ClockThứ Ba, 12/07/2022 07:00

Khai thác hải sản: Càng xa bờ càng lỗ

TTH - Giá xăng dầu tăng cao, kèm theo sản lượng, giá hải sản thấp khiến hoạt động đánh bắt xa bờ (ĐBXB) thời gian qua hiệu quả thấp.

Dầu đắt, cá rẻ: Ngư dân gặp khó

Sau chuyến đánh bắt

Lợi thế từ chiếc tàu vỏ thép công suất lớn, chủ tàu Trần Văn Chiến ở xã Phú Thuận (Phú Vang) cùng các bạn thuyền thường xuyên vươn khơi, khai thác trên vùng biển xa, khu vực đảo Hoàng Sa. Mỗi chuyến đánh bắt kéo dài hai tuần đến 20 ngày, có khi cả tháng, thường tiêu tốn khoảng 3.000-4.000 lít dầu. Với giá dầu hiện nay, bình quân mỗi chuyến chi phí khoảng 90 triệu đến 120 triệu đồng. Chi phí này tăng gấp rưỡi so với trước, trong khi sản lượng khai thác lại ít hơn, chủ yếu các loại cá nục, hố, ngừ chù… có giá trị kinh tế thấp.

Để hạn chế chí phí khai thác do giá xăng dầu tăng cao, tàu ông Chiến cũng như nhiều tàu hạn chế số chuyến, số ngày khai thác trên biển. Vì vậy, sản lượng không cao, kèm theo giá hải sản thấp nên hoạt động ĐBXB thường lãi thấp, nhiều chuyến chỉ hòa vốn, thậm chí thua lỗ. Chẳng hạn, các chuyến biển gần đây kéo dài hai tuần đạt sản lượng 3-4 tấn cá các loại/chuyến, trị giá khoảng 100-120 triệu đồng. Trong khi chi phí nhiên liệu chừng 80-90 triệu đồng, chưa kể chi phí đá ướp, sửa chữa lưới cụ, trả công bạn thuyền… chủ tàu bị thua lỗ.

Thương lái chờ thu mua cá tại Cảng cá Thuận An

Ông Chiến cho hay, với tàu vỏ thép công suất lớn có điều kiện vươn khơi dài ngày có thể đạt sản lượng khá, có cơ hội đánh bắt các loại hải sản có giá trị kinh tế như cờ, chủa, thu, cam, ngừ… Các chuyến biển có lãi bù lại chuyến bị lỗ nên có khả năng duy trì hoạt động vươn khơi. Còn với các tàu vỏ gỗ, công suất thấp khó có thể vươn khơi đến vùng biển xa, Hoàng Sa, Trường Sa; trong điều kiện giá nhiên liệu tăng cao, nhiều chuyến biển không thể kéo dài, đạt sản lượng thấp...

Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, ông Đặng Tiến Tùy khẳng định, giá xăng dầu tăng cao khiến hoạt động khai thác xa bờ của phần lớn chủ tàu gặp nhiều khó khăn. Cán bộ địa phương đến tận từng gia đình, vận động các chủ tàu, ngư dân nỗ lực vươn khơi, bám biển nhằm ổn định cuộc sống và chung tay bảo vệ ngư trường, chủ quyền biển đảo. Nhiều chủ tàu chấp nhận hòa vốn, có chuyến lỗ vẫn cố gắng duy trì hoạt động, trả công đầy đủ nhằm giữ chân và ổn định cuộc sống gia đình bạn thuyền.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh thông tin, mặc dù gặp khó khăn lớn trước giá xăng dầu tăng cao nhưng nhiều tàu thuyền trên địa bàn tỉnh vẫn cố gắng vươn khơi, bám biển. Số tàu nằm bờ gần như thường xuyên khoảng 10%, chủ yếu do thay đổi chủ sở hữu, sửa chữa, thu hồi giấy phép hoạt động, một phần do giá dầu tăng cao.

Tính trong sáu tháng đầu năm nay, toàn tỉnh có đến 330 tàu thực hiện 1.280 chuyến khai thác trên vùng biển Hoàng Sa, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, vụ cá nam năm nay do các loại hải sản xuất hiện muộn, sản lượng không lớn nên thu nhập của ngư dân giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước. Trong khi chi phí xăng dầu tăng nhưng sản lượng, giá hải sản lại giảm nên thu nhập của các chủ tàu rất thấp, thậm chí thua lỗ.

Để khuyến khích ngư dân vươn khơi, bám biển, ổn định cuộc sống và chung tay bảo vệ chủ quyền biển đảo, tỉnh đang tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ nhiên liệu khai thác hải sản vùng biển xa. Tùy thuộc vào công suất tàu, số chuyến, số ngày khai thác trên biển để có mức hỗ trợ phù hợp, theo quy định. Tuy nhiên, theo nguyện vọng của các chủ tàu, kinh phí hỗ trợ cần kịp thời nhằm đảm bảo cho các chuyến biển, mùa vụ khai thác.

Về lâu dài, ngành nông nghiệp hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện cho ngư dân chuyển đổi sang các nghề khai thác ít sử dụng nhiên liệu hơn. Thông qua tuyên truyền, vận động ngư dân, trên địa bàn tỉnh hiện nay giảm đến 40-50% số tàu hoạt động khai thác bằng nghề giã cào, lưới kéo… dùng sức máy hao tốn chi phí nhiên liệu. Tuy nhiên, hiện vẫn còn khá nhiều tàu còn sử dụng giã cào, lưới kéo… trong khai thác hải sản cần được chuyển đổi sang các nghề phù hợp, giảm chi phí nhiên liệu.

Trong khi các phương tiện ĐBXB gặp khó khăn thì hoạt động khai thác gần bờ từ đầu năm đến nay khá thuận lợn, ít ảnh hưởng trước giá xăng dầu tăng cao. Hầu hết các thuyền gần bờ công suất nhỏ, hoặc chỉ sử dụng chèo tay khai thác vùng lộng nên chi phí nhiên liệu không đáng kể. Sản lượng cá nục, trích và các loại hải sản gần bờ gần đầu năm đến nay tương đối dồi dào, nhiều thuyền có thu nhập khá.

Trên địa bàn tỉnh hiện nay có khoảng 600 chiếc tàu ĐBXB và 1.950 thuyền bãi ngang ven biển, khai thác gần bờ. Tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm nay ước đạt 30 ngàn tấn, trong đó sản lượng khai thác biển trên 20 ngàn tấn, tương đương hoặc thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nỗi niềm con nước vùng lộng

Vùng biển bãi ngang - nơi có hàng ngàn ngư dân, gắn bó hàng trăm năm với nghề biển đang vật lộn với con sóng.

Nỗi niềm con nước vùng lộng
Thả lưới rùng quây cá ngát

Gần ba giờ đồng hồ sau khi thả, tấm lưới được những ngư dân lành nghề kéo lên thuyền. Theo nhịp sóng, thuyền tấp vào bờ, trong chiếc giỏ đựng lộc biển, những con cá ngát thu hút sự quan tâm của người mua.

Thả lưới rùng quây cá ngát
Ngày mới trên đầm Quảng Lợi

Đầm Quảng Lợi cách trung tâm TP. Huế không quá xa, chỉ độ 30km, thuộc xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền – vùng chiêm trũng giàu bản sắc văn hóa. Đầm rộng khoảng 800ha, nằm trong hệ đầm phá Tam Giang. Thuận theo những con nước, đời sống của người dân nơi đây gắn liền với mặt nước và làm nghề đánh bắt tôm, cá…, giản dị và thuần hậu.

Ngày mới trên đầm Quảng Lợi
Cứu nạn thành công 11 ngư dân

Ngày 9/8, lực lượng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An và Hải đội 2 Biên phòng đã cứu nạn đưa toàn bộ 11 ngư dân trên tàu cá bị nạn trên biển lên tàu hàng an toàn.

Cứu nạn thành công 11 ngư dân

TIN MỚI

Return to top