Thu gom, vận chuyển rác ở Phú Vang được xã hội hóa, đảm bảo sạch đẹp
100% xã, thị trấn có tổ thu gom rác
Quá trình đô thị hóa, các khu dân cư tập trung, khu thương mại, chợ, các làng nghề thủ công, tiểu thủ công nghiệp hình thành, phát triển mạnh trên địa bàn huyện Phú Vang, là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường.
Dù đã thực hiện đề án “Thu gom vận chuyển và xử lý chất thải rắn (gọi tắt là rác) giai đoạn 2011-2015” nhưng tỷ lệ rác được thu gom, xử lý trên địa bàn huyện chỉ đạt 58% trên tổng lượng rác phát sinh.
Trước thực trạng đó, huyện xây dựng đề án “Nâng cao hiệu quả thu gom xử lý rác giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến 2025”, chỉ ra những bất cập để khắc phục, phát huy ưu điểm từ đề án trước, đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ mới để đáp ứng nhu cầu hiện tại.
Sau hơn 2 năm thực hiện, các điểm rác tồn lưu “nóng” như: Khu vực bãi rác thôn Diên Đại (xã Phú Xuân), trạm trung chuyển thôn Dưỡng Mong (xã Phú Mỹ), khu vực chợ trung tâm thị trấn Phú Đa, khu vực bến Lội (xã Vinh Thanh), trạm trung chuyển Thanh Lam (xã Vinh Thái) đã được xử lý dứt điểm.
Các điểm “nóng” ô nhiễm trên địa bàn thị trấn Thuận An cũng đã được “xóa sổ”, như bãi rác sát bờ biển ở thôn Hải Tiến, khu vực chợ Tân Mỹ, cầu Diên Trường... Rác trên đoạn đường khu vực cầu Trường Hà, trong rừng dương ven biển Vinh Thanh cũng được “xóa”.
Ngoài giải quyết dứt điểm các điểm “nóng” về rác thải tồn dư, rác vãng lai như nêu trên, đến nay tỷ lệ thu gom vận chuyển xử lý rác theo quy trình trên toàn huyện đạt 72%; trong đó, các xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt trên 85%. Riêng thị trấn Thuận An đạt trên 90%. Trước đây, tỷ lệ các hộ dân trên toàn huyện tham gia chỉ trên 55%, nay là 80%. Riêng xã Phú Hải, người dân tham gia đạt trên 90%. 17/20 xã, thị trấn đạt 100% thôn nào cũng có tổ thu gom rác (3 xã còn lại, mỗi xã còn có 1 thôn chưa có tổ thu gom).
Tăng cường xã hội hóa
Ông Nguyễn Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang thông tin, ngoài những điểm còn hạn chế như xây dựng tuyến thu gom thiếu khoa học, thiết bị thu gom chưa đồng bộ, vận chuyển từ trạm trung chuyển đến bãi rác của tỉnh chưa kịp thời, một số địa bàn rộng, dân cư thưa thớt nên tần suất thu gom thấp, kinh phí từ ngân sách không đủ, nhận thức, ý thức người dân chưa cao là nguyên nhân dẫn đến tình trạng xả rác bừa bãi, tràn lan, gây ô nhiễm.
Theo ông Chính, Phú Vang tiếp tục “khơi thông” nhận thức của người dân và làm tốt công tác xã hội hóa trong lĩnh vực này. Mỗi khi nhận thức của người dân đã “thông”, việc “mở hầu bao” đóng góp, chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác sẽ “trơn tru”.
Do đó, công tác tuyên truyền, vận động thông qua các chuyên mục, phóng sự trên hệ thống truyền thanh từ huyện đến xã, thị trấn; thông qua hệ thống pa nô, áp phích… về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, bảo vệ môi trường, đặc biệt là khu vực đầm phá ven biển thường xuyên và rộng rãi.
Đảm bảo về môi trường là một tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, vận động của cấp xã, thôn “đi vào” từng ngõ, từng hộ, nên nhận thức của đa số người dân đã thay đổi tích cực, ủng hộ đóng góp, để “tống khứ” rác thải, xây dựng môi trường sạch, đẹp.
Chính quyền các cấp trên địa bàn huyện đã tạo chủ động trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, bằng cách hợp đồng với một công ty vệ sinh môi trường tư nhân, với những cam kết giảm về giá và kịp thời, linh hoạt trong thu gom, vận chuyển.
Tính kịp thời, linh hoạt đó, là một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình “đẩy lùi” rác thải, làm sạch môi trường trên địa bàn huyện thời gian qua.
Khi đã chi tiền, chỉ cần đưa rác ra ngay đầu ngõ, để tổ thu gom đưa đến trạm trung chuyển, người dân không còn mang rác vứt ra các rừng dương ven biển, các điểm công cộng gây ra rác tồn cư, vãng lai. Rác thải lưu tại trạm trung chuyển không quá 48 giờ; tần suất thu gom 3-4 lần/tuần; thời gian thu gom, vận chuyển rác được thực hiện vào buổi chiều tối hoặc sáng sớm trước giờ cao điểm.
Theo hiến kế của người dân, xã hội hóa lắp đặt camera giám sát để hạn chế các hành vi vi phạm, trong đó có hành vi xả rác bừa bãi; đồng thời, tăng cường phân loại, tái chế chất thải rắn, xây dựng và áp dụng các chính sách ưu đãi cho hoạt động tái chế, giáo dục quan điểm nhìn nhận chất thải như nguồn tài nguyên nhằm khuyến khích sản xuất phân bón vi sinh và các sản phẩm sạch hơn từ chất thải rắn sinh hoạt”- ông Nguyễn Văn Chính cho biết.
Bài, ảnh: Quỳnh Anh