Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu đẩy mạnh liên kết trong lĩnh vực khoa học công nghệ
Qua 9 lần tổ chức thành công Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật, Ban Tổ chức đã nhận được gần 367 công trình, giải pháp kỹ thuật tham dự và đã trao giải cho 283 công trình, giải pháp kỹ thuật... Các công trình đạt giải đã tạo được tiếng vang lớn, góp phần động viên phong trào thi đua nghiên cứu sáng tạo khoa học công nghệ trong đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật của tỉnh nhà, khẳng định tài năng, sức sáng tạo to lớn của đội ngũ các nhà khoa học tỉnh Thừa Thiên Huế. Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật đã từng bước khẳng định được uy tín trong lĩnh vực sáng tạo khoa học công nghệ và được xã hội ghi nhận, đánh giá cao.
Ông Trần Hữu Dàng Chủ tịch Liên hiệp hội nhấn mạnh, bắt đầu từ năm nay, Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế được tổ chức hằng năm để xét trao tặng cho các tác giả, nhóm tác giả có những công trình khoa học công nghệ, giải pháp, sáng kiến kỹ thuật có giá trị khoa học, kinh tế, xã hội cao, được thực hiện trên địa bàn tỉnh. Năm nay, Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh sẽ được xét và trao giải cho các công trình, giải pháp thuộc 6 lĩnh vực: công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; cơ khí tự động hóa, xây dựng, giao thông vận tải; vật liệu, hóa chất, năng lượng; nông lâm ngư nghiệp, tài nguyên và môi trường; y dược; giáo dục, đào tạo và lĩnh vực khác.
Đây là hoạt động có ý nghĩa nhằm khuyến khích việc nghiên cứu, áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất và đời sống. Hội thi còn tuyển chọn các công trình khoa học công nghệ, giải pháp kỹ thuật tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16 (2020-2021) và Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2020.
Công nghệ thông tin là nền tảng phát triển khoa học công nghệ
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định ghi nhận những nỗ lực của BTC trong các năm qua .
Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, những năm gần đây Thừa Thiên Huế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học công nghệ vào vận hành mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. Từ đây khẳng định khoa học công nghệ đóng góp quan trọng vào phát triển và động lực thúc đẩy nền kinh tế cũng như thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp quan tâm đến việc ứng dụng khoa học và công nghệ, công nghệ cao trong sản xuất, phát triển sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa.
Với vai trò cầu nối, BTC Hội thi cần thúc đẩy gắn kết, hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với các doanh nghiệp để đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh; đưa ra những ý tưởng động viên, khuyến khích giữ chân đội ngũ kỹ thuật phục vụ cho địa phương tránh chảy máy chất xám. Quan tâm thúc đẩy sự phát triển thị trường khoa học và công nghệ, các hoạt động kết nối cung cầu công nghệ.
Riêng với Cuộc thi, Hội thi có sự tham gia của học sinh, sinh viên cần để cho các em được sáng tạo, thầy cô chỉ hướng dẫn chứ không trực tiếp lên ý tưởng, hoàn thiện sản phẩm nhằm khơi gợi tinh thần học hỏi của các em. Từ việc thực hiện tốt công tác ươm mầm từ Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng sẽ là nền tảng cho một đội ngũ khoa học kỹ thuật mới được đào tạo khi còn ngồi trên ghế nhà trường
Các đại biểu tham dự hội nghị cũng tham gia thảo luận và được Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo TP. Hồ Chí Minh (SIHUB) Huỳnh Kim Tước chia sẻ về môt số kinh nghiệm và giải pháp thương mại hóa các sáng kiến nghiên cứu khoa học.
Theo ông Huỳnh Kim Tước, các nhà khoa học nên nhìn nhận các nghiên cứu của mình như một dạng tài sản để thương mại hóa. Và muốn làm được điều này, mối liên kết giữa các trường đại học với các vườn ươm và doanh nghiệp cần mạnh mẽ và thực tế hơn.
Tin, ảnh: Hoàng Loan