Ứng dụng công nghệ sẽ rút ngắn khoảng cách địa lý
Hợp xu hướng
Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nhu cầu mua sắm online tăng cao. Không riêng thị trường trong nước, thị trường nước ngoài cũng có xu hướng chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ lệ mua sắm online. Có thể lấy thị trường Hoa Kỳ làm ví dụ, nếu như năm 2019, doanh số bán hàng trên TMĐT tại Mỹ chỉ ở mức 598 tỷ đô la thì năm 2020 con số này đạt 861 tỷ đô la, dự kiến con số này sẽ tăng thêm từ 40 đến 60% trong năm 2021. Và người mua hàng trực tuyến đang ngày càng có xu hướng tìm và mua các sản phẩm từ bên ngoài biên giới.
Theo báo cáo gần đây của Nielsen (một công ty chuyên nghiên cứu và quảng bá toàn cầu), tỷ lệ mua sắm xuyên biên giới trên toàn thế giới hiện đang nằm ở mức 57%. Điều này có nghĩa, hơn một nửa số hàng hóa mua trực tuyến hiện nay đến từ nước ngoài. Trong đó, người dân châu Âu và châu Á đang dẫn đầu xu thế này, với tỷ lệ lần lượt là 63,4% và 57,9%.
Tại Thừa Thiên Huế, thông qua các kênh TMĐT như Amazon, Alibaba, Google… nhiều hàng hóa “made in Vietnam” “made in Huế” đã đến gần hơn với khách hàng quốc tế.
Ông Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh chia sẻ, việc đăng bán trực tiếp trên trang TMĐT quốc tế hay thuê một đơn vị trung gian thực hiện nhiệm vụ này là một trong những cách thức nhanh chóng để kết nối sản phẩm với khách hàng, mở rộng thị trường và gia tăng doanh thu xuất khẩu. Hình thức này vừa cắt giảm tối đa chi phí trung gian, chi phí vận hành, vừa phân phối sản phẩm đến người dùng cuối tại nhiều thị trường tiềm năng.
Đây cũng là cơ hội để các DN vừa và nhỏ tham gia “sân chơi lớn” trong thế giới phẳng, tiến vào các thị trường lớn như Bắc Mỹ, Nhật Bản, châu Âu... nơi tồn tại rất nhiều rào cản và tốn nhiều chi phí nếu giao thương theo cách truyền thống.
Doanh nghiệp đang dần tiếp cận kinh doanh qua thương mại điện tử
Hiểu để chiến thắng
Câu chuyện đưa sản phẩm gia vị bún bò Huế xuất ngoại của CEO YesHue, Lê Thị Kim Hằng là một ví dụ. Sau khi đạt giải tại Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, DN vẫn loay hoay với việc tìm kiếm thị trường, khách hàng trong nước. Tuy nhiên, việc tìm kiếm khách hàng tại thị trường trong nước hoàn toàn không hề dễ dàng như trong suy nghĩ ban đầu của CEO này.
Bước ngoặt chỉ bắt đầu vào năm 2019, khi Kim Hằng được tham gia xúc tiến thương mại tại Hoa Kỳ. Sau đó, Hằng có một thời gian nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm và các thủ tục liên quan và thông qua nhà phân phối Anna Gourmet LLC đưa các sản phẩm của YesHue quảng bá thương hiệu tại thị trường Mỹ; tiếp cận với các thị trường như Úc, Canada thông qua các nền tảng TMĐT.
“Việc bán hàng trên các trang TMĐT quốc tế là cách tiếp cận khách hàng khá thuận lợi. Bởi dù khách hàng ở bất kỳ đâu cũng có thể mua được sản phẩm của YesHue mà không cần phải đi đến các điểm bán như siêu thị, chợ” Kim Hằng chia sẻ.
Theo Kim Hằng, mỗi quốc gia sẽ có 1 tiêu chuẩn, quy chuẩn rất riêng nhưng chung quy vẫn quản lý rất nghiêm về chất lượng sản phẩm khi nhập vào thị trường. Vì thế, DN khi có ý định “xuất khẩu” trên kênh TMĐT phải chú trọng đến các quy chuẩn chất lượng sản phẩm và các giấy tờ đi kèm. Với YesHue, tất cả các sản phẩm đều tuân thủ một quy trình sản xuất nghiêm ngặt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đạt tiêu chuẩn ISO 22000:2005. Đồng thời, YesHue cũng vượt qua được sự kiểm soát nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn FDA (quy định của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) và các nước Nhật, Úc, châu Âu… Ngoài ra, mẫu mã sản phẩm cũng cần được đầu tư với các thông số rõ ràng dễ dàng truy xuất hơn, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm.
Ông Hoàng Giang Nam, Giám đốc Quản lý Quan hệ Đối tác Chiến lược Amazon Global Selling Việt Nam cho rằng, để khai thác được các sàn TMĐT xuyên biên giới, DN cần đầu tư nguồn lực để thay đổi, ứng dụng các giải pháp công nghệ số, nâng cao năng lực bán hàng. Amazon Global Selling Việt Nam đã tham gia xây dựng gói hỗ trợ Go Digital - Go Global nhằm hỗ trợ các DN, đặc biệt DN nhỏ và vừa xuất khẩu thuận lợi hơn nhờ ứng dụng các công cụ số, nền tảng số.
So với các phương thức xuất khẩu truyền thống cần qua nhiều trung gian nhập khẩu và phân phối, việc xuất khẩu qua Amazon đem lại nhiều lợi ích cho DN. Tuy nhiên, từng bước trong chuỗi quy trình đưa sản phẩm từ Việt Nam sang kho hàng của Amazon: từ thủ tục, làm giấy tờ sản phẩm, vận chuyển… đều đòi hỏi DN chuẩn bị kỹ lưỡng và cần hợp tác với các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ.
Theo kinh nghiệm của một số DN tham gia bán hàng trên các trang TMĐT quốc tế, DN cần tìm đến các đơn vị tư vấn hỗ trợ thực hiện các giai đoạn đầu khi tham gia xúc tiến. Điều này sẽ giảm bớt những khó khăn hay phá bỏ tâm lý “thấy khó rút lui” của nhiều DN.
“Hiện, tỉnh đang có rất nhiều chính sách đẩy mạnh xúc tiến thương mại xuyên biên giới thông qua TMĐT. Trong đó, chương trình hỗ trợ 100 DN chuyển đổi số trong 100 ngày đã và đang tổ chức nhiều chương trình đào tạo cho các DN kinh doanh trên các sàn TMĐT nói chung và xuất khẩu sản phẩm qua Amazon, Alibaba, Google, Facebook nói riêng. Vì thế, DN cần mạnh dạn hơn trong tiếp cận các chính sách này, đây sẽ là cơ hội tiếp cận với các đối tác chiến lược hỗ trợ đưa các sản phẩm “made in Huế” vươn xa”, ông Cung Trọng Cường chia sẻ.
Bài, ảnh: Hoàng Loan