Tái chế rác nhựa thành đồ dùng hữu dụng là cách hạn chế lượng rác nhựa ra môi trường
Phải thừa nhận, phong trào “Ngày Chủ Nhật xanh” hiện vẫn đang lan tỏa tại các địa phương vào mỗi dịp cuối tuần, nhờ đó góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng cảnh quan do rác thải. Trong khi đó, những hoạt động kêu gọi người dân hạn chế, nói không với đồ dùng bằng nhựa một lần, túi ni lông khó phân hủy vẫn còn bị lơ là, suy yếu.
Năm 2019, Sở Công thương đưa ra mục tiêu cho các siêu thị, trung tâm thương mại thực hiện ký cam kết về lộ trình cắt giảm việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy đến ngày 31/12/2020 phải đạt 100% các điểm này không dùng túi ni lông khó phân hủy. Tuy nhiên, qua thực tế, sau gần 1 năm phát động, kết quả đến nay vẫn chưa có chuyển biến mạnh mẽ và khả năng sẽ không đạt mục tiêu đề ra.
Nhiều ban quản lý chợ trên địa bàn cũng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến tới người dân và các hộ kinh doanh về tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường sống. Đồng thời, vận động phân loại rác và thực hiện các hình thức gói hàng thay thế túi ni lông như lá chuối, báo, các sản phẩm thân thiện môi trường. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn phát động, ký cam kết, hầu như mọi hoạt động đều trở lại trạng thái ban đầu. Người bán, người mua vẫn sử dụng, tiêu thụ lượng túi ni lông không hề giảm.
Tại các quán cà phê, nước giải khát, cửa hàng ăn tiện lợi hầu hết vẫn sử dụng hộp nhựa, bịch nhựa, ống hút, muỗng nhựa và túi ni lông để đựng thực phẩm.
Hay như trong năm học 2019-2020, thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo hệ thống giáo dục tích cực hưởng ứng, trong đó có nội dung vận động thay thế việc bao sách vở bằng ni lông sang bao túi giấy hoặc sản phẩm thân thiện môi trường. Bước vào năm học 2020-2021, thực hiện lời kêu gọi này, một số trường đã vận động học sinh hạn chế việc dùng bao ni lông để bao sách vở. Tuy nhiên, do chỉ mang tính vận động, khuyến khích, nên việc chấp hành vẫn chưa đồng đều.
Để cuộc chống rác nhựa không bị lãng quên, từ những mô hình như: “Ngôi nhà xanh trên biển”, “Ngôi nhà xanh - gây quỹ ủng hộ người nghèo”, “Tái chế - Tái sử dụng - Tiết kiệm”, “Sử dụng giỏ xách đi chợ”, “Tiểu thương hạn chế, tiến đến nói không với túi ni lông”… đang còn nhỏ lẻ cần được lan tỏa rộng hơn, huy động các lực lượng “nòng cốt” như phụ nữ, thanh niên tham gia.
Trong phạm vi cơ quan, đơn vị, từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành phải đi đầu, gương mẫu trong hành động và vận động người thân cùng thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần” trong sinh hoạt và tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Cụ thể, mỗi cơ quan nên có hệ thống lọc nước uống dùng chung hay sử dụng bịch đựng nước loại 20 lít và chai nước thủy tinh thay cho chai nhựa loại nhỏ sử dụng một lần; không sử dụng các sản phẩm văn phòng như túi clear, túi ni lông khó phân hủy...mà nên chuyển qua sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường. Khi tuyên truyền các hoạt động, ngày lễ, không nên treo băng rôn, pano, áp phích… bằng nhựa hiflex, nếu cần thiết phải bảo đảm theo đúng quy định về địa điểm và sử dụng vật liệu thân thiện môi trường.
Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN