Ý tưởng khởi nghiệp là nhiều, nhưng cụ thể hóa lại gặp khó, vì thế để khởi nghiệp cần có sự hỗ trợ
Khó ở vốn
Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của Huế. Để cụ thể hóa mục tiêu phát triển cần có nhiều doanh nghiệp (DN), với những ý tưởng hay và sản phẩm mới. Tuy nhiên, nhiều năm qua, việc khởi nghiệp trong ngành du lịch rất hạn chế, số lượng DN thành lập mới chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Theo thống kê của Sở Du lịch, trong 2 năm trở lại, chỉ có 1 DN ở lĩnh vực lữ hành đăng ký kinh doanh; riêng trong 7 tháng đầu năm 2018, chưa có hồ sơ đăng ký mới nào, dù khởi nghiệp luôn được UBND tỉnh quan tâm và tạo điều kiện. Ngay cả DN mới đăng ký vừa nói trên cũng có thâm niên trong ngành, trước đây đã làm tại chi nhánh của một DN lữ hành.
Theo ông Lê Ngọc Sanh, Chánh Văn phòng Sở Du lịch, đối với lĩnh vực lưu trú, muốn thành lập DN buộc phải có vốn điều lệ rất lớn, tùy vào quy mô. Còn ở lĩnh vực lữ hành phải ký quỹ, với lữ hành nội địa là 200 triệu đồng và 500 triệu đồng đối với quốc tế. “Du lịch là ngành có điều kiện bắt buộc, phải đủ các thủ tục, yêu cầu vì ảnh hưởng đến an toàn tính mạng của du khách khi tổ chức tour", ông Sanh nhấn mạnh.
Là một trong ít DN trẻ khởi nghiệp từ du lịch được đánh giá khá thành công, Nguyễn Thị Hương Liên, Giám đốc Công ty TNHH MTV I Love Hue cho biết, tài chính là trở lực lớn nhất khi khởi nghiệp. Với sinh viên đang còn trên ghế nhà trường hoặc mới ra trường để có một nguồn vốn đến vài trăm triệu đồng để ký quỹ là rất khó. Đó cũng là lý do mà phải mất hơn 2 năm từ khi ý tưởng tour được giới thiệu, I Love Hue mới được thành lập.
Anh Trần Đình Minh Đức, Trưởng phòng Quản lý Lữ hành, Sở Du lịch cho hay, ngoài nguồn vốn, sự chuẩn bị khởi nghiệp của các bạn trẻ cũng cần được nhìn nhận. Khi làm hồ sơ mới thấy các bạn trẻ mắc những lỗi quá sơ đẳng, như lịch trình tour làm đối phó, trong khi đó, đây chính là ý tưởng thể hiện sự độc đáo cho tour. Các bạn trẻ khởi nghiệp thường đi ngược với quy trình, chưa tìm hiểu thị trường, chẳng khác gì làm một cái bánh rồi đi bán, có thể cái bánh đó rất ngon, bắt mắt, cầu kỳ, mang nhiều giá trị văn hóa… nhưng khách hàng lại không thích. Đó là chưa tính đến cần chuẩn bị cả phương án quản lý kinh tế, quản lý rủi ro, xử lý các tình huống khẩn cấp.
Môi trường kinh doanh ở Huế khá “khắc nghiệt”, sự tương trợ giúp nhau trong kinh doanh của DN đi trước cho DN mới gần như không có. Thậm chí còn muốn “nuốt” DN mới, cạnh tranh thiếu lành mạnh.
Sinh viên các trường du lịch học hỏi kinh nghiệm thực tế để khởi nghiệp
Thiếu cơ chế hỗ trợ
Thông tin từ Sở Du lịch, các DN mới thành lập chủ yếu là những người đã từng làm tại các chi nhánh ở Huế, hoặc có thâm niên làm việc ở nhiều công ty du lịch. Sau một thời gian, có mối quan hệ và nguồn khách riêng thì chuyển sang thành lập công ty. Theo ông Lê Ngọc Sanh, các bạn trẻ khởi nghiệp mới, rủi ro sẽ lớn, do đó, để hiệu quả hơn, cần làm thuê một thời gian, tích lũy kinh nghiệm và vốn, khi thời cơ chín mùi rồi làm riêng.
Theo các chuyên gia, lợi thế của các bạn sinh viên ở Huế là ý tưởng. Rất nhiều ý tưởng hay, độc đáo, nhưng cụ thể hóa lại rất khó. Ở một số địa phương, luôn có cơ chế hỗ trợ khởi nghiệp du lịch, còn Huế hoàn toàn không. Bạn Nguyễn Thị Hương Liên chia sẻ, các bạn trẻ khi có ý tưởng rất cần có sự hỗ trợ về nguồn vốn và các thủ tục để thành lập DN. Với sinh viên mới ra trường, có nguồn vốn lớn như yêu cầu là quá khó, dù ba mẹ có cho, hay vay mượn.
Có ý kiến cho rằng, rất cần có quỹ khởi nghiệp du lịch. Thông qua các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp, hàng quý chọn 1-2 ý tưởng hay và hỗ trợ, “bơm” tiền thử nghiệm, nếu hiệu quả sẽ hỗ trợ kêu gọi các nhà đầu tư. Với việc đồng hành này, cơ quan quản lý sẽ định hướng các DN trẻ đi trên con đường được hướng tới, kịp thời điều chỉnh nếu có các sai sót.
Khi đặt vấn đề về quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, lãnh đạo Sở Du lịch cho hay, quỹ này từng được bàn đến, nhưng do đã có Quỹ Đầu tư phát triển và bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh nên không thể thành lập thêm. Cũng theo ông Lê Ngọc Sanh, cơ chế hỗ trợ khởi nghiệp trong du lịch rất khó thực hiện, chỉ có thể dựa vào nguồn hỗ trợ khởi nghiệp chung của tỉnh. Có thể sau khi thành lập DN, ngành sẽ hỗ trợ nâng cao nguồn nhân lực thì khả thi hơn.
Giai đoạn khởi đầu đến khi có nguồn khách ổn định sẽ cần nhiều thời gian, có thể từ 1-2 năm, với các DN mới, nếu không có sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp đi trước, ngành du lịch... họ rất dễ thất bại. Do đó, khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch cần được quan tâm hơn.
Bài, ảnh: Đức Quang