Nông sản lên sàn thương mại (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)
Đáp ứng yêu cầu mới
HTX NN An Lỗ (Phong Điền) là một trong những HTX được hỗ trợ ứng dụng KHKT tiên tiến trong sản xuất lúa theo mô hình chuỗi giá trị. Các hộ tham gia mô hình được chuyển giao quy trình, kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ. Quá trình sản xuất lúa hoàn toàn sử dụng phân hữu cơ, các loại thuốc sinh học phòng trừ sâu bệnh. Mô hình còn áp dụng công nghệ gieo mạ khay và cấy bằng máy, tạo thuận lợi trong quá trình quản lý cỏ dại, chăm sóc lúa, hạn chế sâu bệnh. Giám đốc HTX NN An Lỗ- ông Nguyễn Ba thông tin, vụ hè thu mới đây, năng suất mô hình lúa hữu cơ đạt 44 tạ/ha, được HTX bao tiêu sản phẩm với giá trung bình mỗi kg 10 ngàn đồng, cao hơn giá lúa thông thường 2.500 đồng/kg.
HTX NN Thủy Thanh 2 (TX. Hương Thủy) khai thác hiệu quả tài sản cố định, đầu tư dây chuyền xay xát lúa gạo tự động, kết hợp xây dựng thương hiệu “Gạo ngon Thủy Thanh”. Mô hình không chỉ mang lại hiệu quả hoạt động SXKD của HTX mà còn tạo điều kiện cho nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định. HTX còn đầu tư máy sấy lúa và sản xuất củi trấu, sản xuất và tiệu thụ lúa giống, quản lý kinh doanh - khai thác chợ Cầu Ngói... Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập cho thành viên và khẳng định vai trò kinh tế HTX trong cộng đồng dân cư. Giám đốc HTX NN Thủy Thanh 2, ông Phùng Hữu Thạnh khẳng định, hiệu quả của HTX nhờ ứng dụng công nghệ, KHKT tiên tiến vào SXKD.
Trước xu thế phát triển mô hình theo chuỗi giá trị, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh phối hợp với Trung tâm Khoa học - Công nghệ và Môi trường thuộc Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ các HTX Phò Ninh, HTX Môi trường và Đô thị Phong Hiền, HTX dệt thổ cẩm Nhâm ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động SXKD, từ khâu sản suất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, triển khai xây dựng các mô hình HTX kiểu mới gắn với liên kết chuỗi sản phẩm hàng hóa chủ lực cho 12 HTX có tiềm năng, lợi thế nhằm thúc đẩy tiếp cận mô hình, ứng dụng KHKT tiên tiến vào sản xuất, nâng cao giá trị và tạo vị trí sản phẩm bền vững trên thị trường.
Kết quả cho thấy, nhiều HTX tạo ra sản phẩm chất lượng, thương hiệu uy tín trên thị trường trong và ngoài tỉnh, như: gạo chất lượng cao Phú Hồ, gạo ngon Thủy Thanh, gạo hữu cơ Phong Điền. Nhiều nông sản, thực phẩm an toàn, chất lượng như nấm Phú Lương, rau màu Quảng Thành, thanh trà Thủy Biều, bưởi đỏ Hương Hồ, bưởi da xanh Phong Xuân, bưởi cốm Hương Thọ, rau má và bột matcha rau má Quảng Thọ, mướp đắng Thủy Dương, ớt Phú Diên, nước mắm Phú Thuận, ném Vĩnh Xương, dầu lạc Quảng Thọ...
Tiếp sức cho HTX
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Trần Lưu Quốc Doãn khẳng định, thành công của nhiều HTX nhờ ứng dụng công nghệ, KHKT tiên tiến vào hoạt động SXKD. Các cơ quan, ban ngành triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ, giúp HTX tiếp cận thông tin, đầu tư cơ giới hóa vào SXKD trong nông nghiệp, đưa phân bón hữu cơ vi sinh vào canh tác đảm bảo an toàn thực phẩm. HTX Công nghệ thông tin Huế xây dựng và chuyển giao các phầm mềm ứng dụng về kế toán, thanh toán tiền điện, quản lý chợ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm gỗ... cho các HTX. Hiện có hơn 20% số HTX sử dụng các phần mềm ứng dụng vào SXKD, quản lý điều hành.
Sàn thương mại điện tử kinh tế hợp tác được thành lập, tạo điều kiện cho các HTX, tổ chức kinh tế trong và ngoài tỉnh trưng bày, giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, bước đầu phát huy hiệu quả, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19. Liên hiệp HTX trên địa bàn tỉnh có tích hợp phần mềm quản lý HTX và phần mềm kế toán HTX, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và quản lý Nhà nước về HTX. Nhiều HTX được hỗ trợ thực hiện các dự án đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất thông qua chương trình khuyến công với tổng kinh phí 1,7 tỷ đồng, xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao với 2,2 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí của Liên minh HTX Việt Nam 1,8 tỷ đồng đã hỗ trợ cho các HTX: Dầu tràm Lộc Thủy, Dệt Zèng Nhâm, An Lỗ, Quảng Thọ 2, Hồng Thủy xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị.
Ông Doãn cho rằng, hiệu quả trên cũng chỉ là bước đầu, thời gian đến, Liên minh HTX tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX. Trong đó, tập trung vào các chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ các HTX xây dựng mô hình ứng dụng KHKT, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, xây dựng công trình thủy lợi phục vụ sản xuất. Hệ thống HTX được kết nối, tiếp cận các chương trình hỗ trợ ứng dụng thành tựu KHKT vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.
Mục tiêu phát triển kinh tế tập thể của tỉnh là đa dạng các mô hình HTX kiểu mới điển hình trên các lĩnh vực, ngành nghề, có tiềm năng, lợi thế, đặc thù riêng của mỗi địa phương. Trong đó, chú trọng hỗ trợ phát triển mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao, mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm bền vững, mô hình HTX gắn với sản phẩm chủ lực của địa phương (OCOP)…
Bài, ảnh: Triều Chính