Tham dự trực tiếp tại diễn đàn có các ông: Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Phan Thiên Định, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Huế và lãnh đạo các sở, ngành, các chuyên gia kinh tế. Trên kênh trực tuyến có sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, đổi mới sáng tạo, chuyên gia biến đổi khí hậu trong nước và nước ngoài.
Phát triển kinh tế bền vững
Thừa Thiên Huế đang xây dựng chiến lược phát triển bền vững trên nền tảng các mô hình đổi mới sáng tạo mang tính đặc thù, phù hợp với địa phương.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tham quan gian hàng của doanh nghiệp khởi nghiệp
Tại phiên làm việc trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Thừa Thiên Huế tái cấu trúc lại nền kinh tế theo hướng phát triển dịch vụ, thương mại, kinh tế trí thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và công nghiệp văn hóa, giải trí. Đây cũng là chiến lược để xây dựng Thừa Thiên Huế phát triển bền vững, sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình chia sẻ: Thừa Thiên Huế đang triển khai Nghị quyết 54/NQ-TW của Bộ Chính trị về việc xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng.
Với định hướng này, diễn đàn Hue Innovation Day 2021 sẽ là cơ hội để Thừa Thiên Huế, các cơ quan, tổ chức hữu quan lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, các nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp hiến kế để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19 một cách bền vững. Đề xuất chính sách cụ thể để phát huy được thế mạnh của Thừa Thiên Huế theo hướng nhanh, bền vững, hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Đồng ý với quan điểm trên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ cho rằng, muốn thực hiện mục tiêu phát triển Thừa Thiên Huế bền vững con người phải là mấu chốt và là động lực để phát triển. Vì thế, ngoài tập trung đào tạo đội ngũ nhân lực khoa học công nghệ cao, Thừa Thiên Huế cũng mong muốn có sự tham gia đồng hành của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp trong hỗ trợ Thừa Thiên Huế xây dựng các giải pháp để phát triển năng động, sáng tạo và bền vững.
Dựa vào thế mạnh sẵn có
Một trong những nội dung được diễn đàn tập trung trao đổi chính là những giải giáp để Thừa Thiên Huế phát triển nhanh bền vững trên nền tảng của nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo. Như nhận định của các chuyên gia, tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn là những “viên gạch” tương hỗ và bổ sung cho nhau, làm nên “nền móng” cho kinh tế xanh, bền vững.
Điểm cầu trực tuyến của chuyên gia
Tại diễn đàn, các chuyên gia đã chỉ ra nhiều tiềm năng thế mạnh của Thừa Thiên Huế trong tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo. Những thế mạnh này bắt nguồn từ sự phong phú, đa dạng trong văn hóa, đời sống của người Huế với nhiều di sản từ vật thể đến phi vật thể và nhiều hoạt động văn hóa có động lực trong phát triển như: hoạt động lễ hội, Festival… Huế cũng đang định hình một thế mạnh riêng trong việc xây dựng Huế thành phim trường.
Ngoài ra, thủ công và nghệ thuật dân gian, nông nghiệp hữu cơ, du lịch cũng được các chuyên gia nhận định là thế mạnh của Thừa Thiên Huế trong tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn.
Để thực hiện chiến lược kinh tế sáng tạo, kinh tế tuần hoàn, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT Le Group of Companies - chuyên gia về công nghiệp sáng tạo đề xuất, tỉnh nên thành lập cơ quan quản lý và xúc tiến công nghiệp sáng tạo Thừa Thiên Huế. Đặt hàng các chuyên gia về nghiên cứu tiềm năng và quy hoạch các ngành công nghệ sáng tạo; xây dựng các chính sách khuyến khích đầu tư kinh doanh, đào tạo nhân lực. Cùng với đó, sớm xây dựng các creative hubs (không gian sáng tạo) và trung tâm sáng tạo.
Khởi nghiệp lĩnh vực văn hóa cũng cần sớm được hình thành nhằm góp phần thu hút doanh nghiệp tham gia đồng hành. Khuyến khích nghiên cứu sáng tạo các sản phẩm mới phục vụ cuộc sống hiện đại, đồng thời duy trì các hoạt động bề nổi như tổ chức Festival, hội chợ, hội nghị xúc tiến đưa hình ảnh Thừa Thiên Huế ra thế giới.
Kết nối tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức, người yêu Huế tham gia đóng góp cho Huế cũng là một trong những hướng mà thành phố Huế đang và sẽ triển khai nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế Thừa Thiên Huế theo hướng sáng tạo bền vững.
Theo Bí thư Thành ủy Huế-Phan Thiên Định, đội ngũ nhân sĩ, trí thức trong và ngoài nước, kiều bào luôn có tình yêu đặc biệt với Huế. Vì thế, nếu kết nối, lan tỏa tạo điều kiện để họ có thể tham gia đóng góp cho Huế sẽ là một động lực trong phát triển. Đồng thời xây dựng môi trường đổi mới, sáng tạo cho các bạn trẻ, các học sinh đang còn ngồi trên ghế nhà trường cũng sẽ là bước đi để Thừa Thiên Huế ngày càng sáng tạo và phát triển bền vững trong tương lai.
Bài, ảnh: Hoàng Loan