ClockThứ Tư, 29/03/2017 05:46

Phân loại rác tại nguồn: Nhìn từ một dự án

TTH - Được thực hiện thí điểm tại xã Quảng Thọ (Quảng Điền) và phường Hương Xuân (Hương Trà), mô hình phân loại rác tại nguồn để sản xuất phân hữu cơ thuộc dự án Chất thải rắn Việt Nam (JICA) đang mở ra hướng đi mới cho bài toán xử lý rác thải.

Điểm tập kết và ủ phân hữu cơ ở Hương Xuân

Thay đổi nhận thức

Dọc tuyến đường dẫn đến tổ dân phố Xuân Tháp thuộc phường Hương Xuân không còn rác thải bừa bãi như trước. Mỗi hộ dân ở đây đều có hai thùng rác, một đựng rác hữu cơ, một đựng các loại rác vô cơ. Riêng rác thải có thể tái chế như túi ni lông, chai lọ, hộp giấy...được người dân để riêng, tập trung tại một điểm bán chai bao. Sau khi rác được phân loại, vào ngày cố định sẽ có người đến tận nhà thu gom và đưa đến bãi tập kết rác vô cơ và hữu cơ của tổ.

Ông Phạm Viết Hồng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hương Xuân chia sẻ: Trước đây, người dân cũng tiến hành phân loại rác, tuy nhiên mức độ không triệt để như hiện nay. Sau khi dự án triển khai, mỗi hộ tham gia được hỗ trợ 2 thùng nhựa đựng rác, tham gia các lớp tập huấn, được các tình nguyện viên đến tận nhà hướng dẫn cách thức phân loại. Hiện toàn tổ có 82 hộ tham gia phân loại rác tại nguồn để sản xuất phân hữu cơ, rác vô cơ chuyển đi chôn lấp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Rác hữu cơ được người dân tận dụng triệt để phục vụ chăn nuôi, phần còn lại được đưa vào thùng rác và được thu gom tận nhà, chuyển đến vị trí tập kết với số lượng trung bình khoảng từ 15 đến 20kg. Sau 3 tháng ủ, sản phẩm phân thu được người dân sử dụng bón cho đồng ruộng, vừa cải tạo đất, vừa giảm thiểu sử dụng phân hóa học.

Thay vì dồn chung các sản phẩm rác vào 1 thùng và đưa đến điểm tập kết như trước đây, người dân đã bắt đầu biết phân loại từng sản phẩm trong sinh hoạt hàng ngày, góp phần giảm lượng rác thải đưa đi chôn lấp.

Bà Trương Thị Như Mỹ, thôn Tân Xuân Lai, Quảng Thọ cho biết: "Ngoài 2 thùng rác do dự án hỗ trợ, tôi còn mua thêm 1 thùng chuyên đựng các loại giấy, lon nhựa… Rác hữu cơ được tận dụng sản xuất phân phục vụ trở lại cho sản xuất nông nghiệp và các loại chai nhựa tái chế đem bán cho chai bao. Toàn những điều có lợi, nên tôi chẳng ngại khi nhà có đến 3 thùng rác, các thành viên trong gia đình cũng ý thức hơn trong việc phân loại rác thải".

Theo ông Hironori Koyama, thành viên đoàn chuyên gia Jica từ dự án Chất thải rắn Việt Nam, việc ủ phân compost theo phương pháp hiếu khí gần giống như phân hủy trong tự nhiên, nhưng được tối ưu hóa các điều kiện môi trường cho hoạt động của vi sinh vật. Phương pháp này sẽ hạn chế chôn lấp rác thải và giúp giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, đất và không khí. Sản xuất phân compost còn giúp diệt các mầm bệnh nguy hiểm vì trong quá trình phân hủy sinh học, nhiệt độ trong hầm ủ gia tăng làm tiêu hủy các trứng, ấu trùng, vi khuẩn trong chất thải. Hoạt động này còn mang lại nhiều lợi ích kinh tế khác như: tiết kiệm chi phí chôn lấp rác, tận dụng được nguồn tài nguyên rác.

Cần xây dựng hành lang pháp lý

Huyện Quảng Điền đang tập trung triển khai xây dựng thí điểm mô hình phân loại rác tại nguồn. Theo đó, mỗi xã, thị trấn sẽ chọn 1 thôn, tổ dân phố làm điểm sau đó sẽ nhân rộng ra toàn huyện.

Ông Nguyễn Đại Viên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng: Dù được phân loại tại các hộ gia đình, nhưng do không có cơ sở tái sản xuất rác hữu cơ nên  rác thải thường được nhập làm một mối và đưa về các bãi tập kết. Đó cũng là nguyên nhân khiến nhiều chương trình, dự án phân loại rác tại nguồn thất bại sau một thời gian triển khai. Việc xây dựng điểm tập kết rác hữu cơ và tiến hành ủ thành phân như hiện nay được xem là giải pháp có tính khả thi rất cao.

Khó khăn nhất hiện nay trong thực hiện phân loại chất thải sinh hoạt là sự tham gia của người dân. Trong khi, người dân vẫn chưa thật sự mặn mà với việc phân loại rác thì sự tham gia tuyên truyền của hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh… rất cần thiết và nên đưa vào hương ước, quy ước của làng, xã để  người dân có ý thức chung tay bảo vệ môi trường.

Hiện nay, chi phí thu gom, xử lý rác thải do chủ nguồn thải chi trả theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền xử lý”. Đây là cơ sở buộc người dân phải có trách nhiệm với hành vi của mình; đồng thời cũng là một trong những giải pháp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Nhưng để mô hình phân loại rác tại nguồn thực sự có hiệu quả, cần hình thành hành lang pháp lý liên quan như: các quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt;  quản lý Nhà nước, nhân lực, tài chính phục vụ chương trình. Phân loại rác tại nguồn cần thực hiện liên tục, không nóng vội và thay đổi nhận thức người dân không phải ngày một ngày hai, vì thế công tác tuyên truyền giữ vai trò rất quan trọng.

Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Các tập đoàn đa quốc gia phải ngăn rác thải ra đại dương ở Nam bán cầu

Các đại dương trên thế giới, vốn được tôn sùng trong suốt chiều dài lịch sử vì sự rộng lớn và vẻ đẹp của chúng, hiện đang chịu sự tàn phá bởi rác thải tràn lan. Cuộc khủng hoảng này đặc biệt nghiêm trọng ở Nam bán cầu, nơi công tác quản lý vẫn chưa đầy đủ và các quy định lỏng lẻo làm trầm trọng thêm thiệt hại.

Các tập đoàn đa quốc gia phải ngăn rác thải ra đại dương ở Nam bán cầu
Hạ tầng xử lý rác thải: Đáp ứng yêu cầu môi trường

Với sự đi vào hoạt động của Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Phú Sơn (Hương Thủy), rác thải sinh hoạt của 6/9 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đã được xử lý bằng công nghệ hiện đại, đáp ứng các yêu cầu về môi trường.

Hạ tầng xử lý rác thải Đáp ứng yêu cầu môi trường
Trao giải Cuộc thi xây dựng bài giảng điện tử về chủ đề ô nhiễm rác thải nhựa

Sáng 27/9, Dự án Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam (Dự án TVA) với sự tài trợ của WWF-Na Uy (thông qua Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam, WWF-Việt Nam phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Huế tổ chức tổng kết mô hình Trường học giảm nhựa năm 2022- 2024 và trao giải Cuộc thi xây dựng bài giảng điện tử tích hợp chủ đề ô nhiễm rác thải nhựa (RTN) năm 2024.

Trao giải Cuộc thi xây dựng bài giảng điện tử về chủ đề ô nhiễm rác thải nhựa
Ứng dụng công nghệ phân loại và thu gom rác tái chế

Ngày 15/9, Doanh nghiệp xã hội MGREEN phối hợp với Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở khu vực miền Trung” tổng kết hoạt động phân loại rác tại nguồn và thu gom rác tái chế thông qua ứng dụng mGreen trên điện thoại di động.

Ứng dụng công nghệ phân loại và thu gom rác tái chế
Dự án Xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt tại các khu vực trọng điểm trên địa bàn tỉnh:
Tiếp tục xử lý tiến độ

Nhà thầu thi công “bỏ ngang” công trình, khu xử lý lo không có rác để vận hành là những bất cập, nghịch lý tại Dự án Xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt tại các khu vực trọng điểm trên địa bàn tỉnh (gọi tắt DA).

Tiếp tục xử lý tiến độ

TIN MỚI

Return to top