ClockThứ Hai, 08/06/2020 13:15
KHỞI NGHIỆP TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP:

Ý tưởng và đam mê thôi chưa đủ

TTH - Gần đây, nhiều bạn trẻ mạnh dạn dấn thân khởi nghiệp (KN) vào lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, dường như với ý tưởng và lòng đam mê vẫn chưa đủ để KN trong lĩnh vực nông nghiệp.

Chàng trai Tà Ôi không ngại khó khănĐộng viên thanh niên tự tin khởi nghiệpKhởi nghiệp từ cây

Mô hình trồng rau sạch áp dụng công nghệ cao là hướng khởi nghiệp của nhiều bạn trẻ hiện nay

Hành trình khó khăn

Năm 2015, tôi nể phục khi chứng kiến "dự án" KN khá quy mô của anh LVP., ở phường Xuân Phú, TP. Huế. P. sinh năm 1980 có hai bằng đại học, từng làm ở bộ phận quản lý nhân sự ở Công ty Scavi Huế. Đam mê cây và con, P. quyết định rẽ bước về làng mở trang trại VAC (vườn - ao - chuồng) tại TDP 10, phường Thủy Phương, TX. Hương Thủy.

Ngày đó, trên quỹ đất gần 2ha mua của người dân địa phương gần 500 triệu đồng, P. quy hoạch đào ao nuôi cá, nuôi vịt, gà; đồng thời, tạo khu vườn trồng rau sạch, chuối, dứa... Đầu tư bài bản cùng khát vọng sức trẻ của P., tôi đã nghĩ tới hiệu quả dự án mang lại. Tiếc thay, hai năm sau đó "dự án" của P. teo dần. Nhiều ý tưởng, sáng tạo mới mà P. ấp ủ cho dự án trước đó đành "gác" lại.

Trường hợp khác là anh Trần Văn Giàu ở xã Giang Hải (Phú Lộc). Trước năm 2010, Giàu chưa đến 30 tuổi nhưng đã có gia thất, nhà cửa ổn định ở TP. Hồ Chí Minh. Sau năm 2010, Giàu quyết định "dời đô" về quê  khởi nghiệp bằng mô hình nuôi trồng thủy sản bên chân phá Cầu Hai. Ban đầu, Giàu xây dựng mô hình vừa nuôi cá dìa, cá đối xen cua, tôm gần 4ha ao hồ thuê lại từ người thân. Do có tính cầu tiến, siêng năng mô hình nuôi tôm - cá - cua xen ghép của Giàu phát triển khá tốt, trở thành mô hình điểm để nhiều người học tập.

Tuy nhiên gần đây, do môi trường khí hậu khắc nghiệt, nguồn nước ô nhiễm... phương thức nuôi trồng thủy sản không còn hiệu quả như trước, có vụ lỗ nặng. Giàu trải lòng, do mạnh ai nấy làm, thiếu liên kết hợp tác trong đầu tư hạ tầng ao hồ, kênh mương, đầu ra sản phẩm... nên mô hình nuôi tôm - cua - cá của Giàu ngày càng gặp khó, thu nhập bấp bênh...

“Trong làm ăn phát triển kinh tế tôi không ngại khó, song muốn thành công trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản chỉ với lòng đam mê vẫn chưa đủ"- Giàu nói.

Làm gì để hạn chế rủi ro

Gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều thanh niên KN, trong đó lĩnh vực nông nghiệp chiếm số lượng không nhỏ. Theo ông Châu Ngọc Phi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện nay nông nghiệp là lĩnh vực được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm với nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; trong đó, có hỗ trợ cho KN nông nghiệp.

Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều chính sách thu hút đầu tư, trong đó có chính sách hỗ trợ cho KN nông nghiệp. Từ năm 2019 đến nay đã có hàng chục mô hình, dự án KN; trong đó có nhiều "dự án" KN tiêu biểu, như nuôi cá Tầm (xã Hồng Kim (A Lưới); mở trang trại gắn với du lịch (P. Hương Xuân, TX. Hương Trà); trồng dưa lưới ở Vinh Hưng (Phú Lộc) và Thủy Biều (TP. Huế); nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn ở Hương Phong (TX. Hương Trà)...

Nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng, phần lớn các "dự án"  KN ở Thừa Thiên Huế ban đầu có nhiều thuận lợi về tiềm năng đất đai, cơ chế chính sách đãi ngộ của chính quyền sở tại và siêng năng, dám nghĩ dám làm của chủ nhân "dự án"... Tuy nhiên, khi dự án KN bước sang giai đoạn tăng tốc lại bộc lộ nhiều hạn chế; trong đó, sự hỗ trợ về kỹ thuật, khoa học công nghệ cho các dự án chưa cao; sự kết nối đầu tư kỹ thuật, khoa học công nghệ vào sản xuất cho dự án KN chưa đồng bộ nên hiệu quả chưa cao. Nhiều dự án chưa thiết lập được kênh phân phối, chưa xây dựng được chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ. Một số lại khó khăn về vốn trong khi việc tiếp cận vốn vay rất khó...

Phó Giám đốc Sở KHCN Trần Thị Thùy Yên nhìn nhận, nguyên nhân chủ quan xuất phát từ bản thân những người KN chưa mạnh dạn, thiếu tầm nhìn và liên kết để cùng phát triển. Phần nhiều các bạn trẻ khi KN nói chung và KN trong nông nghiệp nói riêng cứ thích "từ từ", vừa làm vừa thăm dò, nên việc mở rộng thị trường gặp nhiều khó khăn. Nhiều nơi khác, họ tích cực hơn trong tìm kiếm thị trường, đối tác lớn để kết nối, hợp tác tìm đầu ra. Từ đó mới tính chuyện tổ chức sản xuất, tích lũy, phát triển hiệu quả.

Chia sẻ tại hội nghị kỷ niệm Ngày KHCN Việt Nam mới đây, TS. Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh nêu thực tế, ở Thừa Thiên Huế, nhiều bạn trẻ chủ dự án KN thường không trình bày được phương án kinh doanh khả thi. Bởi vốn dĩ các bạn hạn chế kiến thức về quản trị kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, trong khi bản thân lại e dè trong học hỏi, kết nối. Mỗi người một ý tưởng, cặm cụi thực hiện nhưng lại quên học hỏi, nâng cao năng lực quản trị và kết nối các nhà đầu tư, đối tác để liên kết, phát triển cơ sở dự án.

Bài ảnh: Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khởi nghiệp từ mô hình “Hoa tươi bất tử Cố đô”

Vốn là dân sư phạm nhưng vì đam mê hoa, chị Nguyễn Thị Thanh Lân (Phong Thu, Phong Điền) đã rẽ sang lĩnh vực kinh doanh hoa rồi khởi nghiệp với mô hình mang thương hiệu “Hoa tươi bất tử Cố đô” bước đầu thành công ở quê nhà. Với mô hình này, chị Lân đã tham gia Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) Thừa Thiên Huế năm 2024 và được UBND tỉnh tặng bằng khen có sáng kiến ĐMST của thế hệ trẻ.

Khởi nghiệp từ mô hình “Hoa tươi bất tử Cố đô”

TIN MỚI

Return to top