Tham gia cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2018 do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, dự án “Bản đồ đặc sản Việt Nam – VnSpecial” đạt giải B, giải thưởng của Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng từ nguồn kinh phí của Quỹ Đầu tư Phát triển và Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh; đồng thời đạt giải Ba cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên” 2018.
Nguyễn Văn Huân (thứ hai, bìa trái) nhận giải thưởng cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2018
Nói về xuất phát điểm của ý tưởng, Nguyễn Văn Huân đơn giản: “Mỗi dự án khởi nghiệp liên quan đến một câu chuyện riêng. Với VnSpecial, câu chuyện bắt đầu từ “nỗi đau” của chính mình, khi “ở trên đất đặc sản mà không biết làm cách nào để chọn đúng sản phẩm đảm bảo chất lượng, uy tín”. Đây cũng là vấn đề của rất nhiều người, thậm chí là của hầu hết mọi người, nhất là trong hoàn cảnh đứng ở một địa phương không quen thuộc và có nhu cầu mua sản phẩm đặc sản làm quà”.
Nguyễn Văn Huân được đào tạo bài bản về chuyên ngành công nghệ thông tin, nên rất lợi thế khi phát triển dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo liên quan đến công nghệ. Thêm với vị trí công tác hiện tại ở Đại học Huế, Huân càng có đầy đủ thế mạnh để mời cộng sự, cộng tác viên là những cán bộ giảng viên và sinh viên thuộc Đại học Huế để phát triển ý tưởng, hoàn thiện dự án. Tham vọng là một “bách khoa toàn thư” về các loại đặc sản, nhưng hiện tại VnSpecial mới qua giai đoạn “nảy mầm”, tiếp tục hoàn thiện mô hình mẫu, kiểm chứng nhu cầu khách hàng và hiệu quả thực tế. “Qua vận hành thử nghiệm, chúng tôi nhận thấy khách hàng thực sự có nhu cầu. Chúng tôi cung cấp đặc sản từ khắp mọi miền. Chỉ cần nhấn chuột, tất cả những gì đặc biệt nhất trên thế giới đều có thể về nhà của bạn”, Huân lạc quan giới thiệu.
Cửa vào VnSpecial là http://vnsp.net. Đang chạy thử nghiệm, nhưng một số đặc sản được giới thiệu đã được khách hàng kết nối, tin dùng, như: thanh trà Thủy Biểu, tép chua Lệ Thủy, tôm chua bà Doan, rượu Minh Mạng, mè xửng Thiên Hương, mè xửng sông Hương… Huân giản dị: “Nếu cần gì, chị cứ “lên” với bọn em. VnSpecial thể hiện đầy đủ thông tin về một sản phẩm đặc sản cụ thể của các địa phương và em tin những thông tin ấy sẽ hài lòng chị. Chị sẽ đỡ bối rối khi muốn mua sản phẩm nào đó”. Rồi vui vẻ khoe: “Rất nhiều người đã tiếp cận và mua sản phẩm tép chua Lệ Thủy. Đây là sản phẩm đầu tiên VnSpecial hỗ trợ. Bây giờ thì đã không còn hàng để bán”.
Với http://vnsp.net, Nguyễn Văn Huân và cộng sự hướng đến việc tạo ra một kênh phân phối bán hàng trực tuyến cho các sản phẩm đặc sản. Trong đó có 4 cấu phần chính, gồm: Địa điểm (cung cấp thông tin địa điểm về các đặc sản), Cửa hàng (cung cấp đặc sản, chỉ cần nhấn chuột), Tạp chí đặc sản (giới thiệu những bài viết về đặc sản) và Phát triển thương hiệu (hỗ trợ hoàn thiện quy trình sản xuất và xây dựng, nhận diện thương hiệu cho đặc sản). Tận dụng lợi thế về đội ngũ cán bộ giảng viên công tác tại các trường đại học thành viên thuộc Đại học Huế, VnSpecial cũng hướng đến việc cung cấp dịch vụ tư vấn và hỗ trợ hoàn thiện quy trình sản xuất, phát triển thương hiệu cho các cơ sở sản xuất đặc sản truyền thống tiềm năng.
Có người cho rằng, với 4 cấu phần trên, VnSpecial đã quá ôm đồm. Tuy nhiên, Huân nhấn mạnh rằng cả 4 thành phần này đều có quan hệ mật thiết với nhau và đảm bảo cho sự thành công của dự án. Thay vì một trang thông tin thương mại điện tử hiện nay, để thành công và bùng nổ ra thị trường sẽ rất tốn kém về chi phí marketing, nguồn lực quảng bá. Trong khi đó, với http://vnsp.net, Nguyễn Văn Huân và các cộng sự chỉ cần giới thiệu về các trang tạp chí, thông qua đó để giới thiệu sản phẩm qua các bài viết. Chia sẻ thêm về nguồn lực để phát triển dự án, Nguyễn Văn Huân cho biết dự án cần một nguồn nhân lực rất mạnh. Trong điều kiện hiện tại, Huân đang có thuận lợi để có thể huy động nguồn nhân lực ấy từ đội ngũ cán bộ giảng viên và các bạn sinh viên trong nhiều lĩnh vực.
Huân cho biết thêm, hiện bộ phận công nghệ thông tin của nhóm đang xây dựng một nền tảng về thương mại điện tử cho VnSpecial. Việc này cần nhiều nguồn lực đầu tư và cần thêm thời gian. Do vậy, dự án đang mong chờ sự tin tưởng rót vốn của các nhà đầu tư. Tin tưởng và kỳ vọng vào tương lai của dự án, Nguyễn Văn Huân lạc quan: “Chúng tôi tạo ra VnSpecial với sứ mệnh thúc đẩy sự phát triển của du lịch Việt Nam và của kinh tế địa phương thông qua quảng bá đặc sản đặc trưng. Nếu muốn trở thành tỷ phú Việt, hãy đầu tư vào dự án khác. Nhưng nếu muốn trở thành tỷ phú USD, hãy đầu tư vào chúng tôi”.
Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN