Anh Phan Khắc Thanh và vườn lan nổi độc đáo
Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Nông lâm Huế, Phan Khắc Thanh vào Nam lập nghiệp. Trước đó, trong một chuyến hành trình, tình cờ chiêm ngưỡng vẻ đẹp rực rỡ của hoa lan, người con xứ Huế đã bị hút hồn bởi nét thanh tao, đài các của loại cây này. Anh chia sẻ: “Từ lúc ấy, hầu như suốt 5 năm sau, tiền lương của mình đều đổ dồn vào lan. Kinh qua nhiều công việc, trải qua biết bao thăng trầm, hoa lan vẫn gắn bó với mình”.
Năm năm bươn chải, bao nhiêu tiền bạc đều tiêu tán theo lan. Thế nhưng bù lại, Phan Khắc Thanh đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý giá trong việc đảm bảo cho cây hoa lan sinh trưởng, phát triển và thích nghi với khí hậu địa phương.
Năm 2011, vườn lan đầu tiên rộng 50m2 được chàng trai xứ Huế lập ra. Từ một người chỉ tốn tiền mua lan, đầu tư cho thú chơi vương giả, anh bắt đầu có nguồn thu từ đam mê của mình. Năm 2012, với ý tưởng kết nối những người yêu thích, đam mê hoa lan xích lại với nhau, anh đã mở quán cà phê Ý Lan tại đường Lê Huân làm điểm sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm. Đây được xem là mô hình cà phê lan đầu tiên trên xứ Huế. Đến nay, sau nhiều gian khó, chủ vườn lan sinh năm 1979 đang sở hữu 3 nhà giàn với tổng diện tích 1.300m2, áp dụng công nghệ, kỹ thuật trồng hiện đại.
Bước vào khuôn viên vườn lan của anh, chúng tôi thật sự choáng ngợp bởi quy mô, số lượng, chủng loại và đặc biệt là những giàn lan được thiết kế vô cùng độc đáo. Từ những kiến thức, kinh nghiệm, kết hợp với sức sáng tạo của mình, anh đã tận dụng diện tích từ sân, vườn, thậm chí là trên mái nhà để xây lầu cho lan. Hơn thế, vùng đất trũng của làng bỏ hoang nhiều năm cũng được anh tận dụng, biến thành vườn lan nổi.
Anh cho biết: “Giàn lan không đơn thuần là để treo mà cần phải nắm bắt đặc tính từng chủng loại như hướng gió, ánh sáng, độ ẩm. Như thế việc thiết kế, bố trí mới phù hợp cho cây phát triển, sinh trưởng tốt nhất; tiết kiệm tối đa diện tích nhưng đạt hiệu quả cao nhất trên cùng một đơn vị sử dụng”.
Hiện tại, vườn lan của anh có bốn loại chính với 30 chủng loại khác nhau. Trong đó, lan giả hạc chiếm 80%. Hàng năm, với việc cung cấp giống lan trưởng thành cho thị trường từ Bắc vào Nam, anh Phan Khắc Thanh thu về hàng trăm triệu đồng lợi nhuận, giải quyết việc làm cho nhiều người dân tại địa phương.
Thành công với đam mê của mình, thế nhưng anh Thanh vẫn chia sẻ: “Nông nghiệp bền vững thì người nông dân không được ngủ quên trên chiến thắng. Hiện nay, thị trường phân khúc rất mạnh, nếu không thích ứng, cập nhật thì rất dễ bị tụt hậu. Hơn nữa lan là thú chơi tinh tế, phải nắm bắt xu thế của khách hàng, của thị hiếu để đón đầu thị trường. Có như vậy, đầu ra ổn định thì sản xuất mới cho lãi, tạo thêm động lực”. Trên cơ sở đó, từ việc chuyên cung cấp cây giống trưởng thành, thời gian tới anh Phan Khắc Thanh dự kiến sẽ mở rộng, đầu tư thêm sản phẩm hoa lan để đáp ứng nhu cầu khách hàng, thị hiếu thị trường.
Hiện nay, quá trình đô thị hóa ngày càng mở rộng, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp. Việc phát triển nông nghiệp theo hướng tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích sử dụng đang là chủ trương của hội nông dân các cấp. Xây lầu cho lan và vườn lan nổi là mô hình vô cùng sáng tạo, độc đáo, phù hợp với thực tiễn, không chỉ giúp gia tăng giá trị trên cùng một diện tích đất, phương pháp độc đáo này còn tăng hàm lượng chất xám trong từng sản phẩm.
Bài, ảnh: Mai Huế