ClockThứ Hai, 28/02/2022 14:21

“Chất xúc tác” cho khởi nghiệp

TTH - Gần đây, Thừa Thiên Huế được xem là vùng đất gắn liền với nhiều dấu ấn đổi mới, trong đó có hoạt động khởi nghiệp. Tuy vậy, cộng đồng khởi nghiệp nơi đây vẫn trăn trở cần thêm những “chất xúc tác” để bồi đắp khát vọng khai thác thế mạnh của vùng đất được mệnh danh “chẳng nơi nào có được”.

Đại dịch COVID-19 như phép thử cho hoạt động khởi nghiệpƯơm mầm khởi nghiệp5 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc được vinh danh

Sản phẩm khởi nghiệp được trưng bày tại các hội nghị, triển lãm

Khẳng định bước đầu

Từ năm 2016, khi Chính phủ phát đi thông điệp: “Hãy biến Việt Nam thành một quốc gia khởi nghiệp”, Thừa Thiên Huế đón luồng không khí mới, nhiều cá nhân, tổ chức, người trẻ… quan tâm. Từ đó đến nay, tuy thời gian không dài nhưng đã có hàng trăm ý tưởng, dự án (DA) khởi nghiệp trên các lĩnh vực đã khởi động. Trong số này có hơn 40 ý tưởng, DA đầy tiềm năng và nhiều DA tham gia đạt giải cuộc thi khởi nghiệp cấp vùng, quốc gia... đã, đang thương mại hóa được sản phẩm đưa ra thị trường thế giới, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đơn cử, như DA “Gia vị bún bò và các sản phẩm khai thác giá trị tài sản trí tuệ thương hiệu bún bò Huế” của YesHue hiện nay đã có mặt ở hầu khắp các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước, nhất là hệ thống các siêu thị, quán ăn đặc sản… Và đặc biệt, DA đã thành công trong việc đưa các sản phẩm đến thị trường Úc, Canada, Anh, Hoa Kỳ… góp phần quảng bá văn hóa ẩm thực Huế, thương hiệu Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Một chuyên gia khởi nghiệp quốc gia nhận định, thành công bước đầu trong hoạt động khởi nghiệp ở Thừa Thiên Huế là có lợi thế về hệ sinh thái khởi nghiệp đầy tiềm năng ít nơi nào có được. Đây là vùng đất giàu bản sắc văn hóa du lịch, ẩm thực, cảnh quan thiên nhiên và đầm phá, rừng biển... để các bạn có ý tưởng không chỉ khởi nghiệp phát triển lợi ích kinh tế, mà còn góp phần bảo tồn giá trị lịch sử - văn hóa - thiên nhiên vùng đất này.

Theo TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ, năm 2021, Thừa Thiên Huế là một trong 3 địa phương trong toàn quốc vinh dự đón danh hiệu “Địa phương tiêu biểu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI (nguyên Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) phối hợp bình chọn đã nói lên nhiều điều. Để tiếp tục xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương bền vững rất cần sự quan tâm nhiều hơn của các cấp chính quyền về hoạt động khởi nghiệp từ nuôi dưỡng ý tưởng đến tiềm năng thương mại hóa sản phẩm.

Ông Nguyễn Đình Lam, Thủy Phương, Hương Thủy khởi nghiệp theo mô hình trồng mai nghệ thuật bonsai

Cần thêm “chất xúc tác”

Hiện, cộng đồng khởi nghiệp ở Thừa Thiên Huế có số lượng khá lớn, nhưng thành viên chính thức tại Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) tỉnh chỉ khoảng 150 hội viên. Trong đó, có khoảng 1/3 đang nỗ lực vun đắp ý tưởng, DA khởi nghiệp để định hình sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường. Điều này đặt ra dấu hỏi về sự gắn kết, tính kết nối để gia tăng sức mạnh cho cộng đồng, sản phẩm khởi nghiệp địa phương.

TS. Cung Trọng Cường, Giám đốc Trung tâm KNĐMST tỉnh chia sẻ, khởi nghiệp hiểu nôm na là “khởi sự kinh doanh”, dù ý tưởng khởi nghiệp đó được bắt đầu ở lĩnh vực kinh doanh nào. Thừa Thiên Huế giàu tiềm năng, nhiều thương hiệu ở đây đã vươn ra thị trường thế giới, nhưng cộng đồng khởi nghiệp địa phương vẫn chưa khai thác được nhiều từ hình ảnh, giá trị của thương hiệu đó.

“Trong khởi nghiệp không nên chủ quan và chóng chán. Quan trọng là chọn thời điểm, khai thác những cái mới, tạo sự kết nối các nguồn lực. Hiện, Trung tâm KNĐMST tỉnh đang tạo cầu nối, đồng hành giúp các ý tưởng, DA khắc phục những khó khăn và nắm bắt những yếu tố tạo cơ hội thành công” - TS. Cường cho hay.

Sản phẩm khởi nghiệp được trưng bày giới thiệu khách hàng tại các hội nghị, triển lãm

Trao đổi với nhiều ý tưởng, DA khởi nghiệp tiềm năng ở địa phương, hiện nguồn vốn đầu tư cũng là vấn đề trăn trở bởi qua hơn hai năm vật lộn với đại dịch COVID-19 quá phức tạp. Chị Hồ Nhật Phương, Giám đốc Công ty TNHH SBC Hoàng Gia, chủ DA khởi nghiệp “Phát triển và đa dạng sản phẩm sâm Bố Chính gắn với làng nghề - văn hóa - du lịch Thừa Thiên Huế” chia sẻ, do thích ứng trong hoàn cảnh mới, đơn vị đang gặp khó khăn về vốn để đa dạng hóa sản phẩm mở rộng thị trường. Thời điểm này rất cần những chính sách hỗ trợ tạo lực đẩy để đơn vị vượt qua khó khăn được duy trì phát triển.

Theo một đơn vị khởi nghiệp về sản xuất chế biến sản phẩm thảo dược thiên nhiên ở TP. Huế, khởi nghiệp thì phải chấp nhận có nợ. Nợ là động lực để vươn lên. Nhưng nguồn vay ở kênh ngân hàng cũng đã hết giới hạn nên rất cần thêm những kênh mới hỗ trợ vay vốn dành riêng cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

Tại các hội nghị, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp gần đây do Trung tâm KNĐMST tỉnh phối hợp tổ chức cho thấy, ý tưởng khởi nghiệp độc đáo của người trẻ Huế không thiếu, nhưng hiện tại đang thiếu một không gian lớn để hội tụ sản phẩm khởi nghiệp, làm điểm nhấn để kéo khách đến vừa giúp tạo đầu ra bền vững cho nhiều sản phẩm khởi nghiệp. Nhiều ý kiến đề xuất, trong năm 2022 lãnh đạo tỉnh cần tiếp tục quan tâm đẩy mạnh cơ chế chính sách khởi nghiệp sáng tạo về kinh tế tuần hoàn, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế hợp tác công tư, cũng như tranh thủ xúc tiến đầu tư, hỗ trợ cho ý tưởng, DA khởi nghiệp từ các tập đoàn lớn...

Bài, ảnh: MINH VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội khởi nghiệp cho thanh niên vùng cao

Trong hành trình thoát nghèo và làm giàu bền vững, nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đã trở thành đòn bẩy quan trọng giúp nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn huyện A Lưới vươn lên phát triển kinh tế. Với sự hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là huyện đoàn, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả đã ra đời, mang lại sinh kế ổn định cho ĐVTN.

Cơ hội khởi nghiệp cho thanh niên vùng cao

TIN MỚI

Return to top