ClockThứ Tư, 10/03/2021 07:30

Khai thác tiềm năng sông nước trong lòng đô thị

TTH - Thật đặc biệt khi Huế có nhiều con sông nằm ngay trong lòng thành phố. Không gian nước này cùng cảnh quan, danh thắng đôi bờ là tiềm năng lớn của đô thị Huế cần được định hướng đầu tư, khai thác.

Đợi chờ “Sóng nước Tam Giang”Làm mới du lịch đầm pháHướng đột phá cho du lịch Huế

Sông An Cựu đẹp, nên thơ trong lòng đô thị Huế. Ảnh: Diên Thống 

Mới đây, tại cuộc gặp mặt báo chí đầu xuân 2021 của lãnh đạo tỉnh, vấn đề khai thác tiềm năng sông nước trong lòng đô thị Huế lại được nhắc đến. Ý kiến một nhà báo cho rằng, các con sông trong lòng thành phố là một phần diện mạo, cảnh quan của đô thị Huế, cần gắn với định hướng quy hoạch, khai thác không gian phù hợp để vừa giữ được cảnh quan, vừa tạo được dịch vụ phù hợp, góp phần phát triển kinh tế.

Nhiều năm qua, tại nhiều diễn đàn du lịch, khai thác không gian nước trong lòng đô thị Huế như thế nào cũng là vấn đề thu hút sự quan tâm.

Theo nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Đắc Xuân, với hệ thống sông Hương, Đông Ba, An Cựu, Như Ý… nằm ngay trong lòng thành phố, đây là vốn tài nguyên hiếm có của Huế. “Tôi đã đến Pháp và thấy sông Hương của Huế cũng không kém cạnh gì sông Seine của họ nhưng họ đã biết đầu tư, hình thành hệ thống dịch vụ vừa thơ mộng, sầm uất, vừa sang trọng. Chưa nói đến phát triển dịch vụ, đôi bờ các con sông của Huế như An Cựu, Đông Ba, Ngự Hà… vẫn còn hoang sơ quá. Cả ánh sáng cũng chưa đủ và đẹp nên ngay cả người dân địa phương cũng ngại ra bờ sông hóng gió vào ban đêm”, ông Nguyễn Đắc Xuân trăn trở.

Cũng theo ông Xuân, với không gian nước dày đặc và hài hòa trong lòng đô thị như Huế, nếu khai thác đúng, có thể sánh tầm với thành phố Venice nổi tiêng lãng mạn của Ý. 

Cách đây khoảng 5 năm, tại một hội thảo quốc tế về phát triển du lịch xanh cho Huế, ông Lưu Trọng Văn - con trai nhà thơ Lưu Trọng Lư - cũng tâm đắc với các dịch vụ gắn với sông nước của Huế.

Theo ông Văn, ngủ đò là một sản phẩm du lịch văn hóa đã có từ lâu đời của Huế, mà ngày xưa, không ít tao nhân mặc khách đến Huế đã trải nghiệm. Nếu hình thành dịch vụ ngủ đò, với thiết kế phù hợp, dong thuyền từ đầu nguồn sông Hương để vãn cảnh, tham quan các làng nghề, trải nghiệm văn hóa sông nước tận đến Tam Giang thì đây là một sản phẩm độc đáo, riêng có.

Không gian đôi bờ sông Hương được chỉnh trang góp phần tạo cảnh quan đô thị. Ảnh: MC

Cũng cách đây nhiều năm, trong một quy hoạch do TP. Huế triển khai trong khuôn khổ dự án hợp tác với Đức, không gian nước trong lòng đô thị Huế được đặc biệt chú ý.

Theo quy hoạch này, kèm các dịch vụ, sông Hương sẽ có chuỗi sản phẩm gắn với khai thác hợp lý các địa danh như Dã Viên, Cồn Hến. Riêng Ngự Hà, với các mô hình dịch vụ phù hợp, sẽ là sản phẩm có thương hiệu gắn với “sông vua-Ngự Hà” đã lưu danh dưới triều Nguyễn cùng di sản kiến trúc cung đình.

Thực tế, du lịch sông nước gắn với di sản, đô thị Huế đã được khai thác, với dịch vụ thuyền rồng trên sông Hương, đưa du khách tham quan di tích, danh thắng, hình thành từ hàng chục năm trước hay dịch vụ ca Huế trên sông Hương.

Một sản phẩm khác cũng được các hãng lữ hành khai thác là chèo thuyền ngắm bình minh trên sông Hương kết hợp trải nghiệm các làng nghề ở vùng hạ nguồn như làng hoa giấy Thanh Tiên, tranh làng Sình; tham quan danh thắng, trải nghiệm đời sống sông nước bằng thuyền trên sông Như Ý… 

Cũng tại các diễn đàn du lịch, các tour tham quan di tích gắn với làng đúc đồng phường Đúc và Trung tâm giới thiệu sản phẩm đúc đồng; tham quan bằng thuyền các di tích, danh thắng nổi tiếng của Huế an trú trên hai bờ sông An Cựu như Nhà vườn Lạc Tịnh Viên, Phủ Tùng Thiện Vương, di tích Cung An Định; hay ý tưởng khai thông sông đào dẫn lên Kim Long, đưa du khách tham quan hệ thống nhà vườn, phủ đệ…phong phú, đa dạng tại đây cũng từng được đề cập. 

Tuy nhiên, đến nay, với các dịch vụ hiện có, tiềm năng du lịch gắn với hệ thống sông, hồ ở Huế vẫn là thế mạnh còn bỏ ngỏ.

Trao đổi với các hãng lữ hành ở Huế và lãnh đạo Sở Du lịch, nhiều lý do về các khó khăn được nêu ra, như: Huế có quá nhiều tiềm năng trong khi việc kêu gọi, thu hút đầu tư còn tùy thuộc vào lựa chọn của doanh nghiệp. Thứ nữa, việc quy hoạch, phát triển, khai thác không gian đôi bờ các con sông như thế nào cũng chưa được đặt ra cụ thể, rốt ráo.

Trước mắt, dự án chỉnh trang đôi bờ sông Hương gắn với tuyến đi bộ, làm đẹp cảnh quan đã tạo diện mạo đẹp cho đô thị Huế, thu hút người dân và du khách thưởng ngoạn.

Cùng với sông Hương, vấn đề chỉnh trang cảnh quan các con sông khác trong lòng đô thị Huế; quy hoạch, phát triển hệ thống dịch vụ cùng với kêu gọi xã hội hóa ra sao… cần được đặt ra trong lộ trình xây dựng, mở rộng đô thị Huế đến năm 2030-2045 mà Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị đã khai mở trong định hướng xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Nhật Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận

Năm 2025, TP. Huế tiếp tục xây dựng và phát triển 2 quận của TP. Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các nền tảng hiện có, thành tựu đã đạt được; đồng thời, khai thác tiềm năng, thế mạnh, lợi thế riêng có để góp phần xây dựng TP. Huế phát triển bền vững.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận
Đột phá công nghệ mở ra tiềm năng to lớn của năng lượng địa nhiệt

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ngày 13/12 công bố báo cáo “Tương lai của năng lượng địa nhiệt” cho hay, trong bối cảnh nhu cầu điện toàn cầu dự kiến tăng mạnh, các công nghệ mới đang mở ra tiềm năng to lớn của năng lượng địa nhiệt để cung cấp năng lượng sạch 24/7 tại hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Đột phá công nghệ mở ra tiềm năng to lớn của năng lượng địa nhiệt
Mở cửa cho các “Bảo tàng sống” của Huế - Kỳ 1: Nhà vườn Huế vẫn “kín cổng cao tường”

Huế được mệnh danh là “Thành phố vườn” với gần 100 nhà vườn, nhà rường cổ (gọi chung là nhà vườn Huế). Mỗi ngôi nhà vườn như một “Bảo tàng sống” chứa đựng những giá trị về văn hóa và đời sống lễ nghi, hương vị ẩm thực và phong cách ứng xử của người dân. Phát triển du lịch gắn với trùng tu và chống xuống cấp là giải pháp tối ưu nhằm giữ lại nhà vườn, giữ gìn bản sắc văn hóa và phát huy giá trị di sản Cố đô theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Mở cửa cho các “Bảo tàng sống” của Huế - Kỳ 1 Nhà vườn Huế vẫn “kín cổng cao tường”
Kiểm soát chặt sản lượng khai thác khoáng sản

Hiện trên địa bàn tỉnh còn có 53 mỏ khai thác khoáng sản đang hoạt động, nhưng có 2 mỏ chưa lắp đặt trạm cân và camera tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực. Vì vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã yêu cầu 2 chủ mỏ này tạm dừng hoạt động khai thác.

Kiểm soát chặt sản lượng khai thác khoáng sản

TIN MỚI

Thông tin Eco Retreat Long An Thông tin Dự án Eco Retreat Mua bán bán đất mỹ gia gói 7 Chính chủ, Giá Tốt NhấtPhân Khu Sông Town
Return to top