ClockThứ Hai, 02/05/2022 10:58

Khởi sự kinh doanh của các doanh nghiệp có dấu hiệu khởi sắc

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4/2022 vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, hoạt động khởi sự kinh doanh đã có sự khởi sắc mạnh mẽ. Trong đó, số doanh nghiệp thành lập mới đạt cao nhất từ trước đến nay với 15 nghìn doanh nghiệp.

Ẩm thực - chất liệu tạo nên nền kinh tếThúc đẩy giải ngân vốn khôi phục và phát triển kinh tếPhát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ về đêm4 tháng năm 2022: FDI đạt trên 10,8 tỷ USD

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, kết quả trên cho thấy các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội và Chính phủ đúng hướng và hiệu quả, tạo niềm tin cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Youngbag ViiNa khu Công nghiệp Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Ảnh minh họa: TTXVN

Khởi sắc mạnh mẽ

Theo Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp thành lập mới đạt cao nhất từ trước đến nay với 15 nghìn doanh nghiệp, tương đương với số vốn đăng ký là 164,1 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 104,8 nghìn lao động.

Nếu so với tháng 3/2022, tháng 4/2022 tăng 4,9% về số doanh nghiệp, giảm 15,3% về vốn đăng ký và tăng 11,7% về số lao; và so với cùng kỳ năm trước, tăng 0,9% về số doanh nghiệp, giảm 8,8% về số vốn đăng ký và tăng 10,7% về số lao động.

Ngoài ra, cả nước còn có 7.034 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 63,6% so với tháng trước và tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Nếu tính cả số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động thì số doanh nghiệp tham gia thị trường trong tháng 4/2022 gấp hơn 2 lần so với doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, cả nước có 49,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 635,3 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 348,2 nghìn lao động, tăng 12,3% về số doanh nghiệp, tăng 1,2% về vốn đăng ký và tăng 2,3% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đầu năm 2022 đạt 12,8 tỷ đồng, giảm 9,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Nếu tính cả 1.345,5 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 17,1 nghìn doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 4 tháng đầu năm 2022 là 1.980,8 nghìn tỷ đồng, tăng 39,4% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, còn có 30,9 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 60,6% so với cùng kỳ năm 2021), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 4 tháng đầu năm 2022 lên 80,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm trước.

Lãnh đạo Tổng cục Thống kê nhận định, kết quả trên cho thấy các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội và Chính phủ đúng hướng và hiệu quả, tạo niềm tin cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Ở chiều ngược lại, về số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong tháng 4/2022, có 5.391 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 81,1% so với tháng trước và tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2021; có 3.762 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 52,1% và giảm 32,9% và có 1.227 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% và giảm 20,4%.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 41 nghìn doanh nghiệp, tăng 44,6% so với cùng kỳ năm trước; 15 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 8,7%; gần 5,6 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 17,5%.

Như vậy, trong 4 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2021; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 60,6% trong khi đó số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm 17,5%.

Các giải pháp thích ứng an toàn và hiệu quả

Để hỗ trợ doanh nghiệp, Tổng cục Thống kê đề xuất các bộ, ngành cần tiếp tục triển khai chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; đồng thời, bảo đảm cung ứng đầy đủ nguyên vật liệu, năng lượng để đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án công nghiệp quan trọng; hỗ trợ tối đa các nhà máy duy trì và khôi phục sản xuất để giữ đơn hàng, chuỗi cung ứng.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) chia sẻ, cước vận tải và giá dầu thế giới liên tục tăng cao trong thời gian qua ảnh hưởng lớn đối với hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh thế giới còn nhiều biến động, giá nguyên, nhiên liệu giữ ở mức cao sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các hoạt động vận tải trong xuất nhập khẩu. Từ thực tế đó, doanh nghiệp mong muốn các ngành chức năng, nhất là ngành hải quan tiếp tục đồng hành và có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu vượt khó.

“Để kéo giảm chi phí cho doanh nghiệp, cần tiếp tục tăng cường đơn giản hóa, minh bạch thủ tục hải quan để giảm chi phí và tăng tính dự đoán cho doanh nghiệp. Theo đó, cần nhanh chóng xây dựng và sử dụng các hệ thống trao đổi điên tử các dữ liệu giữa các doanh nghiệp, hải quan và các cơ quan liên quan; tạo thuận lợi cho các chủ thể có mức độ tuân thủ cao”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nêu kiến nghị.

Cùng với việc hỗ trợ về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, tháo gỡ khó khăn, các địa phương còn đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, bình ổn giá; đồng thời, nắm bắt thông tin để kịp thời hỗ trợ tháo gỡ, nhất là thủ tục tín dụng nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận, cập nhật chính sách mới của Chính phủ.

Ông Đào Duy Tám, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, với mục tiêu cắt giảm thủ tục hành chính và các hoạt động sáng tạo giúp doanh nghiệp duy trì và phát triển hoạt động xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan sẽ tích cực hoàn thiện hệ thống thể chế, văn bản quy phạm pháp luật.

Đồng thời, triển khai nhiều giải pháp về ứng dụng công nghệ thông tin như: thực hiện thủ tục hải quan hoàn toàn bằng phương thức điện tử; thanh toán điện tử (E-Payment); quản lý giám sát hải quan tự động; thay thế các thủ tục hành chính bằng việc chuyển đổi sang hình thức kết nối, trao đổi dữ liệu thông tin điện tử...

Bên cạnh đó, các địa phương cũng sẽ  hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ, kênh thương mại trực tuyến do các tổ chức nước ngoài triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, tìm kiếm các thị trường mới thay cho các thị trường truyền thống lâu nay. Hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh và tăng cường quảng bá, tiêu thụ sản phẩm ở thị trường nội địa, hỗ trợ đưa sản phẩm ra nước ngoài thông qua các cơ quan đại diện Việt Nam ở các nước và khu vực...

Về cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhiều địa phương trên cả nước đang rà soát chính sách phù hợp để thu hút nhanh, hiệu quả doanh nghiệp lớn ở trong nước và nước ngoài đầu tư có trọng tâm, chọn lọc; ưu tiên dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, quản trị hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để doanh nghiệp quản trị và vận hành hiệu quả

Xây dựng chiến lược, lập kế hoạch kinh doanh và vận hành doanh nghiệp (DN) hiệu quả là nội dung khóa đạo tạo được Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tổ chức trong 2 ngày 22 và 23/11.

Để doanh nghiệp quản trị và vận hành hiệu quả
Hướng đến doanh nghiệp không khói thuốc

Không chỉ là một khẩu hiệu, phong trào "Doanh nghiệp nói không với thuốc lá" đang trở thành cam kết của nhiều doanh nghiệp (DN), góp phần cùng cộng đồng bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng sống.

Hướng đến doanh nghiệp không khói thuốc
Khuyến khích hợp tác công tư trong hỗ trợ doanh nghiệp

Thừa Thiên Huế là địa phương đi đầu trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp và có nhiều chính sách đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), song nhìn nhận từ góc độ bao phủ của chính sách vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu của DN, nhất là DN các tuyến huyện, thị xã.

Khuyến khích hợp tác công tư trong hỗ trợ doanh nghiệp

TIN MỚI

Return to top