Hiện anh là chủ nhân của 2 cửa hàng "đặc sản núi rừng Nam Đông" tại Huế và nhận cung cấp sản phẩm cho một cửa hàng tại Đà Nẵng với nhiều đặc sản từ vùng Nam Đông; tạo việc làm cho 8 lao động với thu nhập từ 4,5 đến 10 triệu đồng/người/tháng.
Hồ Xuân Sỹ (bên phải) với người dân vào rừng lấy mật ong
Tìm hướng đi mới để giúp dân nhiều hơn
Tôi biết chàng thanh niên có nước da đen rắn rỏi, nụ cười hiền lành ấy qua một hội chợ giới thiệu hàng nông sản. Câu nói: “Tôi bán hàng với uy tín của người đảng viên và danh dự của người đồng bào Cơ Tu” của Sỹ với khách hàng khiến tôi ấn tượng mãi.
Hai năm về trước, Sỹ là trưởng thôn Bha Bhar, xã Hương Sơn. Một lần tâm sự với bạn bè, biết được nhiều sản phẩm cây nhà lá vườn và những đặc sản như măng, rau, gia súc, gia cầm người dân vất vả vào tận rừng sâu để tìm về nhưng không đưa đi xa bán được nên bị ép giá, Sỹ cứ bùi ngùi. Qua câu chuyện, một người bạn mở lời mời cùng mở cửa hàng tiêu thụ đặc sản, nông sản Nam Đông. Con đường khởi nghiệp của Sỹ bắt đầu từ đó. Anh dành toàn bộ vốn liếng vợ chồng tích cóp được và vay mượn thêm để cùng bạn mở cửa hàng. Sỹ nhận trách nhiệm đi gom hàng của người dân. “Lúc đó, tôi không biết vất vả là gì. Sẵn sàng đi hàng chục cây số để lấy mật ong rừng. Đi từ rừng này qua rừng nọ để hái măng. Từ 2 - 3h sáng đã đến từng bản làng để thu gom nông sản", Sỹ bộc bạch.
Thế nhưng con đường khởi nghiệp chẳng phải là "màu hồng" như trưởng thôn suy nghĩ. Đã có lúc thua lỗ và cả những thất vọng. Loay hoay với một số cách làm, cuối cùng Sỹ đã vay ngân hàng để mở cửa hàng Đặc sản núi rừng Nam Đông tại phường Tây Lộc (TP. Huế). Để gầy dựng khách hàng, Hồ Xuân Sỹ tìm đến những người từng được ba anh là ông Hồ Xuân Tình, lúc đó là cán bộ cách mạng che giấu bảo vệ họ trong kháng chiến chống Mỹ để giới thiệu các sản phẩm. Không những được nhiệt tình ủng hộ mà các gia đình ấy còn giới thiệu thêm nhiều khách hàng khác cho Sỹ.
Khách hàng ngày càng đông, mới đây, Sỹ tiếp tục khai trương thêm cơ sở 2 tại phường Vĩnh Ninh, TP. Huế. “Khách hàng cần bất cứ giờ nào, dù mưa hay nắng, cửa hàng đều đáp ứng”, Sỹ khẳng định. Thứ bảy và chủ nhật, bản thân Sỹ luôn có mặt tại cửa hàng, sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc của khách hàng.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi về quyết định từ chức trưởng thôn chuyển qua kinh doanh, đảng viên trẻ 28 tuổi Hồ Xuân Sỹ cho hay: "Tôi phấn đấu vào Đảng là vì dân chứ không phải để làm quan. Thấy khởi nghiệp theo hướng giúp dân tiêu thụ nông sản mang lại nhiều lợi ích cho người dân hơn nên tôi lựa chọn". "Sau khi nghe trưởng thôn tâm sự như vậy trong một cuộc họp, chúng tôi không còn phản đối chuyện trưởng thôn Sỹ từ chức mặc dù cứ ngậm ngùi tiếc nuối", bà Kăn Tơ, người dân trong thôn nhớ lại. “Trước đây tôi bán 1 kg măng rừng được 10 đến 12 nghìn đồng nhưng nay được chú Sỹ mua 25 nghìn đồng”, chị Kăn Páp vui vẻ kể.
Được dân tin yêu
Trong câu chuyện với Sỹ, tôi còn biết về những ngày gian nan vất vả mà anh với vai trò trưởng thôn đã cùng với dân xây dựng nhà gươl, các tuyến đường bê tông, đưa thôn Bha Bhar đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu của huyện Nam Đông.
Tôi tìm đến thôn Bha Bhar, xã Hương Sơn vào một ngày chủ nhật đẹp trời. Ấn tượng về xã đầu tiên trong 6 xã đồng bào thiểu số của huyện Nam Đông đạt chuẩn nông thôn mới là những con đường bê tông rộng uốn lượn giữa những vườn cây xanh mát. Dừng chân trên tuyến đường nối bưu điện xã ra suối Koanh Ho, giữa mặt đường khắc rõ hàng chữ: “Bà con thôn Bha Bhar cảm ơn Đảng, Nhà nước và lãnh đạo thôn Sỹ Đồ - Xuân Sỹ”. Anh Lê Hồng Vĩnh, Bí thư Chi bộ thôn Bha Bhar nhớ lại, để tỏ lòng biết ơn những người có nhiều đóng góp xây dựng con đường, người dân đã đồng tình khắc lên dòng chữ này. Sỹ Đồ là tên đồng chí Bí thư chi bộ thôn và Xuân Sỹ là tên của trưởng thôn Hồ Xuân Sỹ.
Theo lời kể của Hồ Xuân Sỹ, vận động dân đồng sức, đồng lòng đóng góp sức người, sức của làm đường bê tông nông thôn là khâu khó nhất. Để làm 4 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 400m, Trưởng thôn Hồ Xuân Sỹ phải họp thôn không biết bao nhiêu lần. Dù vậy vẫn không thống nhất được toàn bộ người dân qua các buổi họp. Cuối cùng, bản thân trưởng thôn phải đến từng nhà dân để làm công tác tư tưởng theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Các hộ dân xoay vòng đóng góp ngày công, riêng hộ trưởng thôn ngày nào cũng có mặt, không chồng thì vợ...
Ông Hồ Thanh Nghị, Chủ tịch UBND xã Hương Sơn cho biết: Khi nhận được đơn xin thôi việc của Hồ Xuân Sỹ, chúng tôi không đồng ý. Bản thân tôi đã về gặp trực tiếp để phân tích, động viên Sỹ vừa làm trưởng thôn vừa kinh doanh nhưng sau khi nghe Sỹ phân tích từ chức vì cái lợi nhiều cho dân thì chúng tôi đồng ý. Trước mắt, Sỹ đã thu mua sản phẩm cho người dân địa phương cao hơn các thương lái khác rất nhiều.
Nhớ lại quá trình làm trưởng thôn của Hồ Xuân Sỹ, ông Hồ Thanh Nghị nói: “Trong quá trình làm trưởng thôn, Sỹ thực hiện tốt công tác nêu gương. Vì vậy, đã vận động được Nhân dân hiến đất, hiến cây, huy động lực lượng xây dựng 4 tuyến đường bê tông. Ba năm liền thôn Bha Bhar không có tình trạng người sinh con thứ 3 trở lên, không có tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu cấp huyện".
Năm 2003, Hồ Xuân Sỹ vinh dự là một trong 3 đại biểu của tỉnh tham gia liên hoan con cháu hiếu thảo toàn quốc lần thứ III tại Đà Nẵng do Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức, lúc đó Sỹ là học sinh lớp 8. Năm 2008, học xong lớp 12, Sỹ tham gia công tác của thôn. Năm 2014, anh vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Dù bận rộn và vất vả, nhưng Sỹ luôn tranh thủ vừa học vừa làm và đã tốt nghiệp cử nhân Luật Trường đại học Khoa học Huế năm 2015.
Sỹ đã được Tỉnh đoàn tuyên dương thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu năm 2018; nhiều lần được tham gia gian hàng triển lãm tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh. Hiện Sỹ đang được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Đông hướng dẫn làm hồ sơ để đề xuất UBND tỉnh tặng Bằng khen trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Ông Trần Xuân Hợi, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hương Sơn cho biết, cuối năm nay Đảng ủy sẽ sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 05 về học tập Bác và Hồ Xuân Sỹ là đảng viên nằm trong danh sách dự định được khen thưởng. |
Bài, ảnh: Hải Thuận