Ứng dụng thanh toán học phí không tiền mặt qua VNPT Pay
Nhanh chóng, tiện dụng trong giao dịch
Những năm qua, Chính phủ liên tục đề ra các chủ trương, chính sách nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển của thanh toán điện tử không dùng tiền mặt, hướng tới xây dựng nền kinh tế số, cũng như Chính phủ điện tử.
Mua sắm và thanh toán trực tuyến đang dần trở thành lựa chọn hàng đầu của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng, nhất là sau khi dịch COVID-19 xuất hiện. Trước nhu cầu này, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT tiếp tục đẩy mạnh số hóa kênh mua sắm và thanh toán trực tuyến để vừa mang lại tiện ích cho khách hàng, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh.
Ngày 16/4/2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1000 về việc phê duyệt Đề án Thúc đẩy không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc chuyển đổi từ biên lai thu tiền giấy sang thu tiền online trong các dịch vụ như thanh toán học phí, thu tiền dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt... là việc cấp thiết.
Tại Thừa Thiên Huế, từ năm 2020, VNPT tỉnh đã phối hợp với các trường học trên địa bàn, như THPT Quốc Học, Nguyễn Huệ; THCS Nguyễn Tri Phương, Thống Nhất; tiểu học Thuận Hòa… triển khai dịch vụ thanh toán học phí không tiền mặt qua ví điện tử VNPT Pay. Theo thống kê, đến nay, tỷ lệ người sử dụng đạt trên 50%, riêng Trường THCS Nguyễn Tri Phương đạt gần 100%.
Ông Phan Trung Việt, Phó Giám đốc Phòng Khách hàng Tổ chức Doanh nghiệp của VNPT Thừa Thiên Huế chia sẻ, việc thanh toán qua ví điện tử được nhiều phụ huynh đồng tình sử dụng và đây là sự lựa chọn của mỗi khách hàng. “Bạn có thể chọn chuyển khoản từ ngân hàng, qua VNPT-Pay hay nộp trực tiếp, trong đó, khuyến khích thanh toán không tiền mặt”, ông Việt nói.
Thầy Ngô Đức Thức, Hiệu trưởng Trường THPT Hai Bà Trưng cho biết, nhà trường vừa triển khai dịch vụ thanh toán học phí không tiền mặt trên ứng dụng Hue-S qua VNPT Pay từ năm học 2021-2022.
“Bước đầu, chúng tôi thấy đây là dịch vụ thanh toán trực tuyến tiện lợi, nhanh gọn và tiết kiệm được rất nhiều thời gian, nhất là công khai, minh bạch các giao dịch cũng như dễ dàng quản lý”, thầy Thức bày tỏ.
“Thay vì đến tận trường học để nộp các khoản thu, tôi chỉ cần sử dụng ví điện tử để thanh toán trực tuyến mọi lúc, mọi nơi, không tốn thời gian chờ đợi, đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt, so với dùng tiền mặt thì thanh toán trực tuyến linh hoạt, an toàn và đảm bảo hơn nhiều”, ông Nguyễn Văn Bảo, phụ huynh có con đang học ở Trường Nguyễn Tri Phương nói.
Tạo thói quen không dùng tiền mặt
Là ví điện tử đầu tiên được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, VNPT Pay (do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT cung cấp) góp phần không nhỏ trong quá trình chuyển đổi số thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và tạo thuận lợi cho người dân.
VNPT Pay sẽ được tích hợp trong hệ thống thanh toán điện tử của các cơ sở giáo dục, y tế, hành chính công của các tỉnh, thành, qua đó giúp đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đây cũng là những điểm cộng của VNPT Pay so với các dịch vụ tương đồng trên thị trường, đưa VNPT Pay trở thành công cụ thanh toán ngày càng phổ biến tới người dân.
Theo Giám đốc VNPT Thừa Thiên Huế - ông Nguyễn Nhật Quang, để tạo thói quen thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng VNPT Pay là hệ thống thanh toán với nhiều tính năng, dịch vụ tiện ích độc đáo, được tích hợp vào tất cả các điểm chạm của khách hàng sử dụng dịch vụ của VNPT. Như vậy, ví điện tử VNPT Pay sẵn sàng phục vụ cho gần 30 triệu người dùng của VNPT để thanh toán các hóa đơn, dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin, nạp tiền điện thoại một cách nhanh chóng…
Để khách hàng có thể thực hiện thanh toán tiện lợi nhất, VNPT Pay hiện được liên kết với hơn 30 ngân hàng, đồng thời, tích hợp các giải pháp phần mềm bảo mật, xác thực đạt tiêu chuẩn cao nhất; sở hữu các công nghệ nhận diện khuôn mặt và QR Code để hỗ trợ thanh toán tại các điểm giao dịch tương ứng.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, để thúc đẩy việc không dùng tiền mặt, các đơn vị đang triển khai cần tuyên tuyền, phổ biến sâu rộng tiện ích này đến các hộ gia đình, tổ chức để thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình thay đổi hành vi người tiêu dùng, hướng tới thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh, góp phần vào việc xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Bài, ảnh: Liên Minh