ClockChủ Nhật, 02/06/2019 08:47

Kết nối các startup thông qua bản đồ khởi nghiệp

TTH - 9X Võ Hà Nhi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Khởi nghiệp Huế - đồng thời là Manager and Co - Founder (quản lý và đồng sáng lập) Ata Global, Connect Space và ketoan365.com có những chia sẻ cởi mở về câu chuyện xây dựng bản đồ khởi nghiệp (BĐKN) dành cho cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam.

Võ Hà Nhi và câu chuyện chinh phục mục tiêu

Võ Hà Nhi chia sẻ về bản đồ khởi nghiệp

Tại hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh đồng hành cùng DN ngày 10/5, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã quyết định hỗ trợ 100 triệu đồng cho dự án BĐKN – Dự án có tên gọi khiến nhiều đại biểu tò mò và hứng thú, vậy ý tưởng nào đưa bạn/CLB khởi nghiệp Huế xây dựng BĐKN cho cộng đồng khởi nghiệp Huế nói riêng và Việt Nam nói chung?

Thực ra, ý tưởng này không mới, nó bắt nguồn từ lần mình đến Hàn Quốc trước đó và thấy ở sân bay có phát miễn phí bản đồ chia sẻ các tuyến có các vị trí/địa danh nổi tiếng của địa phương. Có tấm bản đồ này du khách rất thuận lợi trong tìm kiếm địa chỉ mà không cần hướng dẫn.

Lúc quay về mình đã manh nha ý tưởng xây dựng BĐKN để quảng bá, giới thiệu cho các startup trong cộng đồng khởi nghiệp Huế - điều mà các startup khó thực hiện được do thiếu nguồn lực.

Lần này, khi trình bày ý kiến tại hội nghị, mình rất bất ngờ được Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ hứa hỗ trợ, sau đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng hứa giúp hoàn thiện dự án, tiếp cận các doanh nghiệp (DN) mới thành lập.

Hiện ở Việt Nam chưa có kênh thông tin tổng thể về khởi nghiệp Việt Nam, BĐKN được xây dựng, thực hiện như thế nào để nhắm đến mục tiêu này?

Cuối tháng 11/2018, khi chuẩn bị tham gia Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia -Techfest 2018 tại Đà Nẵng, các thành viên Ban chủ nhiệm CLB Khởi nghiệp Huế loay hoay không biết đem gì để giới thiệu, không rõ “khẩu vị” nhà đầu tư quan tâm, muốn kết nối gì… Mình đưa ý tưởng xây dựng BĐKN Huế ra bàn và được mọi người ủng hộ. Từ ý tưởng đến hoàn thành, CLB thực hiện vẻn vẹn 3 ngày trước hội nghị Techfest. Lúc triển khai, thậm chí các DN không hiểu đăng ký cái gì, bản thân mình cũng không biết giải thích thế nào vì không có sản phẩm mẫu để mọi người hình dung.

Tuy nhiên, sau khi được thông qua, kêu gọi, vận động tài trợ, CLB tập hợp được hơn 50 thương hiệu cho BĐKN Huế và bản đồ được in thành tập gấp, nhỏ gọn. Trên đó tập hợp khá đầy đủ thông tin các startup Huế (mở rộng thêm một số DN) với kỳ vọng tấm bản đồ này có thể marketing cho cộng đồng khởi nghiệp Huế một cách nhanh nhất, đầy đủ nhất đến nhà đầu tư, đến hội nghị.

Sau Techfest, rất nhiều thành viên của CLB Khởi nghiệp Việt Nam, Quỹ Khởi nghiệp công nghệ Việt Nam – SVF… biết và hợp tác với cộng đồng khởi nghiệp Huế. Cũng từ những thông tin này, nhóm hoàn thiện hơn BĐKN bằng việc xây dựng website: bandokhoinghiep.vn.

Là một startup công nghệ và là người theo dõi, có cái nhìn khách quan với cộng đồng khởi nghiệp, bạn có nhận xét cộng đồng khởi nghiệp Huế so với các địa phương khác?

Nhìn ra tỉnh bạn, Đà Nẵng hiện có trung tâm ươm tạo khởi nghiệp của TP, qua đó thu hút được các chuyên gia, nhà đầu tư; ươm tạo được nhiều startup khá thành công và gọi vốn được từ các shark tank.

Bến Tre cũng là địa phương có những chương trình ươm tạo khởi nghiệp xuất sắc. Cụ thể, sau khi 1 startup đoạt giải sẽ được tỉnh này hỗ trợ 60 triệu đồng - số tiền này do bên thứ 3 là trung tâm ươm tạo tỉnh trực tiếp ươm tạo cho startup để “lên” sản phẩm và đưa ra thị trường. Mô hình này rất hay và hiệu quả, dù ngân sách không lớn.

Trà Vinh đầu tư cho mô hình startup rất thú vị là “Làng văn hóa Khơ Me” và đã định hình mô hình du lịch cộng đồng với sự có mặt của hàng chục công ty du lịch, đưa tour về đây và tour này ngày càng nổi tiếng. Người Khơ Me Trà Vinh rất tự hào vì văn hóa của mình được nhiều du khách biết đến.

Ở Đồng Tháp, ngay trong trụ sở UBND tỉnh có dành riêng một khu vực dành cho startup (có gian hàng giới thiệu sản phẩm, phòng họp…), đồng thời, tất cả các sản phẩm quà biếu của tỉnh đều mua từ chính các startup.

Huế từng tổ chức nhiều cuộc thi khởi nghiệp, nhưng thi xong là… thôi, dù đạt giải hay không đều ít phát triển tiếp. Mình cũng từng đi thi và “tự bơi” bằng cách “ôm” hồ sơ chạy khắp nơi tìm nơi ươm tạo. Một số startup từng đạt giải, có sản phẩm khá đình đám nhưng không “trụ” nổi ở Huế, hiện đã chọn bến đỗ là các địa phương bạn. Điều này rất thiệt thòi và tiếc cho Huế.

Bạn có thể nói cụ thể hơn?

Dự án mình đem đến cuộc thi khởi nghiệp Huế liên quan đến việc làm thêm ngoài giờ ở các công ty nhỏ - nơi mà nguồn nhân lực hạn chế nên họ không cần thuê kế toán hay đội ngũ bán hàng cố định, do đó, các đơn vị này có thể sử dụng dịch vụ thuê người làm theo giờ hoặc theo công việc cụ thể. Kết quả, mình không đạt giải. Nhưng các dự án đạt giải, theo mình thấy, cũng ít nhận được giúp đỡ hay hỗ trợ từ ban tổ chức.

Ví dụ như Tuấn Anh ở dự án Tayta- dự án khởi nghiệp đoạt giải nhất và phát triển khá thành công nhưng hiện đã rời Huế và một số trường hợp khác.

Dự án của mình may mắn được một thành viên của Ban giám khảo cuộc thi khởi nghiệp Huế (Giám đốc Công ty CP Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn - Songhan Incubator) đã đồng ý giúp ươm tạo.

Qua quá trình được hướng dẫn, cố vấn, ươm tạo từ dự án ban đầu, mình quyết định đưa dự án đi sâu hơn vào lĩnh vực bản thân am hiểu là kế toán. Cũng từ đây, Website việc kế toán viên lớn nhất Việt Nam - ketoan365.com ra đời. 

Đến nay, sau hơn 6 tháng triển khai, BĐKN Huế đã vươn đến đâu trên bản đồ startup Việt?

Thực sự, những tấm BĐKN chưa thể lan tỏa đến nhiều đối tượng, nhưng website bandokhoinghiep.vn thì khác. Tương tự như google map, nhưng đây là google cho DN. Trên website có hiển thị địa điểm, thông tin DN, ngành nghề, quy mô… và sắp tới chúng tôi chuẩn bị làm verify -“xác thực” cho DN.

Đơn cử, một đơn vị muốn tìm mua dầu tràm Huế nhưng không rõ sản phẩm nào uy tín, vậy thì website sẽ cung cấp đầy đủ thông tin về DN, bình luận, đánh giá của khách hàng, của chính quyền, thuế, bảo hiểm... Nhà đầu tư có thể thông qua bản đồ này để kết nối các startup.

Hiện, BĐKN đang trong giai đoạn xây dựng, hoàn thiện với trên 70 DN hiện diện nhưng tương lai, số lượng không dừng ở hàng chục mà là hàng trăm, hàng ngàn DN, startup Việt được kết nối thông qua website.

Bạn nói rằng mình sẵn sàng đem dự án BĐKN tặng cho tỉnh?

Đúng vậy. Mình muốn tặng dự án cho tỉnh bởi thú thật, hiện CLB thiếu nguồn lực marketing cho dự án. Mặt khác, nếu dự án được tỉnh “tiếp sức” thì uy tín, tính xác thực và độ lan tỏa thông tin đến DN sẽ lớn hơn. Một điều nữa, theo mình biết, Việt Nam chưa có BĐKN, do đó, đây sẽ là công cụ hữu ích để thống kê thông tin, đánh giá hệ sinh thái khởi nghiệp của các địa phương cũng như cả nước. Sau này khi phát triển lớn hơn, tụi mình sẽ tiếp tục chắt lọc, phân tầng, phân loại nhóm ngành nghề chi tiết, cụ thể hơn.

Sắp tới, CLB khởi nghiệp Huế sẽ tiếp tục dự án như thế nào và gọi vốn ra sao?

Trước mắt, CLB đang gửi hồ sơ “gọi” vốn từ Quỹ khởi nghiệp công nghệ Việt Nam-SVF đồng thời, rất mong tỉnh xây dựng Trung tâm Khởi nghiệp Huế để tập trung các startup, thu hút các nhà đầu tư, chuyên gia về hỗ trợ cho các startup Huế.

Về phía cộng đồng khởi nghiệp, đến nay, mình có thể tự hào nói rằng, cộng đồng khởi nghiệp Huế đã làm tốt việc hỗ trợ tương tác, chia sẻ thông tin, phát triển trên mạng xã hội, online… cho các startup Huế.

Xin cảm ơn Hà Nhi!

LIÊN MINH (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khởi nghiệp từ mô hình “Hoa tươi bất tử Cố đô”

Vốn là dân sư phạm nhưng vì đam mê hoa, chị Nguyễn Thị Thanh Lân (Phong Thu, Phong Điền) đã rẽ sang lĩnh vực kinh doanh hoa rồi khởi nghiệp với mô hình mang thương hiệu “Hoa tươi bất tử Cố đô” bước đầu thành công ở quê nhà. Với mô hình này, chị Lân đã tham gia Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) Thừa Thiên Huế năm 2024 và được UBND tỉnh tặng bằng khen có sáng kiến ĐMST của thế hệ trẻ.

Khởi nghiệp từ mô hình “Hoa tươi bất tử Cố đô”
Ươm mầm khởi nghiệp

Cùng với chương trình đào tạo kiến thức chuyên ngành, sinh viên Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế (ĐHH) còn được hỗ trợ thực hành, thực hiện các ý tưởng khởi nghiệp.

Ươm mầm khởi nghiệp
Ươm mầm cho những ý tưởng khởi nghiệp đột phá

Sáng 6/10, Đại học Huế (ĐHH) tổ chức cuộc thi và trao giải chung kết cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo ĐHH lần thứ VII, năm 2024” với mong muốn đem lại giá trị thiết thực cho cộng đồng.

Ươm mầm cho những ý tưởng khởi nghiệp đột phá

TIN MỚI

Return to top