Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh
Cơ quan dự báo khí tượng nhận định, sang tháng 10/2020, không khí lạnh tiếp tục có xu hướng hoạt động gia tăng về tần suất và các đợt mưa lớn dồn dập. Từ đây đến cuối năm, tình hình lụt bão thế diễn thế nào thưa ông?
Theo quy luật nhiều năm, nửa cuối tháng 10 đến tháng 3-4 năm sau, các đợt không khí lạnh (KKL) sẽ ảnh hưởng đến Thừa Thiên Huế. Đỉnh điểm là tháng 11, 12 và tháng 1, trung bình mỗi tháng có khoảng 2-4 đợt. Các đợt KKL sẽ kết hợp với các hình thế thời tiết nguy hiểm như bão/áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), hội tự nhiệt đới, gió Đông trên cao… gây nên các đợt mưa lớn dồn dập.
Từ nay đến cuối năm, trên biển Đông khả năng vẫn còn khoảng 5-7 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, trong đó khoảng 3-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở miền Trung, như vậy rất có thể ở Thừa Thiên Huế sẽ còn chịu ảnh hưởng trực tiếp. Do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), tình hình, bão/ATNĐ, KKL… năm nay, cũng như những năm tiếp theo sẽ gia tăng cả về cường độ, tần suất và diễn biến phức tạp .
Đã lâu rồi Huế mới đón bão. Cơn bão số 5 đi qua và để lại nhiều hậu quả. Theo ông, cần làm những gì từ công tác dự báo đến ứng phó để giảm tối đa thiệt hại do thiên tai?
Đúng như các bản tin dự báo bão số 5 đã được ngành KTTV phát và cập nhật liên tục là bão sẽ đổ bộ vào Huế-Quảng Trị với gió cấp 8-9, giật cấp 11. Để giảm tối đa thiệt hại do thiên tại gây ra, chúng ta cần:
- Cập nhật tình hình thiên tai thường xuyên, đặc biệt với bão. Khi dự báo càng xa thì sai số càng lớn, trong khi bão diễn biến rất phức tạp. Các bản tin càng gần khi bão đổ bộ càng chính xác hơn cả về cường độ, hướng di chuyển, vị trí đổ bộ. Một thực tế là thường trước bão, lũ, để an toàn thì hệ thống điện lưới sẽ thường hay bị mất, nên nhiều người sẽ không tiếp nhận được các bản tin cập nhật từng giờ.
- Theo dõi các bản tin của Ngành KTTV Việt Nam, đặc biệt khi bão khẩn cấp, cách bờ khoảng 300 km thì hệ thống quan trắc trên đất liền, các đảo, hệ thống ra đa thời tiết sẽ giám sát rất tốt diễn biến bão nên bản tin của ngành KTTV Việt Nam sẽ tốt hơn nhiều các dự báo trên thế giới.
- Không dùng thông tin dự báo từ các trang cá nhân, trang không rõ nguồn gốc.
- Không chủ quan trước thiên tai.
Toàn tỉnh có 22 trạm thuộc hệ thống KTTV quốc gia. Với xu hướng hiện đại hóa, tự động hóa toàn nghành KTTV, nên mạng lưới trạm tự động đo đạc, truyền số liệu tự động liên tục về các đài, trung tâm dự báo cũng như chuyển số liệu quốc tế theo công ước... Về cơ bản, cơ sở vật chất hạ tầng để dự báo, quan trắc khí tượng thủy văn nói chung và đo gió, mưa, lũ nói riêng ở tỉnh cơ bản đáp ứng yêu cầu, đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định. Trong vài năm tới, cơ sở hạ tầng, vật chất để dự báo, đo gió, mưa ở tỉnh sẽ được tăng cường đáng kể.
|
Tùy theo loại hình thời tiết, tùy theo mục đích phục vụ sẽ có các loại dự báo khác nhau, ví dụ bản tin mùa vụ sẽ dự báo trước 6 tháng, bản tin nhận định mùa mưa bão lũ sẽ thực hiện trước 3, 4 tháng, bản tin cảnh báo dông lốc sét thì trước 2-3 giờ, còn khi có thời tiết nguy hiểm xảy ra như Bão/ATNĐ thì sẽ phát tin liên tục từ khi xuất hiện đến khi kết thúc. Trong một bản tin sẽ bao gồm dự báo trước 72 giờ, 48 giờ, 24 giờ. Khi bão gần bờ (bão khẩn cấp) sẽ bổ sung thêm phần dự báo trước 6 giờ, 12 giờ hoặc 3 giờ.
Công nghệ đo đạc tự động ở các trạm liên tục truyền số liệu về trung tâm chính
Đối với việc dự báo, cảnh báo các hiện tượng thời tiết bất thường trước khi diễn ra trong bao lâu và có sai số hay khác biệt gì so với khu vực và quốc tế hay không?
Đối với việc cảnh báo, dự báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm hiện nay quy định rất rất chặt chẽ và cụ thể hóa theo các quy định của Nhà nước, được cơ quan có thẩm quyền đánh giá sai số…
Hiện nay với xu hướng toàn cầu hóa, số liệu KTTV của tất cả các quốc gia, các tàu biển… sẽ được cập nhật ngay lên kho dữ liệu dùng chung toàn cầu, (Các trạm KTTV ở Huế cũng vậy). Các Trung Tâm dự báo lớn của Thế giới cũng sử dụng số liệu này để thực hiện dự báo. Các mô hình toán, công nghệ dự báo của thế giới cũng đã được chuyển giao và áp dụng tại Việt Nam nên sự khác biệt giữa dự báo giữa Việt Nam và thế giới ngày càng ít hơn. Tuy nhiên khi bão gần bờ thì với sự quan trắc của rada thời tiết Đông Hà (Quảng Trị), Tam Kỳ (Quảng Nam) thì dự báo Việt Nam sẽ “sát sao” hơn của thế giới.
Về sai số dự báo, do công nghệ của chúng ta đang dần tiệm cận với thế giới nên theo kết quả đánh giá thì sai số dự báo bão/ ATNĐ của chúng ta xấp xỉ với sai số của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Ngày 3/10 hàng năm là ngày truyền thống ngành khí tượng thủy văn. Trong 75 năm xây dựng và phát triển, điều gì khiến ông nhiều ấn tượng nhất?
Trong 75 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, ngành Khí tượng thủy văn đã trải qua biết bao thăng trầm. Tuy nhiên điều khiến tôi ấn tượng nhất chính là ý thức phục vụ cộng đồng của toàn thể cán bộ viên chức. Tinh thần đoàn kết, lòng yêu ngành, yêu nghề, dù được phân công công tác ở vị trí, vùng miền nào, nhưng tất cả họ đều cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thông tin dữ liệu khí tượng thủy văn là cơ sở dữ liệu, “đầu vào” của nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội… Là người trong ngành, ông có thấy áp lực và gánh nặng trọng trách của những người “dõi nắng theo mưa” trước nhận xét này?
Đúng vậy, ngày nay, thông tin dữ liệu khí tượng thủy văn trong công tác phòng chống, phục vụ phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội là hết sức quan trọng, ngày càng được Đảng và Nhà nước quan tâm, đặc biệt là trong những năm gần đây.
Đây cũng là vinh dự của ngành KTTV, nhưng cũng là trách nhiệm vô cùng to lớn với Đảng, Nhà nước và nhân dân, đòi hỏi mỗi con người công tác trong ngành KTTV dù ở bất kỳ vị trí công tác nào đều phải nỗ lực và cố gắng hết mình, không ngừng học tập nâng cao trình độ, tiếp thu những khoa học -công nghệ tiên tiến… để phục vụ cộng đồng ngày càng tốt hơn.
Xin cảm ơn ông!
Linh Tuệ (Thực hiện)