Tiềm năng du lịch sinh thái VQGBM chưa được khai thác xứng tầm
Dẫn khách tham quan tại Khu DLST Bạch Mã Village, Giám đốc VQGBM, ông Nguyễn Vũ Linh cho hay, Khu du lịch Bạch Mã Village rộng hơn 3,3 ha, tọa lạc tại thôn Khe Su, xã Lộc Trì (Phú Lộc) đi vào hoạt động từ tháng 5/2019. Đây là khu du lịch khai thác dựa trên tài nguyên thiên nhiên.
Khu du lịch này hình thành từ “Đề án DLST VQGBM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội để khai thác những tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, các điều kiện tự nhiên, văn hóa lịch sử của VQGBM. Qua đó, tạo nguồn lực tài chính bền vững cho công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, đóng góp cho ngân sách và góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Giám đốc Công ty TNHH Bạch Mã Village, ông Nguyễn Tuấn Khanh chia sẻ, với sự quan tâm tạo điều kiện từ VQGBM và các ban, ngành địa phương, việc lập thủ tục đầu tư khu du lịch này theo hướng thuê môi trường rừng được tiến hành khá thuận lợi. Nhờ vậy, việc đầu tư thuận lợi, dự án sớm hoàn thành, đưa vào hoạt động.
Nằm ở vị trí thuận lợi, gần trung tâm du lịch quốc gia Lăng Cô - Chân Mây - Cảnh Dương, khu du lịch Bạch Mã được ví là Đà Lạt thứ hai của Việt Nam với khí hậu ôn đới - có tiềm năng vượt trội để phát triển du lịch. Tuy nhiên, qua nhiều năm, các dịch vụ cũng như cơ sở vật chất ở đây còn nhiều hạn chế khiến Bạch Mã chưa có cơ hội phát triển xứng tầm. Khu DLST Bạch Mã Village chỉ là dự án đầu tiên có quy mô đầu tư trên cơ sở bảo tồn, phát triển bền vững tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên của VQGBM.
Sau khi UBND tỉnh có Quyết định số 1336/QĐ-UBND ngày 8/6/2020 về việc sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch Phân khu xây dựng Khu DLST Bạch Mã, VQGBM đã tiến hành quy hoạch phân khu xây dựng Khu DLST Bạch Mã phù hợp với định hướng của Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị. Cùng đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, VQGBM tiếp tục xây dựng Đề án phát triển DLST, nghỉ dưỡng, giải trí VQGBM giai đoạn 2021-2030, phù hợp với các quy định của pháp luật. Quy mô đề án có số khu vực tổ chức DLST là 14 tuyến, 12 khu vực, với tổng diện tích hơn 1.716 ha, phấn đấu hoàn thành phê duyệt trong năm 2021.
Theo lãnh đạo VQGBM, đề án sẽ là cơ sở để mời gọi các doanh nghiệp, tổ chức xây dựng ý tưởng đầu tư dự án ở các khu vực quy hoạch được phê duyệt theo phương thức hợp tác, liên kết với VQGBM, hoặc thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ DLST. Động thái này nhằm tạo cơ hội cho các nhà đầu tư và đơn vị tổ chức khai thác bền vững, có hiệu quả tiềm năng DLST của Bạch Mã gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Khu DLST Bạch Mã nằm ở vị trí trung tâm của các khu di sản văn hóa ở miền Trung như Cố đô Huế, phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn. Cùng với khu du lịch biển nổi tiếng Lăng Cô, Cảnh Dương, Bạch Mã là một điểm đến quan trọng, có tác dụng cân bằng và làm đa dạng hơn các tour tham quan văn hóa, nghỉ dưỡng và thắng cảnh của du khách khi đến khu vực miền Trung.
Với lợi thế đó, ông Nguyễn Vũ Linh khẳng định, đơn vị sẽ đẩy mạnh hợp tác phát triển DLST trong hội nhập quốc tế, gắn với bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên rừng; tạo điều kiện thuận lợi thu hút nhà đầu tư để từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng du lịch. Đồng thời, đa dạng hóa các sản phẩm, thiết lập các tuyến du lịch, tạo dựng các điểm đến hấp dẫn làm cơ sở đưa VQGBM trở thành đơn vị có các sản phẩm du lịch độc đáo, riêng biệt...
Để khai thác có hiệu quả tiềm năng VQGBM theo hướng bảo tồn, phát triển bền vững tài nguyên rừng, đa dạng sinh học kết hợp với phát triển DLST theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, Đảng ủy, Ban Giám đốc VQGBM đề ra các giải pháp đồng bộ đến năm 2025.
Bài, ảnh: Bá Trí