ClockThứ Bảy, 20/10/2018 06:45

Tự tin khởi nghiệp

TTH - “Chúng tôi hỗ trợ tối đa cho các chị có ý tưởng khả thi và mạnh dạn biến ý tưởng đó thành sản phẩm”, bà Trần Thị Kim Loan, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh khẳng định về việc hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.

Tìm hướng khởi nghiệpKhởi nghiệp từ nghề đan bàn, ghế bằng dây nhựaKhởi nghiệp từ những bó rau muốngThêm địa chỉ cho phụ nữ khởi nghiệpTriển khai đề án hỗ trợ phụ nữPhụ nữ trước “sân chơi” khởi nghiệp

Phụ nữ A Lưới khởi nghiệp bằng mô hình sản xuất nấm sạch

Về sự đồng hành của Hội LHPN, bà Trần Thị Kim Loan cho biết:

Ngay từ khi phong trào khởi nghiệp manh nha ở Huế, Hội LHPN tỉnh đã tích cực nhập cuộc. Đầu tiên là tuyên truyền, giới thiệu cho hội viên hiểu về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tiếp đó, hướng dẫn, hỗ trợ, khích lệ hội viên mạnh dạn sáng tạo ý tưởng khởi nghiệp và biến ý tưởng thành sản phẩm, mô hình cụ thể. Từ đầu năm đến nay, các cấp hội phụ nữ đã huy động được 800 triệu đồng hỗ trợ cho 188 phụ nữ khởi nghiệp. Hiện tại, đang duy trì tốt 10 mô hình tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất thực phẩm an toàn do phụ nữ quản lý; phát triển mới 16 mô hình liên kết, tổ hợp tác sản xuất; mô hình khởi sự kinh doanh. Từ các mô hình phù hợp, sáng tạo này đã giúp cho 103 phụ nữ được hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.

Phong trào phụ nữ khởi nghiệp bắt đầu có những chuyển động, nhưng dường như vẫn còn nhỏ, lẻ. Bà nghĩ sao khi có ý kiến như vậy?

Phải thẳng thắn nhìn nhận, nhiều mô hình khởi nghiệp do phụ nữ làm chủ vẫn còn nhỏ lẻ. Nhiều ý tưởng khởi nghiệp được chị em nêu lên tại các diễn đàn, hội thảo thì hay nhưng các chị lại chưa mạnh dạn đầu tư để biến ý tưởng thành sản phẩm.

Vậy rào cản là gì?

Rào cản ở đây có thể do khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là lĩnh vực còn mới trong khi phụ nữ lại có tính cẩn thận, sợ mạo hiểm nên còn dè chừng; một phần do định kiến về trách nhiệm của phụ nữ trong công việc gia đình. Ngoài ra, còn do thiếu kênh kết nối để hỗ trợ phụ nữ trong chuyên môn, tìm kiếm nhà đầu tư, sự hỗ trợ về chính sách cũng như tạo điều kiện kinh doanh từ chính quyền địa phương. Nhiều phụ nữ có năng lực nhưng chưa chủ động tìm hiểu chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước nên chưa mạnh dạn phát huy thế mạnh của địa phương để khởi nghiệp. Về phía gia đình, không phải nữ doanh nhân nào khởi nghiệp cũng nhận được sự ủng hộ của người thân. Họ thường phải ôm đồm nhiều công việc nên ảnh hưởng đến hiệu quả trong quá trình khởi nghiệp.

Để vượt qua những rào cản, vấn đề đặt ra là gì thưa bà?

Vấn đề đầu tiên chính là ở bản thân mỗi người phụ nữ muốn khởi nghiệp. Nhìn từ cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” của tỉnh năm 2017 và năm 2018 cho thấy, tỷ lệ tác giả và đồng tác giả là nữ khá cao. Giải nhất cuộc thi của cả hai năm đều thuộc về nữ giới. Điều này chứng tỏ phụ nữ hoàn toàn có thể khởi nghiệp và khởi nghiệp thành công. Quan trọng là chị em phải mạnh dạn, tự tin theo đuổi đam mê khởi nghiệp.

HTX sản xuất kinh doanh nông sản an toàn của phụ nữ huyện A Lưới

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo trong hội viên phụ nữ để các chị thử sức, làm bước đệm cho các chị tự tin tham gia các cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở các cấp cao hơn. Đồng thời, tổ chức gian hàng giới thiệu sản phẩm của các chị khởi nghiệp thành công để khích lệ hội viên khác.

Được biết, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017 – 2025. Vậy đề án này sẽ mang lại những thuận lợi gì cho phụ nữ khi khởi nghiệp?

Đề án sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để Hội LHPN các cấp tổ chức các hoạt động khởi nghiệp trong các tầng lớp phụ nữ toàn tỉnh; tạo sự chỉ đạo đồng bộ, thống nhất của UBND tỉnh đối với các cấp chính quyền, các ban, ngành liên quan trong phối hợp với các cấp hội hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Có đề án này, những phụ nữ có ý tưởng kinh doanh khả thi được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, sở hữu trí tuệ; hỗ trợ pháp lý trong đăng ký kinh doanh, tiếp cận tín dụng từ các ngân hàng, quỹ tín dụng trong chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ của quốc gia…

Về phía Hội LHPN tỉnh, đề án sẽ giúp phụ nữ tham gia sâu rộng vào chương trình khởi nghiệp của tỉnh, quốc gia để nâng cao năng lực, tiếp cận các chính sách liên quan đem lại quyền, lợi ích chính đáng cho phụ nữ.

Về phía Hội, sẽ có những hoạt động thiết thực nào để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp?

Hiện Quỹ “Hỗ trợ phụ nữ phát triển” đã được thành lập và chuẩn bị đi vào hoạt động. Với số vốn 4 tỷ đồng ban đầu, chúng tôi sẽ hỗ trợ thêm cho các chị có ý tưởng khả thi và mạnh dạn khởi nghiệp bằng ý tưởng đó. Hội cũng triển khai hoạt động có trọng tâm, trọng điểm, hướng đến từng nhóm đối tượng cụ thể, không mang tính phong trào, bề nổi mà phải thiết thực, hiệu quả, bền vững. Tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội phụ nữ các cấp kiến thức về khởi nghiệp và phương pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đảm bảo yêu cầu chất lượng. Không hỗ trợ kiểu "đánh trống bỏ dùi" mà sẽ kiểm tra, giám sát việc thực hiện các kế hoạch đề ra, để đảm bảo kết quả đạt được.

Chúng tôi tiến hành kết nối, phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng tạo cơ chế, chính sách và nguồn lực hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; hướng dẫn khai thác sử dụng nguồn vốn vay khởi nghiệp hiệu quả; kết nối với các doanh nghiệp trên thị trường trong việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; đa dạng hoá nguồn lực trong nước và quốc tế hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Đồng thời, chỉ đạo các cấp hội chủ động xây dựng các nguồn quỹ thông qua các mô hình sáng tạo để phong trào phụ nữ khởi nghiệp lan rộng trong toàn bộ hội viên.

Xin cảm ơn bà!

Hải Thuận (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khởi nghiệp từ mô hình “Hoa tươi bất tử Cố đô”

Vốn là dân sư phạm nhưng vì đam mê hoa, chị Nguyễn Thị Thanh Lân (Phong Thu, Phong Điền) đã rẽ sang lĩnh vực kinh doanh hoa rồi khởi nghiệp với mô hình mang thương hiệu “Hoa tươi bất tử Cố đô” bước đầu thành công ở quê nhà. Với mô hình này, chị Lân đã tham gia Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) Thừa Thiên Huế năm 2024 và được UBND tỉnh tặng bằng khen có sáng kiến ĐMST của thế hệ trẻ.

Khởi nghiệp từ mô hình “Hoa tươi bất tử Cố đô”
Giúp phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế

Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ là một trong những nội dung quan trọng của dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” mà Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã và đang triển khai.

Giúp phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế
Người "truyền lửa" cho phong trào phụ nữ

Chị Lê Thị Hồng Thanh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh là một trong 30 cán bộ hội xuất sắc, được nhận Giải thưởng Nguyễn Thị Định lần thứ Nhất năm 2024, do Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng.

Người truyền lửa cho phong trào phụ nữ
Những sắc hoa hồn hậu

Mong mỗi nụ cười đều rạng rỡ, mỗi bước chân đều cứng trên đá mềm và mỗi mẹ, mỗi chị đều là sự ấm áp, là niềm tự hào của cuộc sống này.

Những sắc hoa hồn hậu
Return to top