Phương án Công ty CP Quản lý và Xây dựng đường bộ tỉnh sẽ xử lý trước mắt là thông xe một vệt để đảm bảo giao thông. Ảnh: N. Khánh
Xử lý nhiều điểm sạt trượt
Theo thống kê của Công ty CP Quản lý và Xây dựng đường bộ tỉnh, ảnh hưởng bão số 4 kèm mưa lớn trên địa bàn huyện A Lưới làm tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây xuất hiện 7 điểm sạt lở ta luy dương, ta luy âm với khoảng 6.500m3 đất đá tràn ra mặt đường, gây ách tắc giao thông, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở tiếp diễn do nền địa chất mặt đường bị ảnh hưởng.
Ngoài vị trí tại KM315+320 trên tuyến đường Hồ Chí Minh qua đèo Pê Ke thuộc địa bàn xã Hồng Thủy (A Lưới) đã thông xe một vệt, sẽ tiến hành thu dọn đất đá để thông toàn tuyến mặt đường vào ngày 29/9; còn lại các điểm như Km392+070; Km403+00; Km405+330; Km406+400; Km411+670, đều gây ách tắc giao thông trên tuyến và đang được ngành giao thông tích cực xử lý.
Mưa bão còn gây lấp 1,4km rãnh dọc, hư hỏng 12 biển báo đường bộ, gần 300 cây xanh đổ gây ách tắc giao thông tại 3 vị trí gồm Km365+855; Km382+630; Km335+500 trên tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây qua địa bàn huyện A Lưới. Đặc biệt, trong đợt mưa lũ năm nay, tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa bàn xã A Roàng (A Lưới) đi vào khu vực giáp tỉnh Quảng Nam xuất hiện nhiều điểm sạt lở, giao thông cách trở khó khăn, khiến lực lượng của Công ty CP Quản lý và Xây dựng đường bộ tỉnh gặp khó trong tiếp cận hiện trường, ghi nhận sạt trượt và tiến hành các giải pháp khắc phục.
Tại tuyến Quốc lộ 49A, Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua La Sơn - Túy Loan, cũng xuất hiện nhiều điểm sạt trượt ta luy dương, cây cối bị ngã đổ, đất đá lấp rãnh dọc và hư hỏng các bốt trực, cống thoát nước trên tuyến. Trên tuyến Quốc lộ 1 xuất hiện khoảng 230m2 ổ gà, trong thời gian tới nếu không được xử lý kịp thời với đặc điểm bước vào mùa mưa, tuyến đường khai thác liên tục sẽ gây tình trạng xuống cấp mặt đường nhanh và lan rộng nhiều điểm gây mất an toàn giao thông.
Riêng tuyến Quốc lộ 49B từ Km 43+500-Km 48+000 đoạn qua phá Tam Giang đảo giao thông bằng thép bị đẩy trôi, bèo rác bị nước cuốn và sóng vỗ tràn lấp mặt đường khoảng 330m3, các đơn vị đang thực hiện thu gom, vệ sinh.
Ông Lê Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Quản lý và Xây dựng đường bộ tỉnh cho biết, ngay sau khi xảy ra sự cố sạt trượt, hư hỏng trên các tuyến quốc lộ, đã huy động lực lượng, phương tiện giải phóng toàn bộ khối lượng đất đá sạt trượt và phân luồng, đảm bảo giao thông trên đoạn tuyến. Trước mắt sẽ xử lý thông xe một vệt sau đó sẽ thi công hoàn trả nguyên trạng. Đến ngày 29/9, một số đoạn tại KM315+320; KM392+070..., trên tuyến đường Hồ Chí Minh đã xử lý xong. Những điểm còn lại sẽ bố trí phương tiện, nhân lực xử lý dứt điểm trong vài ngày tới.
Lực lượng vũ trang hỗ trợ dân lợp lại nhà sau bão số 4. Ảnh: H.Triều
Bài học từ tai nạn về người trong bão
Bão số 4 trên địa bàn tỉnh làm 6 ngôi nhà bị sập, khoảng 420 nhà tốc mái nặng, phần lớn là nhà tạm, bán kiên cố.
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, ông Đặng Văn Hòa khẳng định, Noru là cơn bão mạnh, quét qua nhiều khu vực ven biển. Điều đáng ghi nhận, sự chủ động của các cấp, ban ngành, chính quyền địa phương trong bảo vệ, sơ tán, di dời dân đến nơi an toàn trú tránh bão đã hạn chế tối đa thiệt hại về người.
Hầu hết người dân bị thương, một người chết đều trong bão, hoặc trong lúc giằng chống nhà cửa trước bão. Đơn cử nạn nhân tử vong ở xã Phú Hồ (Phú Vang) do cây đổ gãy đè khi lưu thông trên đường vào thời điểm mưa to, gió lớn, bất chấp cơ quan chức năng khuyến cáo ở yên trong nhà thời điểm trước và trong bão.
Bốn người bị thương trong bão tại xã Vinh Xuân (Phú Vang) và một người bị gãy tay ở phường An Hòa (TP. Huế) đều cho thấy sự chủ quan, bất cẩn của người dân. Trong lúc mưa to, gió lớn, một số người vẫn đi lại, sửa chữa, giằng chống nhà, hoặc thiếu cẩn thận trong sinh hoạt.
Từ nay đến cuối năm dự báo còn nhiều trận bão, lũ lớn, diễn biến phức tạp và khó lường. Ngoài trách nhiệm, sự chuyên nghiệp trong ứng phó của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương còn phụ thuộc rất lớn đến ý thức tự bảo vệ tính mạng từ chính bản thân mỗi người dân. Trong đó, phương châm “tự quản tại chỗ” cần được mọi người “nằm lòng” và phát huy. Mỗi địa phương, thôn, xóm, hộ gia đình, cơ quan, ban ngành… phải tự quản lý, bảo vệ, nhắc nhở lẫn nhau trong quá trình ứng phó thiên tai. Người dân phải tuyệt đối chấp hành mọi quy định của cơ quan chức năng trong phòng tránh bão, lũ như không đi lại trên đường, những nơi được cảnh báo nguy hiểm; không lội lũ, đánh cá, vớt củi, chèo xuồng… trên sông, đầm phá, trên biển khi gió to, nước lũ dâng cao, chảy xiết.
Kiến nghị hỗ trợ trên 1.000 tỷ đồng nâng cấp các trục thủy đạo
Khắc phục hậu quả của bão số 4, UBND tỉnh đề nghị Trung ương quan tâm hỗ trợ tỉnh nạo vét các trục thủy đạo ở hạ lưu sông Hương, sông Bồ, sông Truồi, tăng khả năng tiêu, thoát lũ với kinh phí ước khoảng 500 tỷ đồng; đầu tư nâng cấp đập Thảo Long ở hạ lưu sông Hương (kinh phí 250 tỷ đồng); dự án xây dựng mới, cải tạo mở rộng và nâng cấp hệ thống các cống trên đê ven phá Tam Giang - Cầu Hai với kinh phí ước khoảng 500 tỷ đồng.
|
Nguyễn Khánh - Hải Triều