|
Hiện các dòng điện thoại "cục gạch" nghe gọi bán ở các siêu thị điện máy đã được tích hợp 4G |
Lên phương án tắt sóng 2G, 3G
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, sẽ tắt sóng 2G vào tháng 9/2024, để thúc đẩy người dùng điện thoại thông minh (smartphone). Đây là cơ sở quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi số, đưa hoạt động của người dân lên môi trường số. Cục Viễn thông cũng thông tin, các nhà mạng đã cam kết sẽ thực hiện việc khóa các thiết bị chỉ dùng sóng 2G (thiết bị 2G only) từ tháng 12/2023.
Từ tháng 9/2022, Bộ TT&TT đã triển khai kế hoạch tắt sóng 2G trên toàn quốc. Thời gian qua, các nhà mạng viễn thông đã phát triển giải pháp kỹ thuật để có thể loại các thiết bị thuần 2G, 3G ra khỏi mạng. Việc tắt hoàn toàn sóng 2G nhằm tận dụng tài nguyên tần số cho các công nghệ viễn thông hiện đại hơn, phù hợp với mục tiêu phát triển của nhà mạng và quốc gia. Nhờ đó hệ thống mạng 4G sẽ được cải thiện chất lượng, tối ưu chi phí vận hành và khai thác, phục vụ tốt hơn cho người dân.
Với lộ trình triển khai tắt sóng 2G, 3G, tại Thừa Thiên Huế, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đã có nhiều kế hoạch hành động cụ thể. Đại diện MobiFone Thừa Thiên Huế cho hay, những nơi đã có sóng 3G, 4G, MobiFone đã chủ động tắt dần các trạm 2G có thuê bao và lưu lượng thấp để tối ưu công tác vận hành, khai thác mạng lưới và chuẩn bị cho lộ trình dừng hẳn công nghệ 2G. Như ở trung tâm thành phố, sóng 3G, 4G đã phủ 90% - 95%. Riêng khu vực vùng sâu, vùng xa và biển đảo lưu lượng sóng 4G chưa có thì MobiFone vẫn giữ sóng 2G.
Giám đốc VNPT Thừa Thiên Huế Nguyễn Nhật Quang chia sẻ: Các trạm 2G của VNPT vẫn hoạt động bình thường để phục vụ cho hơn 30.000 khách hàng đang sử dụng thiết bị 2G/ tổng số hơn 170.000 khách hàng tại tỉnh và trong số gần 300 trạm đang phát sóng, có khoảng 30% là trạm 2G. “Khi nào Bộ yêu cầu thì chúng tôi sẽ chấp hành việc tắt sóng các trạm 2G”, ông Quang khẳng định.
Viettel - nhà mạng chiếm thị phần viễn thông lớn nhất cũng đang nỗ lực để đưa toàn bộ khách hàng chuyển từ 2G lên 4G. Tại Thừa Thiên Huế, Viettel đã tắt sóng 3G, chỉ còn sóng 2G và 4G. Riêng khu vực thành phố, có 84% khách hàng của Viettel dùng 4G, 16% dùng 2G”, Giám đốc Viettel Thừa Thiên Huế Nguyễn Huy Quang thông tin.
Theo ông Nguyễn Huy Quang, việc tắt sóng 2G, 3G là tất yếu. Khi dừng công nghệ 2G, Viettel vẫn bảo đảm cung cấp các dịch vụ thông tin di động liên tục, không gây gián đoạn; bảo đảm quyền lợi của người sử dụng dịch vụ và tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan.
Bảo đảm quyền lợi khách hàng
Để thực hiện việc tắt sóng 2G/3G đúng lộ trình, tiến tới tắt hoàn toàn mạng 2G vào năm 2024, Bộ TT&TT định hướng các doanh nghiệp di động triển khai các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi thuê bao sang sử dụng mạng di động 4G, 5G. Cục Viễn thông cũng đã lên phương án hỗ trợ chi phí cho nhóm hộ nghèo, cận nghèo chuyển đổi máy điện thoại 2G, 3G lên điện thoại thông minh sử dụng 4G.
Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam lập kinh phí để hỗ trợ việc này, có thể chi phí lên đến 500 ngàn đồng/smartphone với khoảng 400.000 hộ nghèo, cận nghèo thông qua nhà mạng. Các tỉnh có số lượng smartphone thấp sẽ được quan tâm hỗ trợ trước. Các doanh nghiệp trong ngành viễn thông cũng đã có những hành động cụ thể hướng tới việc dừng phủ sóng mạng 2G. Nhà mạng MobiFone triển khai chương trình hỗ trợ giá kèm gói ưu đãi dung lượng (Data) cho khách hàng đang sử dụng điện thoại 2G chuyển sang dùng điện thoại 4G tại hệ thống cửa hàng di động Việt.
Viettel trợ giá 50% cho khách hàng khi mua thiết bị đầu cuối hoặc trợ giá đến 700 ngàn đồng khi nâng cấp điện thoại 4G cho người thân. Nhà mạng này cũng tung ra một số dòng máy 4G với mức giá chỉ từ 290 ngàn đồng. Bên cạnh đó, Viettel đẩy mạnh triển khai thử nghiệm mạng 5G và tiếp tục mở rộng vùng phủ sóng của mạng 4G.
VNPT tích cực triển khai Chương trình Viễn thông công ích đã được Bộ TT&TT hướng dẫn thực hiện, cụ thể là trợ giá điện thoại thông minh 500 ngàn đồng/máy cho các thuê bao thuộc đối tượng theo quy định.
Cùng với giải pháp kỹ thuật và kinh tế, thì giải pháp truyền thông rộng rãi tới người dùng cũng rất quan trọng. Giám đốc Viettel Thừa Thiên Huế cho biết, để người dân chủ động chuyển đổi thiết bị và không gây ảnh hưởng đến thông tin liên lạc khi tắt sóng 2G, các doanh nghiệp viễn thông sẽ chủ động tuyên truyền, hướng dẫn, giải đáp thắc mắc cho người dân.
“Quan trọng nhất là chính quyền, các sở, ngành liên quan cần tích cực đẩy mạng công tác truyền thông về kế hoạch tắt sóng 2G trên toàn quốc. Đồng thời cần có sự chung tay giữa Nhà nước, nhà mạng và doanh nghiệp sản xuất, cung cấp smartphone giá rẻ cho người dân. Đặc biệt, các nhà mạng phải thống nhất thời điểm dừng toàn bộ công nghệ 2G trên toàn quốc và không phát triển thêm thuê bao 2G mới theo chỉ đạo của Bộ TT&TT, ông Nguyễn Huy Quang đề xuất.