Qua “Khởi nghiệp tinh gọn”, tác giả đã có những hướng dẫn cụ thể để các nhà khởi nghiệp giảm thiểu rủi ro, tăng tối đa khả năng thành công trong khởi nghiệp và phát triển kinh doanh.
Tác giả Eric Ries Ảnh: Internet
“Khởi nghiệp tinh gọn” được tác giả Eric Ries “tinh gọn” trong ba phần chính, gồm: Tầm nhìn, lèo lái và tăng tốc. Đây là quá trình liên tục kiểm tra tầm nhìn kinh doanh, điều chỉnh và thích nghi trước khi mọi việc trở nên quá muộn. Để lèo lái doanh nghiệp tránh vùng nước xoáy và giữ được thăng bằng, Eric Ries nhắn nhủ: Mỗi dự án kinh doanh đều bắt nguồn với một loạt phỏng đoán. Một chiến lược dựa trên phỏng đoán thông thường thì đầy lỗi. Do đó, nỗ lực ban đầu của công ty khởi nghiệp là kiểm tra những phỏng đoán của mình càng nhanh càng tốt. Nếu phỏng đoán chính xác, sẽ thành công. Nếu sai, khởi nghiệp sẽ thất bại. Đó là sự đột phá về niềm tin. Tất nhiên, đột phá niềm tin đó phải trở thành thực tế, phải phát xuất từ tầm nhìn xa, đúng nơi, đúng lúc. Có những doanh nghiệp say sưa với “màn kịch” thành công, sử dụng tăng trưởng bề ngoài để khiến mình có vẻ thành công. Đừng để chiến lược ban đầu bị bẻ cong hoặc đi theo trực giác. Hãy duy trì mô hình tài chính định lượng để đánh giá nghiêm ngặt sự tiến bộ.
Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hoàn toàn không giống với việc thành lập và điều hành một công ty theo dạng truyền thống. Để “vượt vũ môn” thành công, điều quan trọng đối với các nhà khởi nghiệp là có mô hình và phương pháp quản trị riêng. Phương pháp khởi nghiệp tinh gọn của Eric Ries dựa trên việc thực hiện lặp lại nhiều lần vòng phản hồi gồm: Xây dựng – đo lường – học hỏi. Trong đó, “xây dựng” là việc hoàn thiện vài tính năng quan trọng của sản phẩm thử. “Đo lường” là quá trình đưa sản phẩm ấy đến với khách hàng tiềm năng để kiểm chứng xem sản phẩm của mình có thích nghi hay cần thay đổi không. “Học hỏi” là việc tiếp nhận các phản hồi từ khách hàng để thêm bớt, cải thiện, bổ sung các yếu tố cần thiết. Theo Eric Ries, lý do mà rất nhiều nhà khởi nghiệp thất bại là vì họ hành động dựa trên cách tiếp cận truyền thống trong việc quản trị doanh nghiệp, nhất là trong việc tìm hiểu thị trường và lập ra lộ trình cố định cho việc đem sản phẩm đến với khách hàng. Việc “Xây dựng – đo lường – học hỏi” được lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi khách hàng có một phản ứng rõ ràng rằng sản phẩm của bạn có phù hợp và cần thiết với thị trường không.
Ba bước khởi nghiệp tinh gọn theo phương pháp của Eric Ries Ảnh: Internet
Chính vì dựa trên việc thực hiện lặp lại nhiều lần vòng phản hồi “Xây dựng – đo lường – học hỏi”, nên khởi nghiệp theo quan điểm tinh gọn được đánh giá cao về mặt ưu điểm. Những ưu điểm này đặc biệt quan trọng đối với những doanh nghiệp có hạn chế về vốn, như: Tạo ra sản phẩm phù hợp với thị trường, đồng thời nâng cao được chất lượng sản phẩm với khách hàng cũ và mở rộng đối tượng khách hàng mới. Giảm thiểu rủi ro thông qua các công cụ kiểm ra tầm nhìn thường xuyên và liên tục. Học hỏi có kiểm chứng thông qua việc học hỏi từ nhu cầu và phản hồi trực tiếp từ khách hàng tạo ra sự chuẩn bị cần thiết trước những rủi ro theo từng phút…
Đơn giản theo TS. Nguyễn Bá Hải (Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh), thì khởi nghiệp tinh gọn chính là khởi nghiệp đảm bảo hai yếu tố, gồm: Hiệu quả và sáng tạo. Sự hiệu quả thể hiện ở chỗ giảm hẳn các yếu tố về nguồn lực vốn, nhân lực, vật chất, quy trình, kế hoạch kinh doanh. Sự sáng tạo thể hiện thông qua việc thực nghiệm khách hàng nhanh, rút ngắn quy trình phát triển sản phẩm và bám sát thực tiễn hơn. Ở phương pháp này, sự sáng tạo cũng thể hiện ở văn hóa chấp nhận sai lầm song hành tích cực với sự cải tiến ở mọi cấp, nhất là lãnh đạo. Chính yếu tố văn hóa này “cởi trói” cho sự mạnh dạn thể hiện ý kiến, quan điểm và thái độ sẵn sàng sửa sai.
“Để khởi nghiệp tinh gọn hiệu quả, mọi ý tưởng liên quan đến sản phẩm của doanh nghiệp đều phải dự vào thực nghiệm khách hàng. Không nên tốn thời gian vào những điều không có giá trị với khách hàng. Khách hàng chỉ quan tâm đến những yêu cầu họ cần từ sản phẩm. Vậy nên, quá trình thực nghiệm sản phẩm phải được thực hiện theo lối tư duy: Hoặc có giá trị với khách hàng, hoặc vô nghĩa”, TS. Nguyễn Bá Hải nhấn mạnh.
ĐỒNG VĂN