ClockThứ Bảy, 05/11/2022 14:29

Khơi thông tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết Bộ Nội vụ sẽ tham mưu cho Thủ tướng tổ chức hội nghị đánh giá một cách căn cơ, toàn diện, đầy đủ sau 5 năm thực hiện tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.

Từ chiều ngày 3/11, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấnNgày 2/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về 2 dự án LuậtXem xét các dự án luật phù hợp thực tiễnThảo luận Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và Dự án Luật Phòng thủ dân sựCần kiểm soát giao dịch của các tội phạm tẩu tán tài sản

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Tiếp tục trả lời chất vấn trước Quốc hội, sáng 5/11, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã giải đáp thỏa đáng nhiều vấn đề đại biểu đặt ra trong phiên chất vấn chiều 4/11.

Đáng chú ý, liên quan đến vấn đề thực hiện tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ trưởng cho biết, nếu chúng ta không quyết tâm, không có phương pháp thì khó có thể thực hiện được.

Trước đó, chất vấn tại nghị trường, đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) nêu thực tế thời gian qua, việc thực hiện tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập còn thấp, chưa đạt được mục tiêu đề ra. Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên mới đạt 6,6%.

Đại biểu chất vấn về nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp để thực hiện hiệu quả tự chủ với đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian tới.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, tự chủ đơn vị sự nghiệp là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đã được thể hiện xuyên suốt từ rất nhiều nhiệm kỳ và thể hiện rất rõ trong nghị quyết của Đảng, mới đây nhất, được thể hiện rất đậm trong tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, cũng như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Nhiều năm qua, tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập đã đạt được những kết quả rất đáng kể. Về mặt nhận thức, đã thay đổi tư duy để quan tâm thực hiện tự chủ, từng bước hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách để thúc đẩy tự chủ, đặc biệt là tự chủ các đơn vị sự nghiệp y tế, giáo dục đại học.

Trong tổng số hơn 47.000 đơn vị sự nghiệp công lập của cả nước, tự chủ về tài chính, về chi thường xuyên và chi đầu tư mới đạt 6,6%, tự chủ toàn phần đạt 18,7%, chưa đạt được mục tiêu theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW.

Nhưng trong thực tiễn, có những lĩnh vực vẫn đạt được kết quả tốt. Chính phủ đã sơ kết đánh giá 5 năm thực hiện tự chủ giáo dục đại học, cho thấy, 108/232 đơn vị đại học đã đảm bảo tự chủ chi đầu tư và chi thường xuyên, số tự chủ một phần rất lớn, chỉ còn 8 đơn vị đại học đang phụ thuộc vào nguồn ngân sách nhà nước.

“Việc thực hiện tự chủ giáo dục đại học chúng ta đã thành công bước đầu. Qua tự chủ, đơn vị đại học đã cơ cấu lại tổ chức bộ máy tinh gọn hơn và tập trung cho một lực lượng chủ yếu, đó là đội ngũ giảng viên. Những lực lượng hỗ trợ phục vụ đã giảm thiểu rất lớn. Các phòng, ban bên trong của các đơn vị sự nghiệp này hết sức tinh gọn, có nơi đã giảm tới 20% đầu mối bên trong,” Bộ trưởng Nội vụ cho hay.

Bộ trưởng cũng khẳng định tính năng động, sáng tạo, liên kết để tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đại học đã được nâng lên một cách rõ rệt. Ngân sách nhà nước hỗ trợ cho sự nghiệp giáo dục đại học đã giảm.

Dẫn chứng, tự chủ giáo dục đại học đã cho kết quả bước đầu “đáng phấn khởi” mà điển hình là “chúng ta có 5 trường đại học thuộc top đầu của toàn cầu,” Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, “không phải chúng ta không làm được. Nếu chúng ta quyết tâm, nếu chúng ta nỗ lực, có đầy đủ các cơ chế thì có thể thực hiện được tự chủ.”

Nêu lên nguyên nhân cơ bản khiến cho việc tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập “vẫn còn rất khiêm tốn và chưa đáp ứng được mục tiêu,” Bộ trưởng phân tích, chúng ta chưa hoàn thiện được hệ thống thể chế một cách đồng bộ, đầy đủ, liên thông, thống nhất và nhất quán cho việc thúc đẩy các đơn vị tự chủ.

Các Luật: Đấu thầu, Đầu tư, Đất đai, Khám, chữa bệnh, Giáo dục đại học còn những vấn đề bất cập cần phải tháo gỡ. Những văn bản dưới luật, một số nghị định có liên quan phải sửa và ban hành mới để có căn cứ cho thực hiện tự chủ. Vấn đề liên quan đến tính đúng, tính đủ giá, phí dịch vụ công ích cũng chưa hoàn thiện.

Bên cạnh đó, 2 năm qua, nước ta bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, nên hệ thống đơn vị sự nghiệp, đặc biệt là đối với sự nghiệp y tế có rất nhiều khó khăn trong thực hiện tự chủ. Các cơ quan chủ quản, cơ quan chức năng chưa thật sự ráo riết, quyết tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tự chủ đơn vị sự nghiệp và bản thân người đứng đầu một số đơn vị sự nghiệp cũng chưa quyết tâm, quyết liệt.

Chia sẻ tâm đắc “thấm thía” với ý kiến của đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) khi đề cập đến tự chủ trong lĩnh vực y tế trong phiên thảo luận về kinh tế-xã hội: “chúng ta không tự chủ, tức là chúng ta thất bại, tức là chúng ta thiếu quyết tâm và tức là chúng ta không có phương pháp và một mặt nào đó còn bạc nhược,” Bộ trưởng cho rằng nếu chúng ta không quyết tâm, không có phương pháp thì khó có thể thực hiện được tự chủ. Vấn đề này đòi hỏi cả hệ thống chính trị vào cuộc, và trước hết là người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp, các cơ quan chủ quản phải quan tâm hơn.

Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết Bộ Nội vụ sẽ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ tổ chức hội nghị đánh giá một cách căn cơ, toàn diện, đầy đủ sau 5 năm thực hiện tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.

Từ đó, Thủ tướng sẽ có những chỉ đạo cụ thể cho các bộ, ngành chức năng, tháo gỡ toàn bộ điểm nghẽn, những rào cản để khơi thông vấn đề thực hiện tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập. Hiện Bộ Nội vụ đang tiến hành tổng hợp, rà soát vấn đề này, kết hợp với việc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW.

Bộ trưởng Nội vụ cũng cho rằng, phải rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện một cách đồng bộ và liên thông, nhất quán toàn bộ hệ thống thể chế, chính sách, vì hiện còn rất nhiều rào cản, vướng mắc.

Dẫn chứng từ nơi mình từng công tác, khi có sự hướng dẫn, hỗ trợ sát sao, các đơn vị y tế, giáo dục đều thực hiện được việc tự chủ một phần, toàn phần, Bộ trưởng nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị phải thực sự quyết tâm thực hiện tự chủ.

Theo Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khoá VIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026:
Chất vấn lãnh đạo đầu ngành các vấn đề y tế, nội vụ

Sáng 11/12, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khoá VIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, HĐND tỉnh tiến hành chất vấn lãnh đạo đầu ngành liên quan đến lĩnh vực y tế, nội vụ.

Chất vấn lãnh đạo đầu ngành các vấn đề y tế, nội vụ
Cần giải pháp nâng cao chất lượng các sản phẩm nông sản

Trong khuôn khổ Chương trình Phiên họp thứ 36, sáng 21/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết (NQ) của UBTVQH về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023.

Cần giải pháp nâng cao chất lượng các sản phẩm nông sản
BẾ MẠC KỲ HỌP THỨ 7, HĐND TỈNH KHÓA VIII:
Nỗ lực, quyết tâm cao để về đích thắng lợi

Ngày 8/12, sau 1,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm cao, kỳ họp lần thứ 7 của HĐND tỉnh khóa VIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra và diễn ra phiên bế mạc.

Nỗ lực, quyết tâm cao để về đích thắng lợi
Return to top