Ông Phạm Bá Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thừa Thiên Huế
Theo ông Nam, nợ xấu chính là các khoản tiền mà ngân hàng cho khách hàng vay, nhưng khi đến hạn thu hồi nợ lại không thể đòi được do yếu tố chủ quan từ chính phía khách hàng cũng như doanh nghiệp (DN), tổ chức vay tín dụng làm ăn thua lỗ, phá sản dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán khoản nợ đã vay của ngân hàng khi đến kỳ hạn.
Nợ xấu đã, đang và có thể sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến việc lưu thông dòng vốn vào nền kinh tế. Tỷ lệ nợ xấu càng cao thì rủi ro và tổn thất dòng vốn của các ngân hàng thương mại (NHTM) càng lớn. Đây được coi là nguyên nhân chính kìm hãm, hạn chế sự lưu thông của dòng tín dụng trong nền kinh tế.
Theo ông, đâu là những nguyên nhân khiến nợ xấu có thể gia tăng trong thời gian này?
Từ sau khi dịch COVID-19 bùng phát, hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) trong cả nước nói chung và tại địa bàn tỉnh nói riêng, nhiều lĩnh vực kinh doanh bị trì trệ, thiếu thị trường tiêu thụ, DN tạm ngưng hoạt động, giảm doanh thu làm ảnh hưởng đến khả năng trả nợ vay của khách hàng và gia tăng áp lực nợ xấu tại ngân hàng.
Vậy các gói hỗ trợ của ngân hàng có tác động như thế nào đến tình hình nợ xấu hiện nay?
Thời gian qua, ngành Ngân hàng trên địa bàn đã tích cực triển khai các giải pháp tín dụng nhằm hỗ trợ khách hàng vay gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Cụ thể, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi suất, phí, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới; qua đó góp phần hỗ trợ DN, hộ kinh doanh có thêm nguồn lực và thời gian để tiếp tục phục hồi SXKD. Nhưng thực chất những khoản nợ được cơ cấu vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ phát sinh nợ xấu trong tương lai.
Các ngân hàng phải trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro
Tính đến hết quý I, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 0,49%. Tuy nhiên, nếu tính thêm nợ không bị chuyển nợ xấu do được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và các thông tư sửa đổi thì tổng nợ xấu nội bảng, nợ đã bán qua VAMC chưa xử lý, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của các TCTD trên địa bàn có thể tăng cao.
Ông có thể thông tin một vài con số về tình hình nợ xấu trong 2 năm trở lại đây?
Thực tế trong 2 năm trở lại đây, các TCTD trên địa bàn tích cực thực hiện xử lý nợ xấu bằng nhiều biện pháp, như: đôn đốc khách hàng trả nợ; bán, phát mãi tài sản bảo đảm của khoản nợ, sử dụng dự phòng rủi ro; tích cực áp dụng các biện pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14. Tổng số nợ xấu nội bảng đã xử lý từ đầu năm 2020 đến hết quý I/2022 là hơn 1.400 tỷ đồng. Để đạt được kết quả xử lý nợ ấn tượng như vậy, ngoài việc các TCTD đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, ưu tiên nguồn lực còn có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Còn theo số liệu báo cáo của các TCTD, tổng nợ xấu nội bảng toàn địa bàn đến cuối tháng 3/2022 mức 324,2 tỷ đồng. Nợ xấu nội bảng các TCTD giảm trong thời gian 2 năm trở lại đây; cụ thể, giảm từ tỷ lệ 2,1% vào thời điểm cuối năm 2019 xuống còn 0,49% vào cuối tháng 3/2022.
Ông có nhận định nào về những con số khá đặc biệt này?
Nợ xấu nội bảng tuy giảm, nhưng nợ còn tiềm ẩn rủi ro có xu hướng gia tăng. Các khoản nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và các thông tư sửa đổi, bổ sung cũng tiềm ẩn gia tăng nợ xấu trong thời gian tới. Việc xử lý nợ xấu của các TCTD còn gặp nhiều khó khăn, mất nhiều nguồn lực. Công tác thu hồi nợ cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản gặp nhiều khó khăn do thiếu thiện chí trả nợ của khách hàng.
Ngoài ra, một số khách hàng vay vốn tiêu dùng phục vụ đời sống tại công ty tài chính tiêu dùng với dư nợ vay nhỏ, nhưng lại thiếu ý thức trả nợ đã ảnh hưởng đến phân loại nhóm nợ tại các TCTD trên địa bàn theo quy định phân loại nợ hiện hành.
NHNN đã triển khai những giải pháp nào trong quản lý nợ xấu trên địa bàn, thưa ông?
NHNN đang tăng cường công tác giám sát, quản lý, thanh tra toàn diện hoạt động của các TCTD trên địa bàn; ban hành các văn bản chỉ đạo, cảnh báo vấn đề liên quan tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, có giải pháp ứng xử phù hợp đảm bảo an toàn khi phát hiện có biến động bất thường.
NHNN chi nhánh tỉnh luôn theo dõi, đánh giá, nhận diện và cảnh báo các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% và yêu cầu đơn vị báo cáo, giải trình các giải pháp cụ thể để giảm tỷ lệ nợ xấu. Đồng thời, xem xét đưa vào danh sách thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật các TCTD có dư nợ xấu tỷ lệ cao. NHNN sẽ hạn chế TCTD nhiều nội dung: phát triển mạng lưới, thi đua khen thưởng… đối với các TCTD có tỷ lệ nợ xấu cao.
Ông có thể cho biết hoạt động giám sát được triển khai như thế nào trong quá trình này?
Các giải pháp giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện phương án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu của các TCTD trên địa bàn cũng được tăng cường. NHNN tập trung chỉ đạo các TCTD có nợ xấu cao trên địa bàn chủ động xây dựng phương án, kế hoạch xử lý nợ xấu, có các giải pháp ngăn chặn nợ xấu phát sinh; phân loại nợ bảo đảm phản ánh đúng chất lượng khoản vay, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các cơ quan có thẩm quyền trên địa bàn trong thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các TCTD trên địa bàn trong xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu.
Việc triển khai kế hoạch thanh tra năm 2022, trong đó chú trọng nội dung thanh tra hoạt động cấp tín dụng, các khoản nợ cơ cấu theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, phân loại nợ, trích lập dự phòng và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng cũng đã được chú trọng.
Còn bản thân các NHTM, ông có khuyến cáo nào nhằm hạn chế rủi ro tín dụng?
Điều quan trọng nhất với các NHTM là nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức của cán bộ trong việc thẩm định tính hiệu quả phương án vay vốn trước khi đưa ra các quyết định cho vay, góp phần hạn chế được nợ xấu. Tuyệt đối không hạ thấp điều kiện tín dụng.
Các hoạt động kiểm tra, kiểm soát nội bộ cũng phải được triển khai thường xuyên giúp cho ngân hàng giảm thiểu được rủi ro trong hoạt động cho vay. Tập trung nguồn lực, tích cực đôn đúc thu hồi các khoản nợ xấu của các khoản vay. Thực hiện trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý các khoản nợ xấu. Phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành: Tòa án, Viện Kiểm sát, Cục Thi hành án dân sự… để rút ngắn thời gian xử lý khoản nợ nhằm thu hồi vốn để tái đầu tư một cách nhanh nhất.
Xin cảm ơn ông!
HOÀNG LOAN (Thực hiện)