ClockThứ Ba, 04/07/2017 05:46

Khởi nghiệp từ… đất sét

TTH - Đó là ý tưởng khởi nghiệp độc đáo của nhóm sinh viên Nguyễn Thị Hằng, Kim Thị Thu Hiền, Thái Thị Nhật Linh và Hồ Thị Phúc, lớp Công nghệ rau hoa quả và cảnh quan, Khoa Nông học, Trường đại học Nông Lâm Huế.

Nguyễn Thị Hằng (giữa) cùng hai thành viên trong nhóm nghiên cứu (đứng hàng đầu) nhận giải Nhì tại Cuộc thi Khởi nghiệp từ nông nghiệp 2017 do Trường đại học Nông Lâm Huế tổ chức

Đáp ứng nhu cầu

Nguyễn Thị Hằng, Trưởng nhóm nghiên cứu Dự án khởi nghiệp Sản xuất viên giá thể đất sét nung cho biết, giá thể là một bộ phận quan trọng trong việc trồng cây. Các giá thể hữu cơ, như mụn dừa, trấu hun, sợi gỗ… thường được sử dụng nhưng nhược điểm là sau một thời gian thường bị thay đổi về các mặt hóa, lý, sinh tính rất nhanh, từ đó gây ảnh hưởng tới sự phát triển bộ rễ và quá trình sinh trưởng của cây trồng. Viên giá thể đất sét nung có nhiều ưu điểm hơn các loại giá thể thông thường ở chỗ, nó có khả năng chứa nước và dinh dưỡng cao, chống ngập úng, thoáng khí và luôn duy trì độ xốp ổn định, không phát sinh các loại khí độc, chất độc gây hại bộ rễ cây trồng, không hấp thụ oxy nên không cạnh tranh oxy với rễ cây trồng. Loại giá thể này cũng có pH trung tính và luôn duy trì ở mức độ ổn định, không chứa và phát sinh các loại côn trùng, nấm và vi khuẩn gây ảnh hưởng tới bộ rễ cây trồng.

Do công nghệ sản xuất viên đất sét nung khá phức tạp nên hiện nay Việt Nam vẫn chưa sản xuất được mà phải nhập từ một số nước, như Nhật Bản, Anh, Úc với giá thành rất cao (45 nghìn/kg). “Mức giá quá cao nên phần lớn các trang trại và người dân khó có thể tiến cận được. Bên cạnh đó, viên đất sét nung nhập khẩu chỉ có một kích cỡ nhất định (khoảng 2 cm) nên khó có thể phù hợp cho nhiều loại cây. Trước xu thế phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhu cầu sử dụng viên giá thể đất sét nung tại nước ta có chiều hướng gia tăng. Nhu cầu cấp thiết là nghiên cứu ra những công nghệ đơn giản hơn nhằm tự sản xuất viên giá thể đất sét nung cung cấp cho thị trường trong nước”. Hằng cho hay.

Qua một thời gian nghiên cứu, nhóm của Hằng tìm ra phương pháp phối trộn một số vật liệu có sẵn tại Việt Nam, như mùn cưa, trấu hun, cám gạo... với một tỷ lệ nhất định vào đất sét. Sau khi nung, các vật liệu này bị hóa hơi và để lại rất nhiều khe hở tạo độ xốp trong đất sét. “Đây là phương pháp đơn giản, có giá thành thấp, có thể áp dụng để sản xuất viên giá thể đất sét nung. Qua tính toán cho thấy, viên giá thể đất sét nung do nhóm em sản xuất có đặc tính không thua hàng nhập khẩu mà giá thành chỉ bằng 1/5 (8 - 10 nghìn/kg). Không chỉ giá thành rẻ, viên giá thể của nhóm em sản xuất có nhiều kích cỡ, hình dạng khác nhau nên hoàn toàn có thể cạnh tranh được với các sản phẩm nhập ngoại”, Kim Thị Thu Hiền, một thành viên trong nhóm nói.

Thị trường tiềm năng       

Sau khi đã hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất viên giá thể đất sét nung và có sản phẩm mẫu cùng mô hình trình diễn nghiên cứu hoàn thiện, nhóm nghiên cứu của Hằng đang hướng đến mục tiêu sản xuất đại trà và tiến hành các phương pháp quảng bá, tiếp thị để phân phối sản phẩm viên giá thể đất sét nung đến thị trường cả nước. Đối tượng khách hàng hướng tới của dự án là các trang trại trồng trọt công nghệ cao và các hộ gia đình.

“Tại các trang trại nông nghiệp công nghệ cao áp dụng mô hình tưới nhỏ giọt và trồng cây trong túi giá thể, viên giá thể đất sét nung là thành phần quan trọng không thể thiếu. Chúng được sử dụng để trộn với các loại giá thể khác với tỷ lệ khoảng 1/5 nhằm tạo và duy trì độ xốp, chống ngập úng cho cây. Đây được xem là thị trường tiềm năng nhất.

Ở các hộ gia đình có trồng hoa, cây cảnh, rau, việc trộn một tỷ lệ nhất định viên giá thể đất sét nung vào đất hoặc vào giá thể trước khi trồng sẽ giúp cho đất luôn tơi xốp, thông thoáng, chống ngập úng và các hiện tượng gây nghẹt rễ, từ đó cây trồng sẽ phát triển nhanh hơn. Nhóm cũng nhắm một thị trường tiềm năng nữa là các trang trại hoặc hộ gia đình trồng phong lan. Việc sử dụng loại giá thể này sẽ giúp giữ nước và phân bón lâu hơn cho cây lan, tăng nhanh khả năng phát triển và giảm thời gian chăm sóc. Khách hàng sẽ quan tâm đến sản phẩm này”, một thành viên trong nhóm hào hứng.

Trong giai đoạn đầu, chưa có nhiều người biết đến sản phẩm viên giá thể đất sét nung nên nhóm của Hằng dự định sẽ mang sản phẩm đi ký gửi tại các cửa hàng bán vật dụng nông nghiệp, cửa hàng bán cá cảnh, thủy sinh... nhằm vừa bán hàng tạo nguồn thu giai đoạn đầu, vừa thăm dò thị trường và để thị trường từ từ làm quen với sản phẩm. Kế hoạch tiếp theo là xây dựng hệ thống đại lý trên cả nước. Đây sẽ là kênh bán hàng chính của dự án và thành lập website để giới thiệu sản phẩm, hướng dẫn kỹ thuật, chăm sóc khách hàng đồng thời cũng là kênh bán hàng online.

Với xu hướng sử dụng giá thể sạch và thân thiện với môi trường, nhu cầu sử dụng viên giá thể đất sét nung đang ngày càng tăng. Việc chủ động sản xuất loại giá thể này bằng nguyên liệu và công nghệ trong nước không những giảm được giá thành, chủ động nguồn cung mà còn tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp công nghệ cao trong nước phát triển.

Ngọc Hà

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội khởi nghiệp cho thanh niên vùng cao

Trong hành trình thoát nghèo và làm giàu bền vững, nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đã trở thành đòn bẩy quan trọng giúp nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn huyện A Lưới vươn lên phát triển kinh tế. Với sự hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là huyện đoàn, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả đã ra đời, mang lại sinh kế ổn định cho ĐVTN.

Cơ hội khởi nghiệp cho thanh niên vùng cao
Khởi nghiệp trên đất biên cương

Từng bôn ba vài năm ở TP. Hồ Chí Minh để lập nghiệp, nhưng Hồ Viết Ái Duy (27 tuổi) đã quyết định trở về khởi nghiệp trên chính mảnh đất biên giới A Lưới quê hương, với mô hình nuôi heo hữu cơ.

Khởi nghiệp trên đất biên cương
“Quả ngọt” từ trảng cát

Với tư duy làm nông nghiệp kiểu mới và đôi bàn tay cần cù, chịu khó, ông Phan Lai Đức, hội viên Hội Người cao tuổi tại xã Quảng Vinh (huyện Quảng Điền) đã biến vùng cát trắng thành trang trại trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ với doanh thu tiền tỷ.

“Quả ngọt” từ trảng cát
Return to top