Anh Nguyễn Văn Trung với mô hình sản xuất sữa từ các loại hạt được hỗ trợ vốn để khởi nghiệp
Tiếp sức
Tuổi đời còn trẻ, nhưng đoàn viên Phan Văn Bi ở thôn Quang Lộc, xã Hương Bình (TX. Hương Trà) đã ổn định cuộc sống trong ngôi nhà khang trang cùng vợ và hai con nhỏ.
Cách đây 4 năm, sau khi xuất ngũ, Bi trở về địa phương lập gia đình. Không có vốn làm ăn, anh tìm đến Xã đoàn xin vay vốn phát triển kinh tế. Được tạo điều kiện cho vay 40 triệu đồng, Bi đầu tư trồng rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Chịu khó làm ăn, mô hình kinh tế của anh dần đi vào ổn định và đã mang lại thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm.
Được Xã đoàn Hương Bình hỗ trợ vốn vay để làm ăn, anh Lê Bá Thanh không chỉ ổn định cuộc sống cho gia đình mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động trong xã từ mô hình dịch vụ thu mua, vận chuyển keo, tràm, cao su.
Anh Trương Văn Trung ở thôn Kế Sung, xã Phú Diên (Phú Vang) kể, sau khi vào Nam học xong khóa đào tạo chế biến sản xuất nước uống tại một trường trung cấp nghề, anh trở về đầu tư dây chuyền sản xuất sữa uống từ các loại hạt. Số vốn 200 triệu đồng anh xoay xở được chỉ đủ đầu tư những thiết bị cần thiết ban đầu. Khi được tạo điều kiện vay vốn qua kênh thanh niên thêm 50 triệu đồng, anh đầu tư hoàn chỉnh mô hình sản xuất của mình. Qua hơn 2 năm đi vào hoạt động, sản phẩm mang thương hiệu “Sữa bắp Trung”, “Sữa hạt điều Trung”… được thị trường ưa chuộng, cho lãi 15 triệu đồng mỗi tháng, giải quyết việc làm cho 3 lao động địa phương. “Hiện tôi đang cần thêm vốn đầu tư xe đông lạnh bảo quản sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ ra ngoại tỉnh. Tôi mong được tiếp cận thêm các nguồn vốn ưu đãi từ đoàn thanh niên để mở rộng sản xuất”, anh Trung chia sẻ.
Từ đầu năm đến nay, các cơ sở Đoàn đã phát triển thêm 4 tổ tiết kiệm vay vốn thanh niên do Ngân hàng Chính sách Xã hội ủy thác quản lý, nâng tổng số lên 128 tổ với số dư nợ hơn 145 tỷ đồng, tạo điều kiện cho hàng ngàn hộ thanh niên vay vốn. Hầu hết các hộ vay đều phát huy hiệu quả nguồn vốn, không có nợ quá hạn.
Anh Lê Hồng Sơn, Trưởng ban Công tác Thanh niên, Tỉnh đoàn cho biết, để phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương, Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các huyện đoàn, thành đoàn làm tốt công tác điều tra, rà soát, xác định thanh niên có nhu cầu để giải quyết cho vay vốn kịp thời. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các hộ vay vốn sử dụng đúng mục đích để nâng cao hiệu quả vốn vay.
Tạo thêm cơ hội
Tuy nhiên, hiện nay nguồn vốn ưu đãi mới chỉ góp phần giúp các thanh niên trên địa bàn tỉnh lập nghiệp, còn con số thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công vẫn rất ít. Đối tượng này gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và trọng tâm vẫn là vốn.
Theo chị Hoàng Thị Phương Hiền, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, dù nguồn vốn cho vay ủy thác qua đoàn thanh niên tăng lên hàng năm nhưng hạn mức giải ngân còn thấp, khiến thanh niên khởi nghiệp khó tiếp cận. Hơn nữa, thanh niên lại thường không có tài sản hữu hình và chỉ có tài sản trí tuệ nên khó có thể thế chấp, vay vốn tại ngân hàng. Do đó, các thanh niên khởi nghiệp thường vay mượn vốn của gia đình, bạn bè để thực hiện các dự án kinh doanh và việc bỏ dở giữa chừng do thiếu vốn là rất phổ biến.
Tháng 6 vừa qua, Trung ương Đoàn có hướng dẫn mới về thực hiện vay vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm nguồn vốn kênh Trung ương Đoàn. Hướng dẫn này đã nới lỏng điều kiện vay cho thanh niên. Trước đây, điều kiện vay phải có tài sản cầm cố, thế chấp như đất đai và tài sản gắn liền trên đất thì hiện chỉ cần có tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật là các dự án sản xuất kinh doanh, dịch vụ khả thi, có hiệu quả và có khả năng hoàn trả nợ. Đây là cơ hội để ĐVTN trên địa bàn tỉnh có cơ hội tiếp cận hơn 600 triệu đồng vốn vay bị tắc nghẽn từ nhiều năm nay.
Ngoài ra, Tỉnh đoàn đã tiến hành rà soát, chọn lọc 15 hồ sơ đáp ứng đủ điều kiện và yêu cầu để sắp tới giải ngân 725 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp do Công ty cổ phần địa ốc Kim Oanh hỗ trợ.
Nhiều cơ sở đoàn cũng nỗ lực tự xây dựng nguồn vốn vay cho thanh niên khởi nghiệp lập nghiệp. Anh Trần Toàn, Bí thư Huyện đoàn A Lưới cho biết, đơn vị đã vận động ĐVTN ủng hộ thành lập Quỹ “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” với tổng số vốn hiện nay gần 200 triệu đồng. Đối tượng vay là những ĐVTN đã có sẵn mô hình kinh tế, có khả năng phát huy tốt nguồn vốn và phải hoàn trả lại sau 1 năm để chuyển qua hỗ trợ ĐVTN khác khởi nghiệp.
Từ 2018, thông qua Dự án “Tăng cường năng lực bảo tồn rừng và đa dạng sinh học gắn với sinh kế bền vững cho cộng đồng dân tộc thiểu số tại Khu Bảo tồn Sao La tỉnh Thừa Thiên Huế”, Huyện đoàn A Lưới được tiếp nhận quản lý thêm hơn 300 triệu đồng từ Quỹ phát triển sinh kế cộng đồng. Thông qua các nguồn quỹ này, nhiều ĐVTN đã phát huy được khả năng, biết tận dụng được thế mạnh sẵn có tại địa phương để khởi nghiệp làm giàu cho bản thân và họ cũng đã trở thành những ĐVTN luôn xung kích trong các phong trào đoàn trên địa bàn.
Bài, ảnh: Hải Thuận