Đề án xác định 15 nhiệm vụ ưu tiên triển khai là: Xây dựng Kiến trúc ICT cho đô thị thông minh (ĐTTM); Xây dựng hạ tầng nền tảng phát triển dịch vụ đô thị thông minh; Phát triển hạ tầng xã hội phát triển dịch vụ đô thị thông minh; Thực hiện việc chuyển đổi số; Liên kết, liên thông các hệ thống thông tin; Xây dựng mô hình trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh; Xây dựng hệ sinh thái y tế thông minh; dựng hệ sinh thái giáo dục thông minh; Xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh; Phát triển các dịch vụ giao thông thông minh; Phát triển các dịch vụ môi trường thông minh; Phát triển kinh tế số...
Qua các nhiệm vụ ưu tiên và nội dung triển khai của Đề án chúng ta có thể thấy không thể thiếu vai trò quan trọng của các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Bởi vì, việc xây dựng, phát triển dịch vụ đô thị thông minh là vấn đề không đơn giản. Mỗi đô thị phải đối mặt với những thách thức riêng và đòi hỏi phải kết hợp nhiều giải pháp.
Hiện, Việt Nam là thành viên chính thức của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO). Hàng năm, chúng ta có quyền và có trách nhiệm tham gia tích cực vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn quốc tế để sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam có thể vươn ra thị trường thế giới mạnh mẽ hơn. Đồng thời, Việt Nam cũng chấp thuận và áp dụng nhiều tiêu chuẩn của ISO nhằm đảm bảo khả năng tương thích và khả năng tương tác, cho phép tích hợp các cấu trúc hoặc giải pháp từ các nhà cung cấp khác nhau trong quá trình đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay.
Liên quan đến ĐTTM, Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế đến nay đã ban hành nhiều tiêu chuẩn liên quan đến việc vận hành đô thị thông minh, điển hình như ISO 17742, ISO 27001, ISO 37120, ISO/TR37121, ISO 37151, ISO 37152, ISO 39001, ISO 45001, ISO 50001... Nội dung các tiêu chuẩn này tập trung vào việc xác định tiêu chí, định hình phát triển bền vững đô thị thông minh.
Về năng lượng, các tiêu chuẩn quốc tế đóng vai trò quan trọng giúp các đô thị xây dựng và thực hiện chiến lược về hiệu quả năng lượng và theo dõi thành quả đạt được với hơn 200 tiêu chuẩn liên quan. Về giao thông đô thị, các tiêu chuẩn ISO rất cần để phát triển các công nghệ mới cho giao thông như các tiêu chuẩn hỗ trợ hệ thống giao thông thông minh (xe hybrid và xe điện, các trạm xe hydro).
Về nước, tiêu chuẩn ISO bao trùm mọi khía cạnh liên quan đến sử dụng nước và thể hiện sự đồng thuận của quốc tế về phương thức quản lý nước hiệu quả. Về kết nối đô thị, tiêu chuẩn ISO/IEC 27001 và ISO/IEC 27002 về hệ thống quản lý bảo mật thông tin giúp giải quyết vấn đề về bảo mật và quyền riêng tư, trong khi ISO/IEC 38500 về quản trị CNTT cho doanh nghiệp cung cấp khuôn khổ ứng dụng CNTT hiệu quả và được sự đồng thuận của các tổ chức....
Về cơ sở hạ tầng, các tiêu chuẩn ISO hỗ trợ ngành xây dựng bằng các hướng dẫn và thông số kỹ thuậtbao gồm loại hình và hiện trạng đất nơi xây dựng các tòa nhà, các tiêu chuẩn về vật liệu xây dựng, thiết kế, kết nối, hiệu suất năng lượng, chống biến đổi khí hậu và thiên tai...
Về sức khỏe và hạnh phúc của người dân: ISO có hơn 1.300 tiêu chuẩn và các tài liệu được chuẩn hóa về tất cả các khía cạnh sức khỏe và hạnh phúc, trong đó, một số tiêu chuẩn giúp các đô thị đảm bảo khả năng tiếp cận và chất lượng sống tốt cho dân số đang ngày càng già hóa.
Qua các nội dung trên, có thể thấy phần nào tiêu chuẩn ISO đã cung cấp cho các đô thị một khuôn khổ chung để xác định thế nào là ĐTTM và làm thế nào để đạt được mục tiêu này.
Một trong những giải pháp quan trọng để triển khai Đề án “Phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 định hướng đến năm 2025” là nhóm giải pháp về công nghệ và tiêu chuẩn với các nội dung: xây dựng tiêu chuẩn kết nối liên thông dịch vụ ĐTTM, phát triển tiêu chuẩn mở để chia sẻ dữ liệu, tăng cường nghiên cứu, hợp tác quốc tế trong phát triển công nghệ và tiêu chuẩn… Nhóm giải pháp này rất cần được các sở, ban, ngành, các địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan quan tâm và tuân thủ thực hiện; có như vậy mới đảm bảo tính tương thích, thống nhất, đồng bộ và hiệu quả trong quá trình triển khai Đề án.
Trần Quốc Thắng
(Sở Khoa học và Công nghệ)