKN nếu vận hành tốt sẽ nâng lên tầm cao hơn để phục vụ cho doanh nghiệp, đặc biệt là quảng bá các sản phẩm của tỉnh trong doanh nghiệp. Trước mắt, cần quy chế hoá, chuẩn hoá, quy định doanh nghiệp nào sẽ tham gia vào bản đồ, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đề xuất.
Là dự án cộng đồng nhằm thúc đẩy, hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh, hiện BĐKN cung cấp thông tin miễn phí của gần 2.800 doanh nghiệp Thừa Thiên Huế (từ dữ liệu nền) và đặt mục tiêu xác thực, giới thiệu 100 thương hiệu khởi nghiệp Huế trên bản đồ. Tham gia vào BĐKN, mỗi startup sẽ được tặng 1 website miễn phí, có cơ hội phát triển kinh doanh, kết nối nguồn lực và gia tăng giá trị doanh nghiệp, thương hiệu.
Bài, ảnh: LIÊN MINH