Ngân hàng Chính sách xã hội được bổ sung vốn cho vay nhà ở xã hội
Đánh giá nhu cầu vay vốn
Nhiều DN đầu tư BĐS cho rằng, việc siết tín dụng BĐS khi không vạch rõ cũng như phân loại cụ thể loại hình BĐS sẽ khiến cho nhiều DA gặp khó trong huy động vốn. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh việc thắt chặt tín dụng sẽ chỉ ảnh hưởng đến các DN yếu về năng lực tài chính, không có khả năng cân đối tài chính, không đủ năng lực để huy động vốn trên cả thị trường vốn lẫn thị trường nợ. Còn những chủ đầu tư lớn, có dòng tiền, khả năng quản lý tài chính, khả năng tiếp cận vốn tốt vẫn có cơ hội để phát triển.
Mới đây, tại hội thảo tìm kiếm nguồn vốn kết nối khách hàng DN với các tổ chức tín dụng (TCTD), bà T.D chia sẻ thực tế, khi cá nhân bà sử dụng tài sản đảm bảo là sổ đỏ để vay thế chấp; tuy nhiên ngân hàng không cho vay theo đúng hạn mức yêu cầu. Việc không cho vay với hạn mức tối đa khiến DN gặp khó khăn, nhất là trong giai đoạn phục hồi kinh tế như hiện nay.
Đại diện các ngân hàng tham gia hội thảo đã chỉ rõ, chỉ cần khách hàng trả lời được 2 câu hỏi: vay vốn để làm gì, vay vốn xong lấy nguồn nào trả nợ thì ngân hàng không có lý do gì để không cho vay. Việc sử dụng vốn đúng mục đích sẽ là nền tảng và cũng là cơ sở đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng. Còn tài sản đảm bảo là yếu tố cần nhưng không phải quan trọng nhất. Quan trọng nhất là chứng minh sử dụng vốn đúng mục đích, phương án kinh doanh hiệu quả, thẩm định được dòng tiền trả nợ. Thời gian qua, một số DN dù không có tài sản đảm bảo nhưng có phương án kinh doanh hiệu quả, chứng minh được dòng tiền đều được các TCTD cho vay.
Không riêng gì DN, việc siết tín dụng BĐS cũng khiến nhiều người, nhất là lao động có nhu cầu về nhà ở đứng trước nỗi lo khó vay vốn khi có nhu cầu. Tuy nhiên, theo đại diện các TCTD và NHNN, lĩnh vực BĐS nhà ở phục vụ nhu cầu tiêu dùng chính đáng, vẫn được tạo điều kiện.
"Chúng tôi luôn hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân, DN”, ông Nguyễn Hải Quân, Giám đốc Agribank Thừa Thiên Huế nhấn mạnh.
Vẫn rộng cửa
Siết tín dụng BĐS sẽ tác động đến hành vi vay vốn mua đất để đầu cơ, phân lô bán nền, gom đất nông nghiệp mua bán sang tay ngắn và trung hạn; góp phần lành mạnh hóa thị trường BĐS. Bởi lẽ, phần lớn nhà đầu tư đều sử dụng đòn bẩy tài chính là vốn vay từ ngân hàng. Tuy nhiên, cần phải có cơ chế để những người thực sự có nhu cầu về nhà ở vẫn có thể tiếp cận được với nguồn vốn vay từ ngân hàng.
Theo đó, các ngân hàng sẽ đẩy mạnh khâu kiểm soát, thẩm định, định giá đối với tài sản đảm bảo đối với vốn vay BĐS để đảm bảo đồng vốn sử dụng đúng mục đích. Đồng thời, tiếp tục triển khai cho vay BĐS đối với các DA đầu tư đã được quy hoạch, phục vụ nhu cầu nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở thực sự cho người dân, nhất là những đối tượng có thu nhập thấp.
Song song với siết chặt các điều kiện quy định về cho vay BĐS với các chủ đầu tư, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh vẫn triển khai các gói vay ưu đãi BĐS đối với cá nhân có nhu cầu thực, cá nhân mua nhà lần đầu, mua nhà để ở như gói vay nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi 4,8%/năm mà Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) đang triển khai. Tính đến 30/4/2022, dư nợ chương trình cho vay này là 130 tỷ 270 triệu đồng với 431 khách hàng còn dư nợ. Mới đây, Ngân hàng CSXH Việt Nam cũng đã bổ sung thêm nguồn vốn cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội với số vốn 114,5 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn không nhỏ giúp người dân, nhất là đối tượng có thu nhập thấp giải quyết phần nào khó khăn về nhà ở.
Các TCTD khác cũng triển khai nhiều gói vay vốn xây dựng cải tạo nhà ở với lãi suất ưu đãi, góp phần giảm thiểu khó khăn của người dân. NHNN tỉnh đã có những chỉ đạo đến các TCTD trên địa bàn bám sát, thực hiện có hiệu quả định hướng, nhiệm vụ giải pháp hoạt động ngân hàng nhằm thực hiện mục tiêu đồng hành trong khôi phục và phát triển kinh tế.
“Các ngân hàng phải dựa vào tỷ lệ hiện cho vay đối với lĩnh vực này so với tổng dư nợ của ngân hàng mình, cân đối nguồn vốn và các tỷ lệ an toàn vốn... để hạn chế hay là siết dòng vốn đối với kinh doanh BĐS. Ưu tiên vốn tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên và hỗ trợ thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như BĐS, các DA BOT, hoạt động đầu tư trái phiếu DN, chứng khoán...; tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng. Tăng cường công tác thẩm định tín dụng, nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát; thực hiện định giá tài sản là BĐS, nhất là BĐS tại các khu vực đang có hiện tượng “sốt” đất đảm bảo phản ánh đúng giá trị thực, khách quan, minh bạch, đúng quy định của pháp luật”, Giám đốc NHNN tỉnh Phạm Bá Nam khẳng định.
Bài, ảnh: Hoàng Loan