ClockThứ Ba, 14/12/2021 15:48

Phát triển nguồn nhân lực cho thành phố trực thuộc Trung ương - kỳ 2: Câu chuyện “chảy máu chất xám” và thu hút nhân tài

TTH - Thông qua các cuộc gặp gỡ của lãnh đạo tỉnh với những người Huế ở phương xa hay học sinh, sinh viên, nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà đầu tư, doanh nghiệp đã giúp tỉnh định hình được chiến lược đào tạo nguồn nhân lực (NNL) đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Phát triển nguồn nhân lực cho thành phố trực thuộc Trung ương - kỳ 1: Tư duy thích làm “thầy” hơn làm “thợ”

Vẫn còn tình trạng nhiều bác sĩ giỏi rời Huế làm việc ở các thành phố lớn (Ảnh minh họa)

Phát huy trí tuệ toàn dân

Định kỳ mỗi năm một lần, lãnh đạo tỉnh tổ chức các cuộc gặp mặt cộng đồng người Huế và những người yêu Huế với chủ đề “Gặp gỡ Huế - Hành trình xây đắp giấc mơ Huế” tại Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh còn tổ chức các hoạt động giao lưu, gặp gỡ, đối thoại thuộc nhiều thành phần từ những nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà đầu tư, doanh nghiệp, các nghệ sĩ và cả sinh viên, học sinh để huy động trí tuệ tập thể trong xây dựng chiến lược phát triển NNL cho tỉnh. 

Tại các cuộc gặp gỡ này, nhiều ý kiến tâm huyết về đào tạo NNL, thu hút nhân tài của những người yêu Huế, người Huế xa quê thuộc nhiều thành phần từ những nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà đầu tư, doanh nghiệp, các nghệ sĩ và cả sinh viên, học sinh được đưa ra với mong muốn Huế phát triển nhưng vẫn đảm bảo các tiêu chí theo định hướng đã chọn là Nghị quyết 54 của Bộ chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với định hướng xuyên suốt là đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội chia sẻ, Thừa Thiên Huế phải quan tâm xây dựng thành phố đại học ở Huế; đẩy mạnh thế mạnh y học để làm du lịch chữa bệnh; quan tâm tổng thể đến bài toán phát triển NNL. Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Chủ tịch HĐQT Công ty L&A cho rằng, chính quyền Thừa Thiên Huế cần trang bị kỹ năng, kiến thức, trải nghiệm sống cho bạn trẻ khởi nghiệp. Cần có chiến lược, xây dựng cơ sở dữ liệu NNL cho tương lai. Cần phải an cư để lập nghiệp. An cư lập nghiệp ở đây không chỉ cho người Huế mà cho người từ nơi khác đến nhằm thu hút NNL, tạo cơ hội cho đội ngũ trí thức, người có kinh nghiệm, tay nghề cao về Huế.

Công nhân ngành dệt may chiếm tỷ lệ cao trong lực lượng lao động của tỉnh

PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không Trường đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh cho rằng, cần nuôi dưỡng và thu hút nguồn chất xám trong nền kinh tế tri thức. Cần có một chiến lược đào tạo người giỏi từ bậc trung học, đào tạo nâng cao ở nước ngoài. Đào tạo ngoại ngữ và kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên. Đồng thời, thu hút nhân tài trở về xây dựng Thừa Thiên Huế với chế độ đãi ngộ phù hợp và cơ hội thăng tiến thuận lợi.

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học khác cũng cho biết, NNL để phát triển Huế hiện đang gặp rất nhiều khó khăn về mặt tìm người giỏi để đào tạo nhân lực lẫn về tìm kiếm nhân tài để đào tạo. Các nhà trường tại Huế cần đi sâu sát với doanh nghiệp hơn vì hiện nay nhân lực ở Huế còn thiếu nhiều kỹ năng mềm, trải nghiệm sống cũng cần nâng cấp nhiều hơn nữa.

Chủ động “luân chuyển chất xám”

Bà Tôn Nữ Thị Ninh nhìn nhận, Huế từng được nhắc đến nhiều vì vấn đề “chảy máu chất xám” nhưng gần đây dường như đang có xu hướng đi rồi sẽ quay về. “Trong thời đại khoa học này, chúng ta không nhất thiết suy nghĩ về là phải về luôn mà nên là đi đi về về. Miễn là đầu óc và trái tim không quên Huế, muốn làm gì cho Huế chứ không nhất thiết phải ở Huế thường xuyên. Một người ở Pháp nhớ về đất nước còn tốt hơn một thanh niên ở Huế chăm chăm bỏ đi, dù mình không nhất thiết phải đi”, bà Ninh nhấn mạnh.

Khi tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất một dự án hay, chỉ cần mời chuyên gia, doanh nhân có ý tưởng, sáng kiến, năng lực và tài chính đến với Huế, trở về Huế cùng làm cũng như có những chính sách riêng để giữ chân dự án, sáng kiến, tình yêu và động lực đóng góp của họ. Tư duy này sẽ thiết thực hơn so với việc bắt người tài về sống ở Huế.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh kiến nghị, tỉnh Thừa Thiên Huế nên có một nhóm chuyên gia cùng nhau “động não” để thấy rằng, ngoài việc kéo chất xám bằng thu nhập và lương bổng còn cần tạo điều kiện về tài chính ở mức độ phù hợp cho các dự án nghiên cứu ở dạng công tư hợp doanh, hỗ trợ họ triển khai ý tưởng, dự án... “Điều quan trọng nhất là các bộ máy nhà nước cũng phải yêu Huế chứ không chỉ khoanh tay quan liêu đứng nhìn. Chúng ta nên thành lập nhóm những người yêu Huế để biết chúng ta có thể góp sức cụ thể như thế nào, bất kể chúng ta đang ở đâu”, bà Tôn Nữ Thị Ninh nói.

PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống cho rằng, rất cần thiết thành lập ban chuyên trách về người Huế và người yêu Huế ngoài tỉnh trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh. Ban này sẽ thu thập và tích lũy thông tin về các chuyên gia Huế ở ngoài tỉnh làm cơ sở dữ liệu cho dự án đảo ngược dòng thất thoát chất xám và mời họ tham gia các dự án phát triển Thừa Thiên Huế.

Việc thất thoát chất xám trước rồi thu lợi chất xám sau được gọi là luân chuyển chất xám. Rất cần có chiến lược để chủ động chuẩn bị cho luân chuyển chất xám. Theo PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống, sứ mạng của dự án đảo ngược dòng thất thoát chất xám là thúc đẩy chuyển giao công nghệ thông qua các dự án có định hướng sử dụng chuyên gia Huế nhiều kinh nghiệm ở ngoài tỉnh, tuyển dụng chuyên gia Huế ở ngoài tỉnh và tạo điều kiện thuận lợi giúp họ trở về làm việc ngắn hạn hay dài hạn ở các cơ quan nhà nước hay khu vực tư nhân với nhiều chính sách đa dạng.

Muốn trí thức Huế ở nước ngoài về làm việc với chính quyền, điều kiện kinh tế và cơ hội công ăn việc làm ở Thừa Thiên Huế cần trở nên thuận lợi hơn để những trí thức này có thể sử dụng kiến thức, tài chính và mạng lưới liên hệ mà họ có được đầu tư trở lại ở Thừa Thiên Huế và làm tăng sức thu hút nhiều trí thức.

“Để ong thợ ra đi, giữ ong chúa ở lại”

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ phân tích: Chúng ta có quyền tự hào Huế là nơi đào tạo cung cấp nhân tài cho cả nước. Ngược lại những người giỏi ở Huế nhiều khi đi hết là nỗi lo cho lãnh đạo tỉnh, nỗi lo cho bà con xứ Huế. “Tình trạng chảy máu chất xám đang xảy ra trên toàn lãnh thổ Việt Nam chứ không chỉ riêng ở Huế. Ở Huế, điển hình là tình trạng nhiều bác sĩ giỏi bỏ Huế mà đi. Làm sao để những người đầu đàn, đầu ngành không đi ra khỏi Huế là vấn đề không đơn giản” - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nói.

Ông Phan Ngọc Thọ khẳng định, tỉnh đang xây dựng Huế thành trung tâm y tế chuyên sâu thì phải chấp nhận thu hút nhân tài, lan tỏa nhân tài, tuần hoàn chất xám. Nơi đào tạo NNL thì phải chấp nhận “để ong thợ ra đi, giữ ong chúa ở lại”, tức là sẵn sàng chia sẻ nhân lực cho các địa phương khác, hạn chế người đứng đầu ngành ra đi. Tỉnh sẵn sàng tạo điều kiện, thu hút tạo cơ hội việc làm cho tất cả sinh viên trong và ngoài tỉnh sau khi tốt nghiệp, những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi sẽ được ưu tiên, bố trí theo nguyện vọng; ưu đãi những sinh viên có nguyện vọng về công tác tuyến huyện, xã và có chính sách đãi ngộ đặc biệt.

Theo ông Phan Ngọc Thọ, Thừa Thiên Huế đã có nhiều đề án, nhiều dự thảo về vấn đề thu hút, giữ chân nhân tài nhưng việc này phải xem xét kỹ lưỡng. Nguyên nhân là bởi trên thực tế, nhiều địa phương trong nước đã làm việc này nhưng không thành công, chưa thành công. “Quan điểm của cá nhân tôi, muốn thu hút nhân tài trước hết chúng ta phải có điều kiện làm việc tốt nhất để mà giữ chân họ lại. Không có cái gì bằng điều kiện để họ làm việc, cống hiến. Ưu đãi về nhà cửa, ưu đãi về tiền lương chẳng qua là tức thời. Để thu hút nhân tài thì trước mắt cũng như lâu dài phải tăng cường hoàn thiện sản xuất kinh doanh. Nếu tỉnh có những doanh nghiệp lớn, tập đoàn lớn phù hợp với khả năng, thu nhập của họ thì nhân tài không những không đi khỏi Huế mà ngược lại nhân tài còn kéo về Huế” - ông Phan Ngọc Thọ chia sẻ.

Đại học Huế là trung tâm lớn đào tạo đại học và sau đại học ở miền Trung, tiếp tục giữ ổn định quy mô đào tạo, ưu tiên phát triển các ngành nghề mới, đón đầu nhu cầu xã hội, từng bước bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo đại học. Đại học Huế hiện có 153 ngành đào tạo đại học, 109 ngành đào tạo thạc sĩ và 72 ngành đào tạo tiến sĩ; 63 chuyên ngành đào tạo bác sĩ chuyên khoa I và II; 12 ngành đào tạo bác sĩ nội trú; quy mô gần 50 ngàn người học, trong đó 45.000 sinh viên hệ chính quy, gần 5.000 học viên cao học, nghiên cứu sinh, liên kết quốc tế… Đó là nguồn bổ sung dồi dào cho đội ngũ trí thức không những với Thừa Thiên Huế mà cả với miền Trung và Tây Nguyên.

Bài, ảnh: Thái Bình

Kỳ 3: Cần có chiến lược về đào tạo nguồn nhân lực

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận

Năm 2025, TP. Huế tiếp tục xây dựng và phát triển 2 quận của TP. Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các nền tảng hiện có, thành tựu đã đạt được; đồng thời, khai thác tiềm năng, thế mạnh, lợi thế riêng có để góp phần xây dựng TP. Huế phát triển bền vững.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận
Phát triển kinh tế tập thể: Hướng đi hiệu quả

Việc liên kết sản xuất, đổi mới mẫu mã, phương thức bán hàng đã giúp các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) phát huy tối đa lợi thế, thúc đẩy sự phát triển, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn...

Phát triển kinh tế tập thể Hướng đi hiệu quả

TIN MỚI

Return to top