ClockChủ Nhật, 04/04/2021 20:34

Chuyển đổi số câu chuyện của VNPT

TTH - Với khát vọng là người tiên phong, đồng hành cùng tỉnh trong quá trình xây dựng chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số, Giám đốc Viễn thông tỉnh Nguyễn Nhật Quang có những chia sẻ về chiến lược của đơn vị với Thừa Thiên Huế Cuối tuần.

Thanh toán dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải không dùng tiền mặt qua VNPT Pay

Giám đốc VNPT tỉnh Nguyễn Nhật Quang

Chính phủ đã khai thông chuyển đổi số. Vậy mục tiêu của các doanh nghiệp (DN) công nghệ năng động và quan trọng như VNPT là gì, thưa ông?

Không lâu trước đây, những khái niệm Chuyển đổi số (CĐS), Cách mạng công nghiệp 4.0, sớm hơn nữa như Chính phủ điện tử... còn khá xa lạ. Nhưng 2 năm trở lại đây, người dân bắt đầu thực hiện các giao dịch ngân hàng ngay trên smartphone của mình. Trong cuộc dịch chuyển số ở Việt Nam, VNPT đóng vai trò tiên phong, trở thành lá cờ đầu. Thương hiệu VNPT trong mắt cộng đồng không chỉ là đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông mà còn là nhà cung cấp dịch vụ số với những tiện ích công nghệ hiện đại để phục vụ người dân.

Sau thành công của Trục liên thông văn bản quốc gia với 1,7 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận giữa các cơ quan hành chính, VNPT được Chính phủ giao trọng trách xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ và Trung tâm Thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (IOC). Mới đây nhất là Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư được VNPT cùng các đối tác hoàn thiện.

Thành công của các hệ thống phần mềm kiến tạo Chính phủ điện tử đã khẳng định năng lực làm chủ công nghệ, vai trò tiên phong của VNPT trong công cuộc CĐS quốc gia, tiên phong trong lộ trình xây dựng một Việt Nam số.

Trên phạm vi toàn quốc, thành tựu trong CĐS của VNPT được thể hiện trên các con số nổi bật, như: Bộ giải pháp Chính phủ điện tử của VNPT có mặt tại 55 tỉnh, thành phố; phần mềm VNPT- iOffice trên toàn quốc tăng thêm 59% số cơ quan cấp tỉnh. Trung tâm Điều hành thông minh IOC hiện diện tại 28 tỉnh trọng điểm. Gần 55% cơ sở y tế và gần 60% trường học sử dụng trong cả nước sử dụng VNPT-HIS, giải pháp vnEdu; 50 tỉnh, thành phố sử dụng giải pháp du lịch thông minh... Đồng thời, tham gia vào CĐS nền kinh tế, VNPT đóng góp rất nhiều trong ứng dụng ICT cho DN và thương mại điện tử.

VNPT tập trung mọi nguồn lực để xây dựng hệ sinh thái các giải pháp số, đẩy mạnh hợp tác để nghiên cứu các lĩnh vực công nghệ mới, bao gồm Al, Blockchain, IoT, Cyber Security... Thời gian tới, định hướng chiến lược của VNPT là vừa phát triển công nghiệp, vừa đầu tư nghiên cứu làm chủ các công nghệ mới cho hạ tầng số và làm ứng dụng trên nền tảng đó.

Tại Thừa Thiên Huế, VNPT đạt được những thành tựu nào trong phát triển hạ tầng và chuyển đổi số?

Trước đây, VNPT Thừa Thiên Huế (tiền thân là Bưu điện tỉnh) đã đồng hành cùng tỉnh qua 2 cuộc “cách mạng”: “Cách mạng số hóa” - Phổ cập điện thoại cố định, di động, góp phần đưa Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương đầu tiên đạt tiêu chí 100% xã có điện thoại và “Cách mạng phổ cập internet, truyền hình internet”; trong đó VNPT là đơn vị hỗ trợ tỉnh đưa tín hiệu truyền hình lên A Lưới.

Thời gian qua, VNPT tỉnh đã đầu tư cung cấp hạ tầng mạng viễn thông băng rộng đồng bộ, rộng khắp trên cả 2 lĩnh vực: Hạ tầng mạng cáp quang đến tận nhà dân và hạ tầng mạng di động với công nghệ 3G, 4G và sắp tới là 5G, đáp ứng nhu cầu của cơ quan, DN, khu công nghiệp, khu dân cư… Phối hợp triển khai thành công mạng truyền số liệu chuyên dụng kết nối các cơ quan chính quyền và internet tập trung, trong đó, VNPT cung cấp dịch vụ cho hơn 300 điểm; xây dựng hệ thống hội nghị trực tuyến; triển khai ngầm hoá nhiều tuyến đường theo yêu cầu của UBND tỉnh.

Ngoài vai trò chủ lực trong việc đáp ứng hạ tầng cho CĐS, VNPT hiện đã có hệ sinh thái CĐS cho chính quyền, DN và người dân với đầy đủ hệ thống Trục liên thông văn bản, Eoffice, Ecabinet, dịch vụ công trực tuyến, báo cáo ban ngành... Chúng tôi cũng cung cấp nhiều giải pháp CNTT cho khối chuyên ngành với việc sử dụng phần mềm VNPT-HIS quản lý bệnh viện, trạm y tế tại 83 cơ sở y tế trên toàn tỉnh; chương trình hỗ trợ dạy và học trực tuyến cho gần 300 trường học và lớp học thông minh tại 8 trường trên địa bàn; giải pháp quản lý thu nộp các khoản phí, lệ phí của các trường nhằm đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt.

Với khối DN, dịch vụ hoá đơn điện tử VNPT INVOICE hiện có trên 1.000 khách hàng sử dụng; cung cấp hơn 3.500 chứng thư số - VNPT CA cho DN. Đặc biệt, VNPT đang triển khai Mobile money - xu hướng thanh toán qua điện thoại không cần tài khoản ngân hàng, phát triển các sản phẩm dịch vụ phục vụ cho xã hội.

Chúng ta có những thuận lợi gì so với các địa phương khác?

Về phát triển hạ tầng, thực tế, không có thuận lợi vượt trội nào nếu không nói là thiệt thòi hơn các địa phương khác. Thừa Thiên Huế có địa hình hẹp, nhỏ, phân tán không đều, vì thế, chi phí đầu tư cho công tác phát triển hạ tầng số tốn kém hơn những địa phương có địa hình thuận lợi, mật độ dân cư lớn. Ngoài ra, thu nhập của người dân thấp cũng hạn chế trong phát triển thị trường. Huế còn là thành phố du lịch, đòi hỏi tính thẩm mỹ cao, trong điều kiện chi phí hạn chế, doanh thu không tăng, buộc DN phải bỏ chi phí nhiều hơn để làm gọn, làm đẹp khi phát triển hạ tầng dịch vụ số.

Đối với quá trình chuyển đổi số, thuận lợi lớn nhất là lãnh đạo tỉnh quan tâm đến CĐS. Huế nằm trong top đầu các tỉnh, thành ứng dụng công nghệ thông tin của cả nước nên sự quan tâm của chính quyền với CĐS sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Nhưng ngược lại, thách thức là sự cạnh tranh, tiếp cận. VNPT không chỉ cạnh tranh với các DN viễn thông mà còn từ các DN làm dịch vụ số khác.

Hiện nay, các tỉnh thành trong cả nước cũng đầu tư rất mạnh cho nền tảng CĐS của chính quyền, cho các công cụ điều hành. Với Thừa Thiên Huế-một tỉnh thu ngân sánh chưa nhiều thì chúng tôi xác định phải có cách làm khác. Đó là đảm bảo yêu cầu của chính quyền, người dân với chi phí thấp nhất. Đây là việc không dễ dàng. Nhưng với vai trò là một DN viễn thông – công nghệ thông tin chủ lực trên địa bàn, VNPT cam kết sẽ đi đầu trong việc xây dựng hạ tầng số. Luôn sẵn sàng cung cấp, hỗ trợ cho các cấp chính quyền, DN trên địa bàn trong quá trình CĐS, góp phần đắc lực cho quá trình phát triển của tỉnh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt giữa các "nhà mạng" hiện nay, VNPT làm gì để giữ "thị phần"?

Giữa bối cảnh các dịch vụ truyền thống đang tiến đến bão hòa, doanh thu cho các dịch vụ truyền thống đang giảm mạnh trong khi chi phí hạ tầng ngày càng tăng làm cho các DN như VNPT buộc phải chuyển đổi.

Thách thức lớn nhất là đội ngũ nhân sự. Chúng tôi cần một “cuộc cách mạng về động lực” để đưa mấy trăm nhân sự VNPT hiện nay thay đổi. Thực tế, trong một thời gian khá dài, nhân viên VNPT đã kinh doanh, làm việc trong điều kiện ít áp lực: áp lực từ trên xuống chưa mạnh, áp lực từ thị trường chưa khốc liệt. Bây giờ buộc nhân viên phải vận động, phải “chạy” liên tục để thoát khỏi trì trệ.

Thứ nữa là áp lực từ mâu thuẫn giữa yêu cầu ngày càng cao của khách hàng về hạ tầng, chất lượng mạng trong khi chi phí hạ tầng ngày càng tăng. Lưu lượng tăng rất lớn buộc năng lực hạ tầng phải tăng tương ứng. Một mặt tối ưu chi phí, mặt khác phải tối ưu con người. Đây là 2 bài toán “đau đầu” với DN.

Có nghĩa là DN cần có sự “cải tổ”?

Với VNPT Thừa Thiên Huế, con người và cơ chế là hai yếu tố cần thay đổi một cách sâu sắc. Bên cạnh việc xây dựng các chiến lược để đổi mới con người, cơ chế, đơn vị còn phải thay đổi cách thức phục vụ khách hàng và nâng cao chất lượng dịch vụ, hướng đến phục vụ theo yêu cầu của “thượng đế” tốt hơn. Tập trung vào tiếp cận và phát triển các sản phẩm về dịch vụ số mà tập đoàn đã có, qua đó mở rộng thị trường để đem lại nguồn thu; tối ưu hoá chi phí vận hành để tăng hiệu quả.

Xin cảm ơn ông!

LIÊN MINH (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyển đổi số trong thanh niên, sinh viên

Đại học Huế với vai trò là trung tâm đào tạo hàng đầu miền Trung, đã chủ động tích hợp công nghệ số vào công tác Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên (ĐTN - HSV) nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường hiệu quả quản lý và đẩy mạnh phong trào sinh viên.

Chuyển đổi số trong thanh niên, sinh viên

TIN MỚI

Return to top