ClockChủ Nhật, 24/11/2019 07:26

Khởi nghiệp về du lịch, ẩm thực và thủ công mỹ nghệ là thế mạnh của Huế

TTH.VN - Người trẻ ở Huế đang mạnh dạn khởi nghiệp bằng những ý tưởng táo bạo trên nhiều lĩnh vực song, các chuyên gia cho rằng lĩnh vực du lịch, ẩm thực và nghề thủ công truyền thống đang có nền tảng tốt, start up cần tận dụng điều này.

Biết mình đang ở đâu & tăng sự kết nốiTiếp sức cho phụ nữ khởi nghiệpTập huấn thiết kế truyền thông cho sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo200 đoàn viên thanh niên tham gia diễn đàn “Thanh niên khởi nghiệp”

Trong chuỗi sự kiện Techfest Huế 2019 tại Hội thảo “Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo hướng đến sự phát triển bền vững” tổ chức từ 23-24/11, lĩnh vực khởi nghiệp về du lịch, ẩm thực và thủ công mỹ nghệ được nhiều bạn trẻ, start up quan tâm.

Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh (bên trái) giới thiệu sản phẩm đến khách hàng

Nhiều start up vươn tầm quốc tế

Thời gian qua, nhiều start up đã tận dụng được tiềm năng của Huế để đưa sản phẩm không chỉ ra thị trường trong nước mà cả thế giới. Lê Thị Kim Hằng, đồng sáng lập Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại YesHue sau khi mất 2 năm nghiên cứu thị trường  gia vị nấu bún bò Huế đã quay trở lại quê Hương khởi nghiệp. Bây giờ, sản phẩm của Hằng đã có mặt tại 10 thị trường trên thế giới, đặc biệt là thị trường Mỹ; đồng tời đây là sản phẩm của người Huế đầu tiên có mặt trên sàn thương mại điện tử Amazon.

Chia sẻ với các start up, bạn trẻ, Hằng bảo, quá trình khởi nghiệp của cô ban đầu gặp khá nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc nắm bắt xu hướng thị trường. “Ý tưởng chỉ chiếm phần trăm rất nhỏ trong sự thành công, điều quan trọng là làm thế nào để ứng phó trong các tình huống khó khăn. Các bạn nên bắt đầu từ việc nhỏ, cần sự va chạm và thất bại sẽ mang lại những bài học quý báu. Khi tạo ra sản phẩm thì phải chất lượng”.

Sản phẩm của của Hằng tận dụng tối đa những gì tinh túy nhất của ẩm thực Huế. Từ đó, gia vị nấu bún bò, tương ớt Huế, mắm ruốc xào sả ớt, muối ruốc khô khi “đứng chân” ở thị trường nước ngoài, người tiêu dùng thưởng thức sẽ có cảm giác nhớ nhà.

Huế là nơi có bề dày về văn hóa và Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh - founder kiêm CEO của Công ty TNHH SXTM và Giày Xưa đã tận dụng điều này vào các sản phẩm của mình. Nói về khởi nghiệp trên nền tảng văn hóa Huế, Quỳnh Anh cho rằng, đó là những thứ mà bất cứ ai cũng trân trọng. Để sản phẩm đặt chân tới các sàn diễn thời trang quốc tế thì đó là công sức của cả một tập thể. Từ những thợ thủ công truyền thống đến người hoạch định chiến lược, khảo sát thị trường, xác định phân khúc khách hàng. “Muốn khởi nghiệp từ nhưng mặt hàng truyền thống của Huế thì sản phẩm phải có tính mới và  phải có bà đỡ, bảo hộ vì nguồn vốn đầu tư của start up hạn chế. Ngoài ra, muốn có sản phẩm phù hợp với quốc tế trước tiên phải có tâm huyết, bản thân khó tính với sản phẩm”, Quỳnh Anh chia sẻ.

Trải qua tiếp xúc, thử nghiệm với các dòng thời trang ở nước ngoài để nhận ra sự khác biệt, Quỳnh Anh chỉ ra  5 yếu tố quyết định thành công, đó là phải có động lực khát khao làm ý tưởng; xác định giá trị cốt lõi của bản thân; lập kế hoạch chi tiết để kêu gọi các nhà đầu tư; kết nối với chuyên gia đã có chiến lược, bước đi riêng và văn hóa dám chấp nhận thất bại. “Các bạn trẻ khởi nghiệp nên đi chậm và chắc. Một thương hiệu đang hoạt động thì phải lớn mạnh, nên phải thay đổi, hạn chế những khuyết điểm còn tồn tại, xác định sản phẩm sẽ vươn tới toàn cầu”, Quỳnh Anh nói.

Theo Nguyễn Thị Hương Liên, sáng lập của I Love Asia Tour, quá trình khởi nghiệp đam mê là yếu tố quyết định. Khi đặt niềm đam mê vào công việc thì mọi người sẽ nỗ lực thực hiện. Đồng thời cần xác định sản phẩm phù hợp. “Du lịch là thế mạnh của Huế nên tôi đã thành công với sự lựa chọn của bản thân mặc dù lĩnh vực này trái với chuyên môn tôi theo học ở trường đại học. Các bạn trẻ dưới 30 tuổi cần phải học và phát triển bản thân. Đến khi có ý tưởng khởi nghiệp thì phải gặp chuyên gia để xem ý tưởng có thực hiện được hay không”, Liên bày tỏ.

Một bạn trẻ chia sẻ những ý kiến tại diễn đàn

Hình thành hệ sinh thái du lịch cộng đồng nông thôn

Tại diễn đàn, nhiều start up, sinh viên đã có những đóng góp, ý kiến xung quanh việc khởi nghiệp trên lĩnh vực ẩm thực, du lịch và sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Hầu hết cho rằng, đây là lĩnh vực có nhiều tiềm năng tại Huế, song không ít bạn trẻ đang gặp khó khăn trong việc tìm hướng đi.

Theo ông Phạm Hồng Quốc, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường & doanh nghiệp khoa học và công nghệ – Bộ Kế hoạch Đầu tư, trong Đề án 844, tại Huế chọn lĩnh vực này làm nền tảng khởi nghiệp, nếu thành công sẽ nhân rộng các tỉnh trong cả nước. Ông Quốc cho rằng, các sản phẩm ở Huế đang mang nét văn hóa đặc trưng, song chỉ dừng ở mức độ thủ công, muốn đi xa hơn để trở thành sản phẩm toàn cầu thì cần có giải pháp, tăng cường tra cứu thông tin sáng chế và ứng dụng vào sản phẩm. Các start up cần tăng cường yếu tố công nghệ cần tăng cường trong các dự án để có sự mới về chất.

Trước những thành công của start up Huế thời gian qua, ông David Ngô, Phó Tổng Giám đốc phụ trách về công nghệ tại Trung tâm Công nghệ cao TP.HCM góp ý, các startup cần đăng kí bản quyền tác giả, đăng kí nhãn hiệu, hồ sơ về sở hữu trí tuệ. Sản phẩm nên “bao vây” quy trình dưới dạng sáng chế, đóng gói tài sản vô hình để chinh phục nhà đầu tư.

Hiện nay, để thực hiện Đề án 844, Thừa Thiên Huế đang hợp tác với nhiều chuyên gia nhằm giúp góp phần tạo nên những ý tưởng khởi nghiệp cho các bạn trẻ, đồng thời hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đặc trưng. Ông Nguyễn Đăng Tiến Fouder & CEO của LBD thông tin, các chuyên gia cùng cơ quan chức năng đang vận hành các giải pháp chạy trên ứng dụng hệ sinh thái du lịch thông minh ở Huế. Du lịch, ẩm thực và thủ công mỹ nghệ kết hợp trở thành hệ sinh thái tạo nên du lịch cộng đồng nông thôn. “Ở Huế xét về di sản có những kiến trúc, khung cảnh làng quê đặc trưng. Song, những sản phẩm của các làng nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ đang lẻ loi. Do vậy cần có sự liên kết với nhau”, ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, để hệ sinh thái thành công phải chuẩn hóa quy trình sản xuất và dịch vụ; dần nâng cao chất lượng sản phẩm để hướng đến xuất khẩu; nâng cao chất lượng dịch vụ; cải tiến chất lượng môi trường; áp dụng công nghệ vào quản lý, quản trị; xây dựng thương hiệu.

Tại diễn đàn, các diễn giả cũng đã giới thiệu đến các start up về các ví điện tử phổ biến trên thị trường hiện nay như, momo, airpay, zalopay,VNpay Từ những trải nghiệm của mình, Nguyễn Thanh Tâm cho rằng, ở góc độ người dùng hay start up thì ví điện tử mang lại rất nhiều cơ hội. Nếu cá start up biết có những sản phẩm chất lượng, đặc biệt thì sẽ tận dụng được nguồn tiền của họ, tạo ta một tập khách hàng mới rất lớn.

Bài ảnh: L.Thọ

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cùng phụ nữ khởi nghiệp

Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Tứ Hạ (TX. Hương Trà) đã giúp nhiều hội viên, phụ nữ mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp, biến thử thách thành cơ hội...

Cùng phụ nữ khởi nghiệp
Âm nhạc “bắt tay” du lịch

Du lịch âm nhạc đã trở thành loại hình du lịch phổ biến và phát triển ở nhiều quốc gia tại châu Âu và châu Á. Ở Việt Nam, xu hướng thưởng thức âm nhạc kết hợp với du lịch đang dần được công chúng đón nhận và Huế đã có nhiều động thái để phát triển loại hình du lịch này.

Âm nhạc “bắt tay” du lịch
Khởi nghiệp từ nông sản địa phương

Tự tin, năng động và sáng tạo, cô gái 9X Trần Thị Ngọ để lại dấu ấn tích cực với các sản phẩm khởi nghiệp, góp phần thúc đẩy nông sản địa phương và mở ra con đường khởi nghiệp bền vững cho phụ nữ nông thôn.

Khởi nghiệp từ nông sản địa phương

TIN MỚI

Return to top