Thuyết phục nhà đầu tư với tòa tháp cao nhất và rẻ nhất
Tòa tháp và nhà đầu tư Abu Dahbi
Tham gia “Hành trình khám phá những miền đất khởi nghiệp” tại Đà Nẵng, chúng tôi được tham gia thực hành khởi nghiệp bằng một dự án nho nhỏ. Lớp có 20 thành viên, chia thành 5 nhóm khởi nghiệp. Vốn để các nhóm khởi nghiệp là các loại văn phòng phẩm, gồm: giấy A4, băng keo, ghim bấm, hồ. Mỗi loại đều có giá tiền cụ thể tăng theo tính tiện ích của nó. Đầu bài đặt ra cho các nhà khởi nghiệp: Trong thời gian 15 phút, tương đương với 15 tháng, các nhóm phải xây dựng một tòa tháp càng ít tiền nhưng càng cao càng tốt. Sản phẩm này phải bán được cho nhà đầu tư Abu Dhabi, nhà đầu tư đến từ vịnh Ba Tư, thủ đô của các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất.
Ngay khi nhận đề bài, mỗi nhóm đều rất khẩn trương lên ý tưởng, phân công nhiệm vụ, tính toán chi tiêu… Qua 15 phút, lúc người điều hành thổi còi báo hiệu dừng, cũng là khi 5 sản phẩm của các nhóm khởi nghiệp hiện diện trước nhà đầu tư với đủ sắc thái. Nhà đầu tư Abu Dhabi giàu có, quyền uy kiên trì lắng nghe các nhóm khởi nghiệp giới thiệu về tính bền vững, tính vươn cao và giá thành thấp từ sản phẩm tòa tháp của nhóm. Tới đâu, lắc đầu cũng chỉ lắc đầu. Cuối cùng, ông dừng lại rất lâu trước sản phẩm của nhóm 1. Đó là một tòa tháp có độ cao thấp nhất trong các nhóm, chi phí không thấp, nhưng đã được nhà đầu tư Abu Dhabi đã đồng ý mua với thái độ rất vui vẻ.
Hóa ra, trong khi các nhóm khẩn trương lên ý tưởng thiết kế tòa tháp, tính toán cách làm sao để dựng một tòa nhà thật cao, ấn tượng và chi phí rẻ, thì nhóm trưởng của nhóm 1 cứ đeo bám nhà đầu tư để “moi” thông tin về sở thích. Nhưng chỉ với một thông tin duy nhất nhận được là nhà đầu tư uy quyền ấy đến từ đâu, nhóm 1 cũng đã “làm nên chuyện”.
Nhà đầu tư Abu Dhabi vui vẻ: Đây là tòa tháp không cao nhất, chi phí không thấp nhất nhưng là sản phẩm tôi đang rất cần”. Ông xúc động: “Tôi đến từ Abu Dhabi, thành phố xinh đẹp nằm trên một hòn đảo nhô lên trong Vịnh Ba Tư. Thấu hiểu nỗi niềm của người xa quê, tòa tháp của nhóm 1 mang hình vóc của một con tàu luôn có khát vọng hướng ra biển xa. Điều đó, khiến tôi cảm nhận rằng cảm xúc thiêng liêng với quê hương xa xôi của tôi đã được các bạn ấy quan tâm, tôn trọng và không ngừng cố gắng để tạo ra được một sản phẩm xoa dịu nỗi nhớ quê nhà của tôi, làm hài lòng tôi. Vì sự đồng cảm đó, tôi quyết định đầu tư cho dự án ấy”.
Và thông điệp mà người hướng dẫn muốn gửi gắm: Nhiều khi, các nhóm khởi nghiệp quá đam mê đầu tư cho ý tưởng theo ý mình, mà không thực sự hướng đến nhu cầu của khách hàng là gì, họ có cần đến sản phẩm của mình hay không. Khách hàng không mua sản phẩm, nghĩa là chúng ta đã thất bại.
Trao đổi kỹ năng hiểu ý khách hàng trong khởi nghiệp
Chuyện các chàng trai công nghệ khởi nghiệp
Trong hành trình khám phá những miền đất khởi nghiệp tại Đà Nẵng, chúng tôi được đến thăm văn phòng chi nhánh của ezCloud. Tại đây, chúng tôi bị hấp dẫn bởi câu chuyện về những cố gắng không ngừng nghỉ của 6 nhà đồng sáng lập ezCloud – những chàng trai công nghệ khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch.
Với mong muốn ứng dụng kiến thức được học ở trường để tạo ra sản phẩm của người Việt, dành cho người Việt, năm 2013, 6 chàng trai trẻ đến từ Trường đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội chung ý chí lập nên ezCloud. Từ đó đến nay, ezCloud đã phát triển lên 134 thành viên. Ngoài trụ sở chính tại Hà Nội, công ty chính thức có văn phòng chi nhánh tại Phú Quốc, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang và Đà Nẵng. Ở những tỉnh thành khác, tuy chưa có văn phòng đại diện nhưng ezCloud đều có nhân viên cắm chốt. ezCloud hiện đang sở hữu nền tảng quản lý và kinh doanh khách sạn có thị phần số 1 tại Việt Nam. Nhờ cung cấp giải pháp quản lý khách sạn tổng thể và tối ưu, ezCloud đem lại lợi thế cạnh tranh cho hàng ngàn khách sạn trong và ngoài nước, chủ yếu là nhỏ và vừa.
Theo Nguyễn Đức Nam, Giám đốc Kinh doanh của ezCloud, vốn xuất thân từ dân công nghệ nên trong quá trình phát triển các phần mềm, các founder của ezCloud nhận thấy có đến 60-65% khách sạn vừa và nhỏ ở Việt Nam chưa ứng dụng các phần mềm quản lý khách sạn. Thêm vào đó, các founder lại thường xuyên nhận được câu hỏi của khách hàng là làm sao đi xa vẫn có thể kiểm soát được các hoạt động của khách sạn ở nhà… Chính những trăn trở ấy, các chàng trai công nghệ của ezCloud đã tạo nên sản phẩm cốt lõi là phần mềm quản lý khách sạn. Để làm được điều đó, ezCloud đã tự thực hiện điều tra hơn 3.000 khách sạn để biết thói quen ứng dụng công nghệ thông tin của họ. Từ đó, đưa ra những chiến lược phát triển sản phẩm phù hợp với từng đối tượng khách hàng, từng phân khúc thị trường.
Hiện nay, tốc độ tăng trưởng mà ezCloud đạt được là 250%/năm. Theo Nguyễn Đức Nam, một trong những yếu tố để ezCloud tăng trưởng ở tốc độ đó là luôn có những chiến lược tương thích và phù hợp với từng thị trường. “ezCloud không đưa ra một chính sách bán hàng cứng nào cho tất cả các thị trường. Với mỗi thị trường cụ thể, ezCloud đều có thông tin và chính sách kinh doanh riêng. Thậm chí, đối với từng khách sạn cụ thể, ezCloud cũng có những chính sách riêng, làm sao để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng. Điều đó cũng đã giúp ezCloud có thể vượt lên đối thủ và cạnh tranh với họ trên thị trường”, Giám đốc Kinh doanh Nguyễn Đức Nam nhấn mạnh.
Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN