Công nhân vệ sinh môi trường cật lực với việc dọn rác cồng kềnh, rác từ các gia đình thải bỏ
Thường vào thời điểm cuối năm, lượng rác thải sinh hoạt, rác xây dựng, rác công nghiệp... tăng mạnh. Dù tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, song không khí tết, hoạt động mua sắm mới, thay đồ cũ vẫn được nhiều gia đình chuẩn bị để đón năm mới.
Chỉ mới đầu tháng Chạp, qua hoạt động ra quân Ngày Chủ nhật xanh hàng tuần như thường lệ của Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế, nhiều khu vực xuất hiện khá lớn các loại rác cồng kềnh như nệm, tủ, giường, ghế... đã hư hỏng, cũ và rác thải xây dựng. Cùng với thực trạng rác tăng đột biến dịp cuối năm, trong mấy năm gần đây, lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh tiếp tục gia tăng ở nhiều địa phương. Ước tính lượng CTRSH phát sinh ở các đô thị trên toàn quốc tăng trung bình 10-16% mỗi năm. Tổng khối lượng CTRSH phát sinh tại khu vực đô thị trong cả nước là 35.624 tấn/ngày. Đối với TP. Huế (trước khi chưa mở rộng địa giới hành chính), lượng CTRSH bình quân mỗi ngày thu gom được trên 260 tấn trong tổng khoảng 660 tấn rác phát sinh trên toàn tỉnh. Đây là con số không hề nhỏ, trong khi hiện tại lượng rác này được xử lý hoàn toàn bằng chôn lấp.
Để giảm tải cho công tác thu gom, xử lý rác, một số địa phương đã vận động các hộ dân dọn dẹp nhà cửa đón tết sớm hơn, thay vì thói quen chờ đợi đến cận kề ngày tết mới dọn. Cách làm này giúp giãn tải lượng rác thu gom, vận chuyển, nhất là rác cồng kềnh, rác có kích thước lớn; đồng thời giúp đơn vị dịch vụ môi trường, lao công chủ động được thời gian, tần suất, đảm bảo tiến độ việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác vào dịp cuối năm.
Điểm thuận lợi ở Thừa Thiên Huế nói chung và TP. Huế, các trung tâm đô thị, khu dân cư đó là trong gần 3 năm nay, nhờ phong trào "Ngày Chủ nhật xanh" được lan tỏa và duy trì thường xuyên tại các địa phương, đơn vị, nên tình trạng rác dồn ứ giảm nhiều. Tuy vậy, tỷ lệ thu gom, xử lý CTRSH chưa đồng đều giữa các địa phương, nên tình trạng ô nhiễm, gây mất mỹ quan do CTRSH vẫn tiếp diễn. Nhất là tại khu vực nông thôn, việc thu gom, vận chuyển, CTRSH phần lớn do các HTX, tổ đội thu gom đảm nhiệm với chi phí thu gom trong dân thấp, cộng với công tác thu gom, vận chuyển chỉ dừng lại tại điểm trung chuyển, nên chưa giải quyết được toàn bộ mắt xích trong quản lý CTRSH.
Để giảm lượng rác phát thải, giãn tải cũng như giảm gánh nặng cho ngân sách, cho môi trường, ngành tài nguyên môi trường khẳng định cần thay đổi tư duy, phương thức quản lý bảo vệ môi trường, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ quản lý Nhà nước và nhận thức hành động của toàn dân trong công tác bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, việc áp dụng các công nghệ xử lý CTRSH cần được nghiên cứu, ứng dụng cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, vì thực tế công tác này còn nhiều hạn chế.
Mục tiêu đặt ra của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong năm 2022 về vấn đề xử lý CTRSH là, 30% rác thải sinh hoạt được xử lý theo mô hình đốt rác, phát điện, tái chế thay cho chôn lấp.
Để phù hợp với xu thế phát triển cũng như mục tiêu đặt ra, trước hết cần thúc đẩy phát triển mạnh ngành công nghiệp môi trường, đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút đầu tư xử lý, tái chế chất thải với mô hình công nghệ phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường thay cho chôn lấp trực tiếp. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của cộng đồng. Trong đó, ngoài vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội như: Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Liên đoàn Lao động... cần nhập cuộc tuyên truyền, thực hiện, nhân rộng các mô hình về xử lý chất thải, rác thải, mô hình bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh...
Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN