ClockThứ Sáu, 21/02/2020 07:00

Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo

TTH - Nhiều năm qua, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo (KNST) trên địa bàn TP. Huế diễn ra khá sôi động trên tất cả các lĩnh vực, góp phần tạo ra những sản phẩm chất lượng phục vụ người dân và du khách.

Tiếp tục tạo sản phẩm mới và thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo“Thúc đẩy thành công trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”Khởi nghiệp về du lịch, ẩm thực và thủ công mỹ nghệ là thế mạnh của Huế

Ý tưởng khởi nghiệp Phát triển tiềm năng sen Huế của Nguyễn Thanh Thảo góp phần tạo sản phẩm du lịch mới cho Huế

Khẳng định hướng đi riêng

Công ty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt là doanh nghiệp (DN) đưa ra ý tưởng khởi nghiệp sản xuất nông nghiệp hữu cơ để tạo ra sản phẩm nông sản sạch cung cấp cho người tiêu dùng từ năm 2017. Từ chuỗi nông sản hữu cơ trên địa bàn TP. Huế, đến năm 2019 DN tiếp tục liên kết với làng nghề đệm bàng Phò Trạch (Phong Điền) để tạo ra nhiều sản phẩm thân thiện môi trường như túi xách, ông hút bằng sợi cỏ bàng.

Giám đốc công ty, bà Nguyễn Thị Huệ cho biết, hơn 3 năm trước, chứng kiến những đứa con của người em họ bị di chứng do thuốc bảo vệ thực vật (từ quá trình sử dụng không an toàn của cha mẹ trong sản xuất nông nghiệp) và nhu cầu dùng thực phẩn an toàn của gia đình, tôi bắt đầu thử nghiệm trồng nông sản sạch.

Những ngày đầu, sản phẩm do chị Huệ sản xuất chỉ phục vụ gia đình, người thân cùng bạn bè. Nhận thấy nhu cầu thị trường ngày càng lớn, cộng đồng quan tâm đến sức khỏe và môi trường nhiều hơn nên chị mở rộng mô hình sản xuất theo hướng nông sản hữu cơ. Từ đó, nhiều sản phẩm hữu cơ "nói không" với phân bón hóa học ra đời, góp phần tạo niềm tin cho khách hàng trong và ngoài tỉnh. 

Sau khi được vay vốn từ kênh hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh và TP. Huế vào đầu năm 2019, chị Lục Thị Diệu Linh ở phường Thủy Biều, TP. Huế mở rộng đầu tư, quyết định ra chuyển cơ sở thu mua phế liệu ra Cụm công nghiệp Tứ Hạ (TX. Hương Trà) sản xuất, nhằm tránh ô nhiễm trong khu dân cư.

Theo chị Linh, quá trình thực hiện dự án chị đã gắn ý tưởng khởi nghiệp của mình với trách nhiệm xã hội, phong trào "Ngày Chủ nhật xanh" của tỉnh và cuộc vận động “5 không, 3 sạch” của Hội LHPN thành phố. Chị đã liên kết với các tổ phụ nữ trong phường Thủy Biều để thu mua các đồ dùng sinh hoạt bằng nhựa. Thay vì vứt vỏ nhựa ra ngoài lẫn lộn với rác sinh hoạt gây khó khăn cho vấn đề xử lý, nhiều chị đã “để dành” và chị Linh cho người đến tận nhà thu gom, vận chuyển ra xưởng làm nguyên liệu sản xuất.

Thông qua cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” của TP. Huế và UBND tỉnh, nhiều cá nhân, tổ chức trên địa bàn đã hưởng ứng tích cực và kêu gọi được nguồn vốn đầu tư để mạnh dạn đầu tư các dự án KNST, tạo ra các sản phẩm mới, nhiều địa chỉ du lịch hấp dẫn. Điển hình là Công ty TNHH sản xuất và thương mại Yes Huế do bà Lê Thị Kim Hằng sáng lập hiện được đăng ký bản quyền tác giả, đạt giải nhất với dự án Gia vị nấu bún bò - chuẩn vị Huế, DN đã có sản phẩm xuất khẩu qua các thị trường khó tính như Mỹ, Thái Lan và có mặt ở các siêu thị trên toàn quốc. Hay, dự án Phát triển tiềm năng sen Huế bao gồm các sản phẩm nón lá sen, tranh sen, quạt sen, hộp giấy bằng lá sen và hoa sen Huế sấy khô của ông Nguyễn Thanh Thảo ở phường Hương Sơ, đã tạo sự thích thú, tò mò của du khách và trở thành sản phẩm phục vụ du lịch.

Học sinh TP. Huế trải nghiệm không gian vẽ tranh tại Hue Lotus Homestay của dự án khởi nghiệp Phát triển du lịch sen Huế tại phường Thủy Xuân

Tiếp tục hỗ trợ

Từ những kết quả đạt được của hoạt động khởi nghiệp, trong những năm qua, UBND TP. Huế đã tạo nhiều điều kiện để hỗ trợ các DN, hộ kinh doanh khởi nghiệp tham gia hội chợ thương mại, các hội nghị kết nối cung cầu, xây dựng thương hiệu, đăng ký bản quyền tác giả, đăng ký nhãn hiệu... Từ đó, các đơn vị đã kết nối và quảng bá sản phẩm đến với du khách và người tiêu dùng.

Trưởng phòng Kinh tế TP. Huế Đồng Sỹ Toàn cho rằng, để KNST phát triển mạnh, tạo sức lan tỏa trên địa bàn TP. Huế nói riêng và cả tỉnh nói chung, sắp tới thành phố tiếp tục xây dựng chính sách ưu tiên, phù hợp thực tiễn và nguồn lực địa phương để khuyến khích KNST từ các trường học phổ thông, đại học, các bạn trẻ, các DN và hội nghề. Trong đó, chú trọng đến xây dựng ngân hàng ý tưởng- tác giả, hoàn thiện sản phẩm từ ý tưởng, bản quyền tác giả, tập huấn kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, tiếp cận thị trường và các nguồn vốn ưu đãi để kêu gọi đầu tư.

Ông Toàn cho rằng, để kích thích và tạo môi trường cho KNST, thành phố cần tiếp tục tổ chức các cuộc thi và các chuyên đề theo hướng chuyên về ý tưởng sáng tạo và KNST để tạo sức lan tỏa, niềm đam mê của học sinh, sinh viên và các bạn trẻ. Từ đó, các nhà đầu tư tìm được các dự án khởi nghiệp hay để hỗ trợ vốn. Mặt khác, cần cải thiện môi trường kinh doanh để kích thích khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp mới và có chính sách, hỗ trợ từ các sở, ngành chuyên môn đối với các doanh nghiệp mới thành lập.

Theo Chủ tịch UBND TP. Huế Hoàng Hải Minh, năm 2020 là “Năm chỉnh trang đô thị, phát triển du lịch, dịch vụ và xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh”, thành phố đặt mục tiêu tiếp tục tạo sản phẩm mới, thúc đẩy KNST, phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại. Trong đó, sẽ huy động tối đa các nguồn lực tập trung chỉnh trang đô thị gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đồng thời hỗ trợ tháo gỡ cho DN, hộ kinh doanh, đặc biệt là các DN mới nhằm tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh phát triển và mở rộng thị trường.

Bài, ảnh: Thanh Hương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thúc đẩy giáo dục quyền con người trong các cơ sở mầm non

Ngày 19/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo trực tuyến đánh giá thực hiện Đề án giáo dục quyền con người trong các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN). Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Thúc đẩy giáo dục quyền con người trong các cơ sở mầm non
Cơ hội khởi nghiệp cho thanh niên vùng cao

Trong hành trình thoát nghèo và làm giàu bền vững, nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đã trở thành đòn bẩy quan trọng giúp nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn huyện A Lưới vươn lên phát triển kinh tế. Với sự hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là huyện đoàn, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả đã ra đời, mang lại sinh kế ổn định cho ĐVTN.

Cơ hội khởi nghiệp cho thanh niên vùng cao

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top