Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) lựa chọn chủ đề “Chung tay hành động vì biển xanh không rác thải nhựa” cho Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (1/6- 8/6) năm 2018 và “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon” của Ngày Môi trường thế giới (5/6) nhằm hướng tới việc khuyến khích các giải pháp cho vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa và ngăn chặn rác thải nhựa trên biển, kêu gọi mọi người phải có trách nhiệm vì một đại dương khỏe mạnh hơn, cho một tương lai tốt đẹp hơn.
Hưởng ứng sự kiện này, ngoài tổ chức treo pano, áp phích để tuyên truyền trực quan, Thừa Thiên Huế tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực. Trong đó, lễ mit tinh và ra quân làm sạch vệ sinh môi trường biển tại bãi biển Thuận An (thị trấn Thuận An, Phú Vang) vào ngày 2/6 sẽ là hoạt động khởi động hưởng ứng các sự kiện. Ngoài ra, các địa phương còn tham gia vệ sinh môi trường biển, thu gom rác thải, rác thải nhựa; trồng cây xanh chắn cát, chống xói lở, cây ngập mặn ven đầm phá, ven biển; xây dựng các công trình bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ cộng đồng; khuyến khích các tổ chức, đơn vị tái chế, tái sử dụng rác thải nhựa…
Những hoạt động này được xem như một lời kêu gọi người dân phải có trách nhiệm chăm sóc cho đại dương như đại dương đã và đang chăm sóc chúng ta, bảo vệ đại dương là bảo vệ tương lai của chúng ta. Đây cũng là hành động nhằm đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển để nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển; bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển. Đây còn là dịp tuyên truyền, vận động mọi người dân nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên môi trường nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của tài nguyên và môi trường biển, đảo.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu đầu tư hạ tầng khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2016-2020 (gọi tắt Chương trình) để thấy rằng mục tiêu phát triển đồng bộ kết cầu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong các khu kinh tế ven biển được quan tâm chú trọng.
Dự án đầu tư hạ tầng khu kinh tế ven biển là một trong những dự án thành phần thuộc Chương trình sẽ huy động hơn 10.774 tỷ đồng (có khả năng điều chỉnh tăng thêm) để đầu tư xây dựng hệ thống giao thông chính trong khu; bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của các dự án khu nhà ở công nhân và khu tái định cư phục vụ người bị thu hồi đất trong khu kinh tế ven biển. Số tiền này còn phục vụ đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn và hệ thống xử lý nước thải tập trung của các khu chức năng trong khu kinh tế ven biển.
Với sự đầu tư này, không chỉ Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô mà nhiều khu kinh tế ven biển của các địa phương khác sẽ có cơ hội kêu gọi, xúc tiến, thu hút và triển khai mạnh mẽ các dự án đầu tư quy mô lớn, phát triển các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế nhưng chưa được khai thác đúng mức. Đồng thời khẳng định tiềm lực lớn về kinh tế biển, ý chí quyết tâm phát triển toàn diện ngành nghề biển, bảo vệ tài nguyên môi trường vùng biển, đảo bền vững.
Bài, ảnh: Hoài Nguyên