ClockThứ Tư, 09/12/2020 07:30

Quản lý chất thải rắn sinh hoạt: Hướng đến quy mô chuyên nghiệp

TTH - Trước diễn biến phát sinh nguồn thải gia tăng và phức tạp, đòi hỏi phải có sự đầu tư đồng bộ, chuyên nghiệp hơn nhằm cải thiện và nâng cao hiệu quả thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trên địa bàn.

Thủ tướng chỉ thị cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắnNâng cao năng lực xử lý rác thải

Xã hội hoá và chuyên nghiệp hoá để tăng hiệu quả công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn

Đa dạng hình thức thu gom, xử lý

Theo quy hoạch quản lý CTR của tỉnh, tổng lượng CTRSH phát sinh năm 2020 là 502 tấn/ngày. Nhưng thực tế, tổng lượng CTRSH phát sinh trong quý 1 năm 2020 gần 650 tấn/ngày, tăng gần 50 tấn/ngày so với năm 2019 và vượt gần 150 tấn/ngày so với quy hoạch. Con số này cho thấy, CTRSH đang gia tăng và có nguy cơ quá tải nếu không chủ động từ khâu thu gom đến đầu tư hạ tầng xử lý đảm bảo, đồng thời tăng cường triển khai đồng bộ việc phân loại CTRSH tại nguồn theo hướng dẫn của UBND tỉnh tại Công văn 4512 ngày 1/6/2020 nhằm giảm lượng CTRSH phát sinh.

Hiện nay, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh chủ yếu do Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO) hợp đồng trực tiếp với chính quyền các địa phương để thực hiện việc thu gom, vận chuyển và xử lý hợp vệ sinh tại các khu xử lý tập trung, với tỷ lệ chiếm hơn 70% tổng lượng rác phát sinh. Một số khác tự tổ chức thu gom rồi hợp đồng HEPCO vận chuyển xử lý. Đối với một số huyện có thành lập đơn vị DN phụ trách môi trường được giao đảm nhiệm khâu vận chuyển, xử lý, còn việc thu gom do các xã, thị trấn thành lập tổ đội trực tiếp thực hiện.

Ngoài đơn vị chủ lực là HEPCO, một số địa phương đã phát triển nhiều dạng mô hình thu gom như thành lập các tổ, đội, HTX để cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển CTR đến các điểm trung chuyển. Đơn cử như huyện Quảng Điền có Công ty TNHH MTV Xây dựng và Thương mại Nhật Đăng Phát; huyện Nam Đông có Công ty TNHH Môi trường Nam Đông; huyện Phú Vang có Công ty TNHH Hằng Trung; huyện A Lưới có Ban Công trình công cộng và Dịch vụ công ích A Lưới; huyện Phong Điền có HTX Môi trường Phong Điền và HTX Môi trường và Đô thị Phong Hiền; Phú Lộc có HTX Môi trường, điện, nước Lăng Cô.

Nhờ đẩy mạnh xã hội hóa, phát triển các hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH đã góp phần cải thiện và nâng cao hiệu quả thu gom và xử lý CTRSH, cũng như tác động tích cực đến công tác quản lý môi trường trên địa bàn tỉnh.

Các đơn vị dịch vụ môi trường, trong đó điển hình HEPCO là đơn vị có đủ điều kiện, năng lực trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH cũng như CTR công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại. Tuy nhiên, nếu mở rộng phạm vi thu gom, vận chuyển và xử lý hoặc thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn cũng như nâng cao chất lượng các dịch vụ có liên quan trong thời gian tới, HEPCO và kể cả các đơn vị DN môi trường công ích khác cần phải đầu tư thêm trang thiết bị, nhân lực để có thể đáp ứng được nhu cầu thực tế của tỉnh.

Gấp rút thi công các điểm xử lý mới

Qua rà soát tình hình thực tế về quản lý CTRSH trên địa bàn, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho rằng, việc bố trí cơ sở xử lý CTRSH hợp vệ sinh mới trên địa bàn tỉnh đang rất cấp bách do lượng CTRSH ngày càng tăng cao. Hiện các cơ sở xử lý CTRSH hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các bãi chôn lấp (BCL) có công suất hoạt động đã vượt so với hiện tại và tuổi thọ của một số BCL như: Phong Thu (Phong Điền), Quảng Lợi (Quảng Điền), Thủy Phương (TX. Hương Thủy) không còn nhiều.

Theo đánh giá của Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, không chỉ còn thiếu về phương tiện thu gom và vận chuyển, ngay cả quy trình vận hành cho đến hạ tầng kỹ thuật tại hầu hết các BCL CTRSH đều chưa đảm bảo. Hạ tầng phục vụ xử lý nước rỉ rác hiện xuống cấp và chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật để xử lý đạt các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến các BCL khi xây dựng là các BCL hợp vệ sinh nhưng hiện nay đều trở thành các điểm gây ô nhiễm môi trường. Vì thế, các cơ sở xử lý CTRSH khi đầu tư mới phải đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động, phải đầu tư công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.

Trước mắt, để kịp "gối đầu" và xử lý lượng CTRSH phát sinh trong thời gian tới, tỉnh cần kêu gọi các chủ đầu tư nghiên cứu, đầu tư nhà máy xử lý CTRSH với công nghệ tiên tiến vào Khu xử lý CTR Hương Bình (TX. Hương Trà). Đồng thời, hỗ trợ chủ đầu tư dự án "Xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP. Huế và vùng phụ cận" và dự án "Xây dựng BCL dự phòng Phú Sơn" hoàn tất các thủ tục đầu tư, bố trí ngân sách để triển khai dự án đúng tiến độ; đẩy nhanh tiến độ dự án "Xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt tại các khu vực trọng điểm trên địa bàn tỉnh" tại xã Hương Bình để giảm tải cho BCL Thủy Phương.

Sở TN&MT đề nghị Sở Xây dựng đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch tại Khu xử lý CTR Lộc Thủy (Phú Lộc) để HEPCO có cơ sở đầu tư lò đốt CTRSH tại đây nhằm xử lý CTR phát sinh cho địa bàn huyện Phú Lộc, giảm tải cho BCL Thủy Phương. HEPCO cần khẩn trương hoàn thiện thủ tục, đầu tư lò đốt CTRSH tại Khu xử lý CTR Lộc Thủy và mở rộng BCL Thủy Phương.

 Theo đề xuất của Sở TN&MT, nên lập kế hoạch đầu tư BCL dự phòng tại Thủy Phương hoặc Khu quy hoạch xử lý CTRSH Phú Sơn 2 phục vụ quản lý CTR của tỉnh. Trên thực tế, việc ưu tiên đầu tư mở rộng ô chôn lấp rác số 3 tại Thủy Phương nếu thuận lợi là hợp lý nhất vì tận dụng được hạ tầng kỹ thuật sẵn có ở đây, tiết kiệm kinh phí, giảm mức đầu tư.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhận diện bạo lực giới và hướng đến sự bình đẳng

Nhiều người, nhất là các chị em phụ nữ có khi vẫn chưa nhận ra được mình đang hoặc đã từng bị bạo lực giới, dù ở mức độ ít hay nhiều, nặng hay nhẹ. Một khi nhận diện được vấn đề này, phụ nữ hay trẻ em gái mới có thể phát huy và thúc đẩy bình đẳng trong cuộc sống.

Nhận diện bạo lực giới và hướng đến sự bình đẳng
Xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số

Theo UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, tỉnh tiếp tục xác định cải cách hành chính (CCHC) gắn với phát triển chính quyền số, dịch vụ đô thị thông minh và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 là chương trình trọng điểm để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số
Hướng đến sản xuất xanh

Tăng trưởng xanh - sản xuất xanh là mục tiêu mà nhiều doanh nghiệp (DN) đang hướng đến, nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và phù hợp với xu hướng chung của thị trường trong và ngoài nước.

Hướng đến sản xuất xanh

TIN MỚI

Return to top