Lãnh đạo Sở KH&CN và Vụ CNC (Bộ KH&CN) khảo sát thực tế vùng đất quy hoạch xây dựng khu CNC tại xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc
Khu công nghệ cao được quy hoạch hơn 719ha
Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trong những năm đến trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; là trung tâm của vùng và cả nước về văn hóa - du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo, KH&CN.
Hiện tại, Sở KH&CN tập trung “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm KH&CN của cả nước và khu vực Đông Nam Á” và được giao phối hợp với Viện Chiến lược chính sách KH&CN (Bộ KH&CN) xây dựng đề án thành lập khu CNC ở địa phương nhằm sớm trình Chính phủ phê duyệt trong thời gian đến.
Theo đó, khu CNC được quy hoạch xây dựng trên diện tích gần hơn 719ha nằm trong tổng diện tích được khảo sát là 1.408,86ha tại khu vực xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, với tổng vốn dự toán đầu tư 7.480 tỷ đồng; trong đó vốn Trung ương 2.620 tỷ đồng, địa phương 3.660 tỷ đồng, còn lại là các nguồn vốn khác.
Tại hội thảo đóng góp ý kiến vào đề án khu CNC Thừa Thiên Huế
Giai đoạn 2021- 2025 sẽ hoàn thành thủ tục phê duyệt và tiến hành quy hoạch 200ha để san lấp mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực cho CNC và Khu CNC cũng như trồng cây xanh tạo cảnh quan. Giai đoạn 2026- 2030 hoàn thiện dần các phân khu chức năng, như phân khu nghiên cứu-triển khai, phân khu giáo dục đào tạo, khu ươm mầm doanh nghiệp CNC, khu dịch vụ tổng hợp và tăng cường năng lực cho công ty xây dựng hạ tầng, đáp ứng nhu cầu cho các nhà đầu tư vào khu CNC.
Đồng thời, chọn các lĩnh vực ưu tiên đầu tư phát triển, như công nghệ sinh học; công nghệ thông tin; lĩnh vực y dược... Đây là những lĩnh vực có tiềm năng lợi thế ở địa phương về nguồn nhân lực KHCN; hạ tầng kỹ thuật, bản sắc văn hóa, tài nguyên thiên nhiên.
Việc hình thành khu CNC ở xã Lộc Thủy là một yếu tố quan trọng bởi nó nằm bên trục QL1A, có đường sắt Bắc-Nam đi qua; giữa hai sân bay và hai thành phố lớn Huế-Đà Nẵng. Vì vậy, khu CNC này không chỉ dành riêng cho tỉnh Thừa Thiên Huế mà còn góp phần thúc đẩy phát triển vùng kinh tế miền Trung và Tây Nguyên và có sức lan tỏa sang khu vực Đông Nam Á.
Chọn lựa giải pháp phù hợp
TS. Nguyễn Lê Hùng, Vụ CNC (Bộ KH&CN) chia sẻ, theo quy hoạch tổng thể các khu CNC trong cả nước, việc xây dựng đề án khu CNC tại ThừaThiên Huế có những lợi thế về giao thông, có cảng nước sâu Chân Mây, các khu đô thị lớn và các khu kinh tế mở lân cận ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và quỹ đất dồi dào hơn 700ha. Xây dựng đề án dù mới là những bước khởi đầu, nhưng phải định hướng chiến lược trung và dài hạn cụ thể. Hình thành khu CNC cần một khối lượng lớn nhân lực, vật lực và tài lực. Thừa Thiên Huế phải chuẩn bị những yếu tố quan trọng là con người, vốn đầu tư và cơ chế chính sách của một khu CNC, trước mắt là khu CNC địa phương. Kinh nghiệm thực tế các khu CNC đã ra đời trước đây, việc xã hội hóa nguồn vốn đầu tư xây dựng khu CNC lâu nay rất khó khăn, phần lớn dựa vào ngân sách Trung ương, địa phương. Do vậy, khu CNC ở Thừa thiên Huế phải cần phải phân kỳ đầu tư có lộ trình rõ ràng, vận dụng nguồn lực nội sinh đáp ứng nhu cầu thực tiễn của địa phương và đất nước.
PGS. TS Phạm Khắc Liệu, Phó Trưởng ban KH&CN và Quan hệ Quốc tế - Đại học Huế cho rằng, xây dựng khu CNC là điều mong muốn từ lâu của đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học nghiên cứu ở Thừa Thiên Huế. Quá trình xây dựng phải nghiên cứu, lựa chọn giải pháp phù hợp với địa phương. Nội dung đề án đưa ra dịp này khá rõ, nhưng ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên đầu tư không nên “đóng” 3 lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và đầu tư phát triển lĩnh vực y dược. Bên cạnh đó là giải pháp phát triển nguồn nhân lực, ngoài việc vận dụng nguồn nhân lực địa phương, phải có kế hoạch đào tạo, cơ chế chính sách thu hút nguồn nhân lực cao các nơi, nhất là các chuyên gia đầu ngành tại địa phương đang công tác, làm việc ở nước ngoài.
Nhiều ý kiến của sở ngành địa phương nêu quan điểm, việc xây dựng khu CNC theo đề án đưa ra cho thấy hết sức cần thiết, là tiền đề góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, phải xác định quy mô diện tích quy hoạch quỹ đất, phân kỳ thời gian triển khai từng hạng mục cụ thể. Ngoài ra, phải chọn những lĩnh vực đầu tư có lợi thế phù hợp của địa phương, như đầu tư công nghệ sinh học, gắn sản xuất phát triển thủy hải sản; đầu tư thu hút chất xám khi nguồn nhân lực ở địa phương dồi dào.
TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN cho rằng, Thừa Thiên Huế đang quyết tâm xây dựng khu CNC. Đây là tiền đề cơ bản đưa Thừa Thiên Huế phát triển đột phá về kinh tế - xã hội bằng KH&CN. Vấn đề là cần có thông tin tham vấn tốt để tỉnh có định hướng đúng, phù hợp cho quy hoạch, hoạch định chính sách để xây dựng đề án khu CNC hoàn chỉnh, đúng mục đích, tiêu chí đề ra trên cơ sở khoa học và thực tế để trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Bài, ảnh: Minh Văn