Khởi nghiệp với phế phẩm vỏ đậu phụng
Trong một thông điệp truyền cảm hứng cho sinh viên Đại học Huế, ông Nguyễn Văn Trúc, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ (Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ) đã khích lệ: Thừa Thiên Huế nói riêng, miền Trung nói chung có rất nhiều trường đại học, cũng là khu vực có nền kinh tế rất gần gũi với nông nghiệp, nhưng lại tiếc khi chưa có nhiều ý tưởng KNĐMST trong sinh viên biến những phế phẩm về nông nghiệp thành thứ sinh ra tiền. Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ rất cụ thể, nhưng phần còn lại là của chính mỗi sinh viên, đoàn viên thanh niên. Chính các bạn phải có nhu cầu khởi nghiệp và phải hành động, nếu không thì KNĐMST không có kết quả. Mỗi địa phương đều có thế mạnh riêng. Quan trọng là, mỗi người phải tự nhìn ra lợi thế cạnh tranh nơi vùng, miền mình đang sống và bám sát các giá trị văn hóa tinh thần bản địa để phát triển sản phẩm. Hãy tự tin bắt đầu từ cái nhỏ vì chính sự khác biệt mới tạo nên giá trị KNĐMST.
Các chuyên gia cố vấn KNĐMST đã đúng khi đánh giá Thừa Thiên Huế có thế mạnh về tri thức và các nguồn lực bản địa để người trẻ tìm cơ hội khởi nghiệp. Đó cũng là lý do tại sao các ý tưởng/dự án KNĐMST của Thừa Thiên Huế trong khoảng 4 năm trở lại đây đã khai thác được thế mạnh về truyền thống văn hóa Huế và các sản phẩm đặc sản. Nhiều dự án khởi nghiệp được đánh giá cao qua các cuộc thi và đang có sức sống tốt trên thị trường, như: YesHue, dầu tràm Huế, sen Huế, vỏ đậu vi sinh, Mộc Truly’s Huế, giày Xưa… Điều đó cũng cho thấy, hệ sinh thái KNĐMST của Thừa Thiên Huế đánh dấu bước phát triển với sự ra đời của nhiều vườn ươm trong các trường đại học, cao đẳng, trung tâm khởi nghiệp, câu lạc bộ khởi nghiệp, cùng các hoạt động kết nối… Trong đó, đáng kể nhất là sự thay đổi về mặt tư duy trong cả cộng đồng đối với các hoạt động khởi nghiệp. Thay vì mong muốn con cái bắt đầu sự nghiệp bằng công việc viên chức Nhà nước ổn định, nhiều gia đình tạo điều kiện cho quyết định thử sức KNĐMST của con em. Nhiều thanh nhiên, sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường cũng đã chọn cho mình con đường không bằng phẳng là KNĐMST.
Thừa Thiên Huế đã xác định xây dựng hệ sinh thái KNĐMST là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội để địa phương không bị tụt hậu. Ông Lý Đình Quân, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn gợi ý, Thừa Thiên Huế nên xây dựng một hệ sinh thái tạo ra được chuỗi giá trị. Theo ông Quân, ngay cả những địa phương đã có được hệ sinh thái KNĐMST phát triển vẫn có những rào cản phát sinh từ tư duy về chuỗi giá trị chưa hoàn thiện. Chỉ cần khơi thông tư duy về chuỗi giá trị, thì mọi câu chuyện liên quan đến KNĐMST sẽ thay đổi rất nhanh.
“Với nền kinh tế bản địa cộng với hệ sinh thái KNĐMST hiệu quả, Thừa Thiên Huế có thể tạo ra hàng trăm mô hình kinh doanh mới và bất cứ người trẻ nào cũng có thể tham gia. Thừa Thiên Huế hãy hướng đến một hệ sinh thái KNĐMST hiệu quả tạo ra được chuỗi giá trị. Chuỗi giá trị đó có thể khuyến khích được các bạn trẻ thực hiện ước mơ của họ bằng những mô hình sáng tạo trên con đường khởi nghiệp. Từ đó, giúp họ phát triển các ý tưởng/dự án khởi nghiệp thành những mô hình kinh doanh cụ thể. Khi các mô hình kinh doanh đã được tối ưu hóa, chính là lúc các bạn trẻ có thể gọi vốn cho dự án khởi nghiệp”, ông Quân nói.
Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN