ClockThứ Năm, 20/06/2019 13:15

Phát triển nông nghiệp theo hướng thích nghi

TTH - Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… là những mối nguy thường trực. Để đảm bảo phát triển bền vững, tăng hiệu quả giá trị sản xuất, ngành nông nghiệp đang chuyển dịch dần theo hướng thích nghi.

Vườn dưa lưới công nghệ cao của HueWACOTăng cường áp dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệpXây dựng lộ trình hình thành khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Trồng rau thủy canh trong nhà kính là định hướng trong phát triển nông nghiệp

Thách thức

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2019 đến nay, các hiện tượng thời tiết cực đoan đã khiến nền nông nghiệp hứng chịu không ít thiệt hại.

Vụ đông xuân 2018-2019, toàn tỉnh có 61 ha lúa mất trắng do không chủ động được nguồn nước tưới, 512 ha lạc bị hạn thiệt hại từ 30-70%. Vụ hè thu năm nay, 2.870 ha không chủ động nguồn nước tưới ở vùng ven biển, gò đồi, vùng cuối kênh phải chuyển đổi hoặc bỏ hoang.

Ông Phan Thanh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi lý giải, nguyên nhân thiếu nước do ảnh hưởng của Elnino, nắng nóng xuất hiện sớm trên diện rộng, lượng mưa thiếu hụt khoảng 15-30%. Nhiệt độ những tháng đầu năm cao hơn gần 3 độ so với năm trước, lượng mưa chỉ đạt 52 -85%; lượng bốc hơi lớn, độ ẩm trong những tháng qua chỉ đạt từ 40-50%. Các hồ thủy nông mực nước đều ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018. Nhiều hồ thấp dưới 60% dung tích hữu ích, trong đó, 4 hồ có lượng bốc hơi cao, khả năng sẽ không đủ nước cung cấp cho vụ hè thu, như: hồ Phú Bài 2, Khe Ngang, Thọ Sơn, Hòa Mỹ.

Sau khủng hoảng giá lợn năm 2017 do cung vượt cầu, đầu năm 2019 xuất hiện dịch lở mồm long móng, đến giữa tháng 3/2019 dịch tả lợn châu Phi (TLCP) xuất hiện, lan rộng ra nhiều địa phương. Hiện, trên địa bàn có 341 thôn, 76 xã thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố công bố có dịch, con số thiệt hại thống kê đến nay trên 10 tỷ đồng. Với tổng đàn lợn hiện có khoảng 159.850 con, nhưng chưa có giải pháp khống chế dịch hiệu quả đang đặt ngành nông nghiệp trước nhiều thách thức.

Chuyển đổi

Một trong những định hướng ngành nông nghiệp hướng tới là phát triển nền nông nghiệp theo hướng thích nghi biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường.

Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, ngành nông nghiệp đang dần có những chuyển hướng phù hợp hơn với thị trường, biến đổi khí hậu… Một trong những điểm sáng chính là thực hiện khá thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng thích nghi và phát triển bền vững là định hướng quan trọng.

Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa các giống mới vào sản xuất... trong 5 năm (2013-2018) toàn tỉnh đã chuyển đổi 15.500 ha lúa chất lượng thấp sang lúa chất lượng cao, chiếm 28,7% diện tích lúa toàn tỉnh. Hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa theo mô hình cánh đồng lớn với 4.160 ha (năm 2013 là 100 ha); có liên kết, hợp đồng với doanh nghiệp trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm 1.760 ha. Các mô hình ứng dụng tiêu chuẩn VietGAP tiếp tục mở rộng với 2.100 ha lúa, 88 ha rau và 290 ha lúa hữu cơ. Sản xuất rau, hoa trong nhà lưới, nhà kính 26 mô hình với diện tích gần 28.000 m2.

Trong 3 năm (2016 – 2018), toàn tỉnh đã chuyển đổi khoảng 1.500 ha đất lúa kém hiệu quả ở vùng miền núi, bãi ngang ven biển, vùng thiếu nước sang trồng ngô, lạc, rau, hoa và nuôi trồng thủy sản. Dự kiến, hai năm tiếp theo (2019-2020) sẽ chuyển đổi thêm 1.100 ha không chủ động nguồn nước sang các loại cây trồng cạn.

Ứng dụng mô hình 3 giảm 3 tăng tại Hương Trà

Tái cơ cấu trong chăn nuôi được đẩy mạnh với việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển dần từ hình thức quảng canh quy mô nhỏ sang sản xuất chăn nuôi hàng hóa chất lượng cao có quy mô vừa và lớn. Nhiều cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm áp dụng quy trình chăn nuôi công nghiệp, an toàn sinh học. Hiện, toàn tỉnh có 69 trang trại chăn nuôi đạt doanh thu hàng năm trên 1 tỷ đồng, trong đó có 15 trang trại có hợp tác, liên kết.

Trước tình hình dịch bệnh trên lợn và giá cả bấp bênh, phát triển chăn nuôi đại gia súc được khuyến khích, ưu tiên phát triển đàn bò ngoại, gia súc, gia cầm. So với năm 2013, tổng đàn trâu tăng 5%; đàn bò tăng 75%; đàn gia cầm tăng 34%. Riêng, đàn lợn đã giảm 12,3% so với năm 2013 và giảm trên 3% so với đầu năm 2019.

Làm chủ khoa học công nghệ

Song song chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, các giải pháp kỹ thuật, khoa học kỹ thuật tiên tiến cũng được ứng dụng tăng khả năng thích ứng.

Giải pháp giảm phát thải khí nhà kính ở các vùng sản xuất lúa bằng biện pháp tưới nước khô xen kẽ được GS.TS. Trần Đăng Hòa và các cộng sự Khoa Nông học, Trường đại học Nông Lâm nghiên cứu là một ví dụ. Với việc áp dụng biện pháp tưới nước khô xen kẽ giúp giảm được lượng khí CH4 và lượng nước tưới trên cùng một đơn vị diện tích nhưng không hề ảnh hưởng chất lượng, sản lượng lúa thương phẩm.

Theo GS.TS. Trần Đăng Hòa, kết quả nghiên cứu cho thấy, sản xuất lúa nước phát thải khoảng từ 500kg khí CH4/ha trong vụ đông xuân và 644kg/ha vụ hè thu. Khi áp dụng phương pháp tưới nước khô xen kẽ giảm phát thải khí CH4 đến 26% so với phương pháp tưới ngập thường xuyên, lợi nhuận thu được từ việc áp dụng biện pháp tưới nước khô xen kẽ khoảng 6,3 triệu đồng/ha, cao hơn so với việc tưới nước ngập liên tục.

Năm 2018, tổng sản phẩm (GRDP) toàn tỉnh tăng 6,61%, trong đó, ngành nông nghiệp tăng 3,46% (kế hoạch năm 2018 tăng 2,23%); giá trị sản xuất nông lâm, thủy sản và dịch vụ nông nghiệp chiếm 11,6% trong tổng số cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Việc nghiên cứu phát triển và chuyển giao các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao thích nghi điều kiện canh tác (chịu mặn, chịu hạn, chịu phèn), chế độ canh tác (ngập lụt, hạn hán) phục vụ sản xuất hàng hóa cũng được chú trọng.

Theo ông Hồ Vang, về lâu dài, ngành nông nghiệp sẽ điều chỉnh lại cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng đa dạng hóa, gắn thâm canh tăng năng suất, sản lượng với bảo vệ tài nguyên môi trường và kiểm soát rủi ro. Triển khai nhân rộng các mô hình, biện pháp canh tác tiên tiến như: nông nghiệp công nghệ cao, thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), kỹ thuật canh tác "3 giảm 3 tăng" (giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh, giảm lượng phân đạm; tăng năng suất lúa; tăng chất lượng lúa gạo; tăng hiệu quả kinh tế); kỹ thuật canh tác 1 phải 5 giảm (phải sử dụng giống lúa xác nhận; giảm lượng giống gieo sa, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng phân đạm, giảm lượng nước, giảm thất thoát sau thu hoạch)… gắn với xây dựng sản phẩm chủ lực địa phương.

Trong chăn nuôi ưu tiên các trang trại lớn đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, chăn nuôi theo hướng VietGAP, hữu cơ, đệm lót sinh học... Tập trung nâng cao chất lượng, sản lượng thịt hơi xuất chuồng, xây dựng chỉ dẫn địa lý các sản phẩm chăn nuôi hàng hóa để thúc đẩy sản xuất nâng cao giá trị và thu nhập cho nông dân.

Bài, ảnh: HOÀNG LOAN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mở rộng cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển kinh tế

Việc áp dụng các chính sách trong quá trình thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội đã giúp tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được nhiều kết quả; tuy nhiên, thực tiễn áp dụng cũng đang gặp nhiều khó khăn, cần giải pháp tháo gỡ.

Mở rộng cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển kinh tế
Tay đào, tay xoài

Rẽ vào con đường nhỏ gần chợ thị trấn A Lưới, khu vườn của ông Đào Trọng Ninh khiến nhiều người đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ít ai biết được có cơ ngơi như ngày hôm nay là hành trình hơn 20 năm gắn bó gieo mầm xanh trên vùng đất này.

Tay đào, tay xoài
Phát triển thị trường cho sản phẩm truyền thống

Trong khuôn khổ chương trình thúc đẩy phát triển sản phẩm truyền thống địa phương thuộc đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) Thừa Thiên Huế vừa tổ chức cho các doanh nghiệp (DN) phát triển thị trường tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Phát triển thị trường cho sản phẩm truyền thống
Đối ngoại có trọng tâm, trọng điểm, thu hút nguồn lực phát triển

Với nhiều hoạt động, giải pháp thiết thực, hoạt động đối ngoại của Thừa Thiên Huế góp phần quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh địa phương, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), củng cố quốc phòng - an ninh và nâng cao vị thế, hình ảnh Cố đô Huế trên trường quốc tế.

Đối ngoại có trọng tâm, trọng điểm, thu hút nguồn lực phát triển

TIN MỚI

Return to top