Y tế là lĩnh vực nhiều tiềm năng để khởi nghiệp (Ảnh minh họa)
Giàu tiềm năng
Lê Vinh, sinh viên (SV) ĐH Huế chia sẻ: “Công nghệ thông tin (CNTT), du lịch là những ngành thường được chọn để KN nên khả năng giẫm chân cùng lĩnh vực sẽ xảy ra. Vì thế, SV thường khó trong việc tìm lĩnh vực để KN”.
Theo các chuyên gia KN, hiện nay y tế lại là lĩnh vực giàu tiềm năng để KN. Thị trường chăm sóc sức khỏe với quy mô hơn 90 triệu dân của Việt Nam đang trở thành đích đến của nhiều nhà đầu tư, nhất là các phát kiến mới về ứng dụng công nghệ cao trong chăm sóc sức khỏe. Huế là địa phương có thế mạnh về y tế và giáo dục, đặc biệt là bệnh viện tuyến trung ương, các cơ sở đào tạo, thực hành về y tế nên tạo thuận lợi để phát triển các ý tưởng KN trong lĩnh vực y tế, nhất là môi trường và đội ngũ chuyên môn giàu kinh nghiệm để định hướng.
TS. Hoàng Kim Toản, Giám đốc Trung tâm KN và Đổi mới sáng tạo ĐH Huế cho rằng, lợi thế ĐH Huế là đa ngành, đa lĩnh vực và có nhiều hoạt động phát triển phong trào KN. ĐH Huế định hướng SV thành lập các nhóm dự án KN có nhiều thành viên với chuyên môn khác nhau cùng kết hợp để tăng khả năng thành công. Điển hình như KN trong lĩnh vực y tế, có thể kết hợp thêm thành viên học CNTT (Trường ĐH Khoa học), marketing (Trường ĐH Kinh tế)…
Tại buổi nói chuyện “KN đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế” (tại Trung tâm KN và Đổi mới sáng tạo ĐH Huế ngày 25/7), ông Trần Sĩ Chương, chuyên gia kinh tế, Cố vấn chiến lược phát triển doanh nghiệp cho rằng, trong y tế, ngoài công tác chuyên môn còn nhiều mảng khác cần ứng dụng CNTT để nâng cao hiệu quả quản lý bệnh viện. Xu hướng ứng dụng CNTT để đưa ra các giải pháp hỗ trợ bệnh nhân là rất triển vọng và cơ hội để KN trong lĩnh vực y tế rất lớn.
Nhiều vấn đề cần chú ý
Tại Huế, thời gian qua cũng có nhiều nhóm KN thử sức với lĩnh vực y tế, như các ý tưởng “Ứng dụng CNTT để phục hồi chức năng”, “Healthy Drink – Thức uống cho sức khỏe”… Nhiều ý tưởng, dự án KN xuất hiện các cuộc thi được đánh giá cao, tuy nhiên, khi ra thực tiễn, có không ít ý tưởng không thể đi tiếp do nhiều lý do khách quan, lẫn chủ quan.
BS. Vũ Mạnh Tiến, tác giả phần mềm Medisoft được Bộ Y tế công nhận là phần mềm chuẩn để áp dụng cho toàn bộ các hệ thống bệnh viện ở Việt Nam và là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực y tế và KN chia sẻ, trong lĩnh vực y tế, những giải pháp quản lý hồ sơ, quản lý bệnh viện lâu nay đã có nhiều người làm. Nếu muốn KN trong lĩnh vực y tế, cần chú ý đến những giải pháp quản lý, hỗ trợ, phục vụ bệnh nhân, tạo sự tiện lợi nhất cho người bệnh.
KN trong lĩnh vực y tế có tiềm năng lớn nhưng cũng nhiều thách thức. Khó khăn nhất của các startup trong lĩnh vực y tế chính là vấn đề thị trường, môi trường kinh doanh. Để cùng nhau đi xa hơn, startup lĩnh vực này cần kết nối chặt chẽ để có thể cùng cung cấp một giải pháp tổng thể mà người hưởng lợi chính là khách hàng, bệnh nhân.
Ông Trần Sĩ Chương cho rằng, những bạn trẻ đang và sẽ KN nói chung và KN trong mảng công nghệ y tế nói riêng trước tiên phải mô tả được mô hình kinh doanh của mình mà ai nghe cũng hiểu và thấy được logic. Mô hình kinh doanh càng đơn giản càng dễ thành công. Sau đó, cần liệt kê những điều kiện để hiện thực hóa và khách quan đánh giá khả năng thỏa mãn được các điều kiện này. Bên cạnh đó, cần lập kế hoạch kinh doanh cụ thể chi tiết và lường trước các tình huống xấu có thể xảy ra cùng phương án giải quyết, đồng thời ứng dụng CNTT phù hợp nhất nhằm tối ưu hóa hiệu quả. “Trải qua các bước này thì mới hy vọng có người chịu hợp tác, đầu tư”, ông Chương chia sẻ.
Theo các chuyên gia KN và y tế, các bạn trẻ muốn KN nên tìm kiếm và kết nối cộng đồng những người đi trước trong lĩnh vực mình định làm sau đó định vị lại góc nhìn mà định hướng phát triển sản phẩm – dịch vụ cho startup. Hiện tại, trên mạng xã hội facebook cũng có cộng đồng những người giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực y tế để KN, đó là cơ sở tốt cần tận dụng.
Trong một trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Ecomedic - Trưởng làng KN Công nghệ Y tế tại Techfest Vietnam 2018 cho biết, Việt Nam có nhiều startup trong lĩnh vực công nghệ y tế như BookingCarer, Homicare, ViCare Corp, OneLink...
Những ứng dụng đó cung cấp đa dạng các giải pháp cho cả bệnh viện lẫn người bệnh từ phần mềm quản lý bệnh nhân online, ứng dụng đặt lịch hẹn khám trực tiếp với bác sĩ, ứng dụng theo dõi sức khỏe tự động, ứng dụng tư vấn dinh dưỡng dựa trên thể trạng người dùng...
Bài, ảnh: Hữu Phúc